04/02/2012 04:01 GMT+7

"Bạo lực sân cỏ đã đến mức báo động"

KHƯƠNG XUÂN thực hiện
KHƯƠNG XUÂN thực hiện

TT - Ông Phạm Văn Tuấn phát biểu như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-2 sau khi tổng cục có văn bản yêu cầu VFF thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo các giải bóng đá chuyên nghiệp, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trận đấu...

TT - Ông Phạm Văn Tuấn phát biểu như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-2 sau khi tổng cục có văn bản yêu cầu VFF thực hiện nghiêm công tác chỉ đạo các giải bóng đá chuyên nghiệp, đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trận đấu...

Ông Tuấn cho biết từ mùa giải 2012, dưới sự chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL, lãnh đạo Tổng cục TDTT rất ủng hộ sự ra đời của Công ty VPF, vì với VPF bóng đá VN sẽ có sự thay đổi mang tính chất chuyên nghiệp. Sau khi ra đời, VPF có trình Tổng cục TDTT điều lệ (trong điều lệ có việc đổi tên Giải bóng đá VĐQG là Super League) và quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng theo luật TDTT, điều lệ giải phải do chủ tịch VFF (Liên đoàn Bóng đá VN) ký chứ không phải thẩm quyền của VPF. Đồng thời, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp phải do Bộ VH-TT&DL ban hành (trước khi bộ ban hành, VFF phải thông qua ban chấp hành).

Sau khi nhận được các văn bản này, lãnh đạo Tổng cục TDTT đã mời VFF và VPF lên làm việc để biết được định hướng chung và cách thức thực hiện. Sau đó VFF phải điều chỉnh điều lệ giải, quy chế bóng đá chuyên nghiệp để gửi Tổng cục TDTT trình Bộ VH-TT&DL, đến nay Tổng cục TDTT vẫn đang chờ VFF chỉnh sửa hoàn thiện. Vì thời gian gấp rút nên các bên thống nhất trong khi chờ ban hành điều lệ và quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới, tạm thời sẽ sử dụng điều lệ và quy chế bóng đá chuyên nghiệp của mùa giải 2011. Do đó, khi chưa có điều lệ mới được thông qua, Giải bóng đá VĐQG 2012 vẫn phải giữ tên V-League như ở mùa giải 2011.

* Khi VFF và VPF đổi tên giải đấu, sao Tổng cục TDTT không có chỉ đạo ngay mà đến khi giải đấu đã trôi qua ba vòng mới có công văn đề nghị sửa tên?

- Đúng ra trước đây Tổng cục TDTT phải làm sớm việc này. Chúng tôi đã có trao đổi trước với VPF nhưng đến nay VFF và VPF chưa thực hiện, do đó Tổng cục TDTT phải nhắc nhở để họ thay đổi. Chúng ta hiểu rằng tên gọi của giải VĐQG là yếu tố quan trọng để xác định nguồn gốc của quốc gia tổ chức giải đấu đó, phải được thể hiện bằng ngôn ngữ chính thức của quốc gia đó để không nhầm lẫn với giải đấu của một quốc gia nào khác. Khi hòa nhập với quốc tế chúng ta sử dụng ngôn ngữ nước ngoài thì cũng đảm bảo phải có chữ VN trong đó.

* Trả lời báo chí ngày 3-2, ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ tịch HĐQT VPF - cho biết khi đổi tên giải đấu thành Super League, VPF đã xin phép Tổng cục TDTT và Bộ VH-TT&DL?

- Anh Kiên nghĩ là VPF đã đưa điều lệ, quy chế, nếu Tổng cục TDTT không có ý kiến tức đã đồng ý. Nhưng không phải vậy, VPF đã trình nhưng Tổng cục TDTT đã thảo luận việc này phải do VFF trình. Và VPF trước mắt vẫn phải thực hiện theo cái cũ. Do vậy, sau khi có công văn chỉ đạo, VFF và VPF phải đổi tên giải đấu.

VPF sẽ họp với các CLB

Sau khi VPF nhận được công văn của VFF gửi ngày 2-2 chỉ đạo VPF phải chấn chỉnh phong cách thi đấu của cầu thủ và công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các giải bóng đá chuyên nghiệp VN, hôm 3-2, ông Phạm Ngọc Viễn - tổng giám đốc VPF - đã ký công văn gửi VFF, trong đó có nội dung: thực hiện chỉ đạo của VFF, ngày 8-2 VPF sẽ tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các CLB, các HLV trưởng để kịp thời chấn chỉnh các vấn đề bất cập của giải. Nhất là tình trạng thi đấu thô bạo của cầu thủ và việc không đảm bảo an ninh của các sân trước, trong và sau trận đấu.

* Đánh giá của Tổng cục TDTT về vấn đề bạo lực sân cỏ trong ba vòng đấu vừa qua như thế nào?

- Bạo lực sân cỏ, vấn nạn trọng tài, công tác tổ chức của BTC đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các giải bóng đá quốc gia VN hiện nay. Vì vậy VFF, VPF, các CLB, cầu thủ, trọng tài... cần phải thể hiện trách nhiệm đối với sự chuyên nghiệp của bóng đá VN. VFF và các CLB phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục đối với văn hóa chơi bóng của các cầu thủ. BTC giải, BTC các sân phải tăng cường an ninh để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để những hình ảnh xấu của bóng đá bạo lực xuất hiện như thời gian qua.

* Khi việc giáo dục đạo đức cầu thủ chưa đem lại hiệu quả, ông có nghĩ các quyết định kỷ luật mạnh là bài thuốc hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bạo lực sân cỏ?

- Chúng ta phải tôn trọng quyết định kỷ luật của ban kỷ luật. Bệnh nhân uống thuốc liều thấp chưa đủ liều thì phải kê đơn liều cao hơn. Tôi nghĩ VFF cần phải có những chế tài mạnh mẽ hơn nữa đối với những hành vi bạo lực, phi thể thao trong và ngoài sân cỏ. Hôm nay (3-2), tổng cục tiếp tục gửi công văn hỏa tốc đến các sở VH-TT&DL có các đội bóng phải đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các đội bóng trước, trong và sau trận đấu. Hiện nay lãnh đạo tổng cục phân công nhau đi xem từng trận, thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng đi xem xét công tác, quy trình tổ chức của từng trận đấu để nắm tình hình.

* Sau ba tháng ra đời, nhiều ý kiến cho rằng VPF chưa thay đổi được gì cho bóng đá VN so với những mùa giải trước, ông nghĩ gì về quan điểm này?

- Tổng cục cho rằng VPF đã có rất nhiều cố gắng trong công tác điều hành giải, nhưng không phải ngày một ngày hai có thể thay đổi được tình hình của bóng đá VN. VPF là thành viên của VFF và VFF là cổ đông lớn nhất của VPF, nên nếu VPF tốt thì VFF tốt. Vì vậy, Tổng cục mong các bên cùng nhau góp sức để phát triển bóng đá VN.

KHƯƠNG XUÂN thực hiện

KHƯƠNG XUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên