Rất nhiều nạn nhân của bạo lực giới đã giấu kín câu chuyện của mình và không tìm kiếm sự giúp đỡ vì lo sợ danh tính cùng nhiều yếu tố khác - Ảnh: NGÔI NHÀ ÁNH DƯƠNG QUẢNG NINH
Câu chuyện của bà Vân Anh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA), khiến không ít người có mặt tại tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội thoáng rùng mình chiều 15-7.
"Bạo lực giới ở Việt Nam đã ở một tầm khác. Những người có các hành động bạo lực ấy đã hiểu rất rõ việc họ làm là vi phạm luật pháp nên mới tìm trăm mưu ngàn kế thoát thân như vậy. Câu chuyện ấy cho chúng ta thấy Việt Nam không còn ở trong giai đoạn đầu cần phổ biến kiến thức cơ bản về bình đẳng giới và bạo lực giới nữa", bà Vân Anh đặt vấn đề.
Vấn đề của mọi nước
Bài phát biểu của bà Vân Anh là một phần trong lễ ký kết hợp tác giữa Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) cho dự án chống bạo lực giới tại Việt Nam ngày 15-7.
Sự kiện vô hình trung đã trở thành một buổi lắng nghe câu chuyện từ những người trong cuộc và sự hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân từ nhiều bên.
"Chồng tôi đánh tôi ngay cả khi tôi đang bụng mang dạ chửa. Có những lúc như lâm vào đường cùng, tôi chỉ muốn ôm con nhảy sông tự tử cho hết kiếp khổ này. Sau một trận đòn, tôi quyết định bế con đi và chạy được vào Ngôi nhà Ánh Dương", một phụ nữ chia sẻ trong video phát tại sự kiện.
Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy gần 2 trong số 3 phụ nữ Việt Nam (62,9%) đã trải qua ít nhất một trong các hình thức bạo lực về thể chất, bạo lực tình dục, bạo lực tâm lý và hoặc bạo lực kinh tế trong cuộc đời.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Cho Han Deog, giám đốc KOICA tại Việt Nam, cho biết bạo lực giới là vấn đề không loại trừ quốc gia nào.
Theo ông, ở những quốc gia phát triển, bạo lực giới ở một tầm cấp khác bạo lực giới ở những nước đang phát triển hay phát triển chậm.
Tuy nhiên những nước này cũng từng trải qua tầm cấp tương tự và những gì họ đang muốn làm là hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề đó với các nước chưa phát triển bằng.
Phòng tạm lánh dành cho các trường hợp cần nơi ở an toàn, khẩn cấp của các nạn nhân bạo lực giới - Ảnh: NGÔI NHÀ ÁNH DƯƠNG QUẢNG NINH
Ngôi nhà Ánh Dương ra đời
Tại Việt Nam, sự xuất hiện của Ngôi nhà Ánh Dương dựa trên mô hình Ngôi nhà Hoa mặt trời ở Hàn Quốc đã giúp nhiều phụ nữ và trẻ em gái tìm được bình yên.
Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập ở Quảng Ninh, hoạt động từ tháng 4-2020 như một trung tâm cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý, tư vấn tâm lý miễn phí, sự bảo vệ của công an cho nạn nhân.
Trong một số trường hợp, đây còn là nơi lánh nạn khẩn cấp cho các nạn nhân của bạo lực gia đình cùng con của họ như trường hợp của người mẹ đã nêu trên.
Theo UNFPA, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương là một phần trong khuôn khổ dự án "Xây dựng mô hình phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam" giai đoạn 2017-2021 do KOICA tài trợ với tổng kinh phí 2,5 triệu USD.
Thông qua các dịch vụ đường dây nóng hoạt động miễn phí 24/7, trong hơn 2 năm qua Ngôi nhà Ánh Dương ở Quảng Ninh đã tiếp nhận hơn 15.300 cuộc gọi trợ giúp.
Phần lớn nạn nhân của bạo lực từng gọi đến đường dây nóng là phụ nữ (chiếm 93,6%) và hầu hết nạn nhân của bạo lực giới đều ở độ tuổi 16 - 59. Tỉ lệ trẻ vị thành niên dưới 16 tuổi từng gọi đến đường dây nóng chiếm 10%.
Khoảng 20% các cuộc gọi đến từ tỉnh Quảng Ninh và 80% từ các tỉnh khác. Với hỗ trợ kỹ thuật của UNFPA và hỗ trợ tài chính từ các tổ chức khác, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương đã được nhân rộng tại Thanh Hóa, TP.HCM và mới đây nhất là Đà Nẵng.
Giám đốc KOICA Việt Nam Cho Han Deog và trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Naomi Kitahara tại lễ ký kết tiếp tục hỗ trợ cho mô hình Ngôi nhà Ánh Dương ngày 15-7 - Ảnh: DUY LINH
Bài toán bền vững, tiếp nối
Không thể phủ nhận sự thành công của mô hình Ngôi nhà Ánh Dương Quảng Ninh và sức lan tỏa của mô hình này. Tuy nhiên, kể từ khi nguồn kinh phí cho dự án không còn, việc duy trì hoạt động của trung tâm ở Quảng Ninh trở thành bài toán cho chính quyền địa phương.
Do các quy định và thủ tục nhà nước, việc hỗ trợ cho các nạn nhân đến Ngôi nhà Ánh Dương đã bị thu hẹp phạm vi, chỉ còn dành cho những người có địa chỉ tại Quảng Ninh.
Để bảo đảm sự tiếp nối của mô hình này và tính bền vững, KOICA đã quyết định hỗ trợ thêm 250.000 USD cho UNFPA tại Việt Nam từ tháng 7-2022 đến tháng 6-2023 trước khi có dự án lớn hơn được triển khai.
Mục đích là tiếp tục hỗ trợ Ngôi nhà Ánh Dương cũng như đường dây nóng dành cho các nạn nhân của bạo lực, đồng thời tổ chức các hoạt động vận động duy trì và lan tỏa mô hình tại các địa phương khác.
"Chúng tôi mong muốn mô hình sẽ được nhân rộng tại các địa phương khác. KOICA không khoan nhượng và kiên quyết nói không với mọi hình thức bạo lực giới", giám đốc KOICA Việt Nam nhấn mạnh tại lễ ký kết ngày 15-7.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online sau sự kiện, ông Cho Han Deog cho biết bảo đảm sự bền vững của dự án không chỉ đến từ nguồn hỗ trợ tài chính mà quan trọng nhất chính là nhận thức của mọi người trong xã hội về bạo lực giới.
Bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, cho biết mục tiêu "Không còn bạo lực giới và các hành vi có hại" là ưu tiên trong chương trình quốc gia mới của UNFPA Việt Nam giai đoạn 2022-2026.
"UNFPA sẽ tăng cường các nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực giới và các hành vi có hại tại Việt Nam. Chúng tôi đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam (trong đó có những người thuộc nhóm yếu thế nhất) được tôn trọng và không còn nỗi lo về bạo lực", bà Naomi Kitahara khẳng định trong lễ ký kết ngày 15-7.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận