Cậu bé Huang bị bắt nạt và hành hung phải điều trị tại bệnh viện - Ảnh: CNN |
Theo CNN ngày 2-11, trường hợp cậu bé Huang Tanghong, 15 tuổi, thường xuyên bị bạn học bắt nạt đến mức nhập viện đã dấy lên làn sóng phẫn nộ bởi tình trạng bạo lực tại các trường học của Trung Quốc đã vượt tầm kiểm soát.
Giọt nước tràn ly
Cô Liu Lizhu vô cùng bối rối và xấu hổ khi không hề hay biết con trai bị bắt nạt và hành hung tại trường cho đến khi cậu bé phải nhập viện với chấn thương lá lách.
Vụ việc đáng tiếc xảy ra đêm trước kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông tại Phúc Kiến, Huang bị nhóm ba bạn học đánh đập dã man. Sau khi bị đánh, cậu bé đau đớn nằm trên sàn, nhưng im lặng không báo cho bố mẹ vì sợ hãi.
Trường hợp của Huang thu hút nhiều sự chú ý khi anh họ của cậu công khai những bức ảnh cậu nằm viện với đa chấn thương lên các phương tiện truyền thông mong đòi lại công lý.
Ba nghi phạm sau đó bị bắt giữ nhưng nhanh chóng được thả ra khi cha mẹ chúng đồng ý bồi thường cho phía Huang 210.000 NDT (33.000 USD).
Nạn nhân: “thế hệ bị bỏ lại”
Những câu chuyện, hình ảnh và video ghi lại các vụ bạo lực học đường tràn lan trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Chỉ trong chín tháng qua, Trung Quốc đã ghi nhận ít nhất 30 trường hợp. Mới đây tháng 10-2015, một video kéo dài ba phút, quay cảnh bốn cô gái tuổi 12 - 14 đánh đập dã man một nữ sinh khác chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ lan truyền rộng rãi trên mạng.
Nghiên cứu năm 2012 tại bốn thành phố phía nam Quảng Đông cho thấy 21% học sinh trung học có liên quan đến bạo lực học đường, hoặc là nạn nhân, hoặc thủ phạm, hoặc cả hai.
Vấn nạn bạo lực học đường hiện phổ biến trong 1/5 số học sinh. Tuy nhiên, thủ phạm thường chỉ bị cảnh cáo và đánh dấu vào học bạ bởi Luật bảo vệ trẻ em Trung Quốc quy định trẻ vị thành niên, dưới 16 tuổi sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý trừ khi phạm tội nghiêm trọng, chẳng hạn như giết người.
Dù là nạn nhân hay thủ phạm thì những học sinh này đều rơi vào vòng tròn của sự tức giận và mặc cảm. Hơn nữa còn đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe nghiêm trọng và các vấn đề khác. Nguyên nhân có nhiều nguồn có thể xuất phát từ áp lực từ bạn bè, gia đình tan vỡ, cảm giác bất an hay dành thời gian lên mạng quá nhiều.
Phần lớn trẻ em của nạn bạo lực học đường thuộc “thế hệ bị bỏ lại” khi bố mẹ buộc phải đi làm ăn xa, và hầu như chúng không gặp mặt họ trong thời gian dài. Những đứa trẻ này dễ gặp phải vấn đề tâm lý hơn các đứa trẻ khác.
Đâu là giải pháp? Tháng 7-2015, Cục Quản lý không gian mạng Trung Quốc đã cấm các trang web đăng tải những video “khiêu dâm hoặc bạo lực”, gồm cả video hành hung trẻ em “nhằm bảo vệ tinh thần, thể xác và sức khỏe cho trẻ em”. Liu Chaoying, một nhân viên tư vấn tâm lý ở Bắc Kinh, cho hay xử phạt nghiêm khắc sẽ không giải quyết tình trạng triệt để. Nhiều thủ phạm và nạn nhân đến từ các gia đình thiếu sự giao tiếp cởi mở giữa các thành viên. Vì vậy, bà cho rằng tư vấn tâm lý cho học sinh ở trường học sẽ có hiệu quả tích cực hơn, tuy nhiên nhiều trường hiện không đủ nguồn lực để cung cấp dịch vụ này. Bà Liu kêu gọi phụ huynh và gia đình cần hợp tác hơn nữa để cùng nhau giải quyết vấn nạn bạo lực này. Ngay tại gia đình, các bậc cha mẹ cần dành thêm nhiều thời gian trò chuyện và chia sẻ với con cái về học tập cũng như cuộc sống để có thể kịp thời nắm bắt những biến đổi tâm lý bất thường của trẻ độ tuổi nhạy cảm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận