Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy - giảng viên Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM - chia sẻ những giải pháp để giảm bạo lực học đường.
Cần chấm dứt vòng tròn bạo lực
* Theo bà, vì sao hiện tượng học sinh đánh nhau ngày càng nghiêm trọng?
- TS Phạm Thị Thúy: Bạo lực học đường gia tăng có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên là do bạo lực gia đình vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu. Khi bạo lực gia đình còn thì bạo lực học đường chưa thể giảm.
Trong nhiều gia đình hiện nay, người ta vẫn làm tổn thương nhau cả thể chất lẫn tinh thần, giữa vợ chồng, cha mẹ với con cái. Đó là những người yêu thương nhau mà còn bạo lực với nhau thì làm sao tránh được bạo lực học đường?
Tại sao trẻ bạo lực? Là vì trẻ bị tập nhiễm bạo lực đó trong gia đình, từ bé, bởi chính người thương yêu nhất.
Tôi bắt gặp việc dạy con và đánh con trong các gia đình nhiều lắm. Đừng mong đứa bé không đánh bạn nếu bố mẹ còn đánh chúng. Nhiều người vẫn ngộ nhận yêu con "cho roi cho vọt" mới đúng.
Đánh mắng con là đang hại con, đang duy trì bạo lực trong đứa trẻ. Chúng sẽ bạo lực với bạn bè, người thân y như chúng đã bị. Vòng tròn bạo lực này quay hết thế hệ này sang thế hệ khác. Cần chấm dứt vòng tròn bạo lực càng sớm càng tốt!
Ngoài bạo lực thể xác còn có bạo lực tinh thần. Nhiều đứa trẻ đang bị đắm mình trong nhiều sản phẩm truyền thông trên các trang mạng xã hội có nội dung bạo lực dưới nhiều hình thức. Sách báo, phim ảnh, sản phẩm truyền thông..., nếu ta không cẩn trọng với những gì trẻ nghe, xem sẽ khiến trẻ có nguy cơ bạo lực.
Bên cạnh đó, dù nhiều nơi đang xây dựng trường học hạnh phúc với ba giá trị: yêu thương, an toàn, tôn trọng nhưng thực tế, một số giáo viên vẫn đang đánh mắng trẻ ngay chính trong lớp học.
Bạo lực học đường vẫn diễn ra giữa người lớn với con trẻ thì làm sao bảo học sinh không đánh nhau?
* Theo bà, cách nào để ngăn chặn sự lây lan của bạo lực học đường?
- Giải pháp vĩ mô (từ Nhà nước, với các công cụ pháp luật) đã có. Nhưng theo tôi quan trọng nhất là giải pháp vi mô đến từ từng con người. Mọi thay đổi phải bắt đầu từ từng con người.
Bất kỳ ông bà, bố mẹ, bất kỳ ai đang dạy trẻ (trong nhà hay ở trường) mà không ý thức được việc phải kiểm soát cảm xúc thì không thể làm gương cho trẻ. Đây là giải pháp căn cốt. Nhưng để làm được giải pháp này cũng là bài toán khó, vì liên quan đến giáo dục gia đình, nhà trường và truyền thông.
Giải pháp cụ thể, tôi nghĩ mỗi cặp vợ chồng trước khi kết hôn nên học lớp tiền hôn nhân - học cách thực hiện nghĩa vụ làm mẹ làm vợ, làm chồng làm cha, cách giao tiếp trong gia đình, cách giải quyết mâu thuẫn mà không xúc phạm lẫn nhau, vẫn dạy được con mà không cần sử dụng bạo lực…
Cha mẹ không ai muốn đánh con, thành viên trong gia đình không ai muốn làm tổn thương nhau. Nhưng họ không biết cách ứng xử phù hợp, không học cách làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong gia đình nên cách nhanh nhất, quen thuộc nhất là sử dụng bạo lực.
Những đứa trẻ đánh nhau không phải vì ác, mà tôi cho rằng các em có nỗi bất hạnh riêng. Năng lượng trong người các em như lò lửa, biểu hiện ra thành bạo lực, cảm xúc tiêu cực không chỉ với bạn bè mà còn với thầy cô.
Chiều con vô lối, bạo lực nhân đôi
* Phải chăng trẻ em ngày nay đa số đều là "con cưng" nên cái tôi cá nhân của các em cao, dễ tổn thương và cũng dễ bức xúc với người khác?
- Gia đình nào càng chiều con thì càng dễ bạo lực lên con. Khi chiều trẻ, chúng trở thành "vua con", "công chúa con" nên càng ích kỷ, dễ hỗn hào, từ đó cha mẹ mất kiểm soát, quá sức chịu đựng rồi bạo lực lên con.
Không phải chiều con là họ sẽ không làm gì con. Cái họ gieo là chiều con vô lối, cái họ gặt là hành vi đứa trẻ rất tệ và cách họ phản ứng trấn áp con là bằng lời nói và hành vi bạo lực.
* Giáo dục gia đình là nền tảng quan trọng nhất để ngăn bạo lực học đường. Cụ thể như thế nào, thưa bà?
- Như đã phân tích, bạo lực học đường có nguyên nhân số một là do giáo dục gia đình - nền tảng quan trọng nhất, nguyên nhân khác chỉ là phái sinh.
Theo tôi, nghệ thuật giáo dục trong gia đình quan trọng nhất là giáo dục tình yêu thương và lòng biết ơn. Hai nội dung giáo dục này phải thông qua thái độ hành vi của cha mẹ, chứ không phải bằng lời nói.
Nếu bằng lời nói mà bắt đứa trẻ phải yêu thương người khác sẽ không giá trị. Đứa trẻ chỉ yêu thương người khác khi chúng cảm nhận được sự yêu thương của mọi người dành cho trẻ và trẻ phải biết yêu thương chính mình trước tiên.
Giáo dục lòng yêu thương và lòng biết ơn trong gia đình phải đến từ thái độ cảm xúc của ba mẹ và hành động của ba mẹ cùng những người xung quanh đối với đứa trẻ, để trẻ thực sự cảm nhận tình yêu thương đó. Chẳng cha mẹ nào không yêu thương con, nhưng trẻ không cảm nhận được vì yêu thương sai cách (như đánh, mắng), từ đó không có hạnh phúc.
Một đứa trẻ không hạnh phúc sẽ dễ có hành vi bạo lực. Do vậy, nếu gia đình, nhà trường không giúp trẻ trở nên hạnh phúc thì các giải pháp khác sẽ đều vô nghĩa.
Nhiều bạn đọc trăn trở với hình phạt nào cho học sinh bạo lực bạn học. Độc giả Mây Hồng viết: "Hình thức đình chỉ học đã áp dụng bao nhiêu năm nay rồi nhưng tính răn đe không cao, đôi khi còn khuyến khích những hành động này. Tại sao đến nay vẫn không chịu thay đổi?
Có nên áp dụng phạt tiền phụ huynh vì rất nhiều trường hợp cha mẹ hổ báo nên con cũng vậy? Cộng với lao động công ích như trực nhật, dọn dẹp vệ sinh trường lớp... thì may ra mới giảm thiểu được bạo lực học đường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận