Người biểu tình Hong Kong lập hàng rào vật cản và châm lửa đốt để ngăn cảnh sát chống bạo động - Ảnh: REUTERS
Các tiệm Starbucks cũng không thoát được cảnh ngộ tương tự trong cuộc biểu tình tuần thứ 22 liên tiếp ở Hong Kong.
Starbucks thuộc sở hữu của Maximers Caterers tại địa phương và đã nhiều lần bị nhắm đến sau khi con gái của người sáng lập công ty này lên án những người biểu tình tại hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở Geneva (Thụy Sĩ).
"Thói hành xử của những kẻ biểu tình bạo lực một lần nữa cho thấy rằng "ngăn chặn bạo lực và lập lại trật tự" là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách nhất của Hong Kong hiện nay", một phát ngôn viên của Tân Hoa xã nhấn mạnh trong thông báo trên Facebook.
Nguồi tin này cho biết trụ sở văn phòng Tân Hoa xã tại Hong Kong đã bị đập phá, ném bom xăng và sơn chiều tối 2-11.
Trong cuộc đụng độ trên đường Nathan, nơi có tập trung các cửa hàng thời trang cao cấp, người biểu tình đã ném bom xăng và cả phân vào lực lượng chống bạo động. Cảnh sát Hong Kong khẳng định trong thông cáo lên án cuộc biểu tình là "bất hợp pháp" và "bạo lực phá hoại".
Cửa hàng Starbucks bị đập phá trong cuộc biểu tình chiều 2-11 - Ảnh: REUTERS
Trước đó, cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán hàng ngàn người tụ tập công viên Victoria ở trung tâm Hong Kong, một động thái khiến người biểu tình tức giận và thổi bùng bạo lực, theo Hãng tin Reuters.
Ban đầu, người biểu tình xin phép tổ chức một cuộc tuần hành. Tuy nhiên khi biết những người biểu tình sẽ hô hào kêu gọi độc lập cho Hong Kong, chính quyền đã từ chối cấp phép và sau đó giải tán bằng phương pháp mạnh ngay từ đầu.
Một nhóm nhỏ những người biểu tình đeo mặt nạ sau đó chạy trốn đến khu thương mại trung tâm, nơi có nhiều ngân hàng và các cửa hàng trang sức. Họ dựng rào chắn và châm lửa đốt để cản đường và ném bom xăng khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện cùng với xe vòi rồng.
Người biểu tình sau đó kéo tới một số ga tàu điện ngầm và châm lửa đốt luôn lối vào các nhà ga này.
Đơn vị vận hành tàu điện ngầm thường tuân theo lệnh của chính quyền và đóng cửa một số nhà ga để ngăn người biểu tình sử dụng metro để di chuyển đến các địa điểm khác. Điều này khiến nhiều người biểu tình tức giận, đập phá các nhà ga.
Hôm 29-10, Hoàng Chi Phong, đồng sáng lập phong trào Demosisto, thông báo đã bị loại tư cách ứng cử tham gia vào kỳ bầu cử hội đồng địa phương với lý do "không đáp ứng được các yêu cầu của luật bầu cử".
Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc sau đó lên tiếng cáo buộc Hoàng Chi Phong đã nhận tiền của Mỹ, cảnh báo nếu để người này tham gia chính trường sẽ là nguy cơ bất ổn lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận