19/05/2014 08:57 GMT+7

Bạo lực bùng nổ tại Libya, đe dọa nội chiến

MINH TRUNG
MINH TRUNG

TTO - Chiến sự nổ ra ác liệt tại thủ đô Tripoli, Libya ngày chủ nhật 18-5 không lâu sau khi một nhóm vũ trang tấn công quốc hội lâm thời nước này khiến ít nhất 2 người chết, 66 người bị thương.

5YJ4td8A.jpgPhóng to
Những người vũ trang đi trên xe và phía sau họ là tòa nhà quốc hội bốc khói tại Tripoli ngày 18-5 - Ảnh: Reuters

Đài CNN cho biết đây là vụ bạo lực tồi tệ nhất tại Libya kể từ cuộc cách mạng năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi.

Reuters tường thuật khói bốc lên từ tòa nhà Quốc hội Libya sau khi các tay súng tấn công và bắt cóc 10 người trước khi rút lui. Hãng tin nhà nước Libya LANA dẫn lời một nghị sĩ nói hầu hết mọi người đã rời khỏi tòa nhà sau ngày làm việc, không rõ bao nhiêu người có mặt tại thời điểm đó.

Danh tính những người thực hiện vụ tấn công ngày chủ nhật không được rõ, tuy nhiên một số người trung thành với tướng về hưu Khalifa Haftar, người từng phục vụ dưới trướng Gaddafi và được cho có quan hệ với CIA, nói lực lượng của ông ta và các đồng minh quân sự đã lên kế hoạch tấn công tòa nhà quốc hội trong một chiến dịch lật đổ phe Hồi giáo theo đường lối cứng rắn.

CNN cho biết vụ tấn công có sự tham gia của các nhóm quân sự từ thành phố miền núi Zintan phía tây.

Đại tá Mukhtar Farnana, một chỉ huy quân sự từ Zintan, thông báo trên truyền hình rằng Libya đang nằm trên bờ vực nội chiến và bước đường cùng này là do “quốc hội đã phản bội nhân dân”. Mukhtar tuyên bố đóng băng quốc hội và một hội đồng viết lại hiến pháp sẽ tạm thời thay thế.

Tuy nhiên vẫn chưa rõ lời hiệu triệu này có được thực thi hay không vì một số nhóm vũ trang khác lại về phe Quốc hội Libya.

Hiện các lực lượng chính trị chính của Libya chia ra hai phe, một bên là Hồi giáo và một bên theo chủ nghĩa tự do. Nhóm theo đường lối tự do được ủng hộ bởi các thành phần vũ trang từ thành phố Zintan, buộc tội phe Hồi giáo đã cướp chính quyền và giật dây chính phủ, quốc hội.

Cuộc cách mạng 2011 để lại cho Libya một di sản vũ khí tràn ngập khắp nơi. Chúng rơi vào tay nhiều lực lượng quân sự và phe phái chính trị xung đột lẫn nhau. Nỗ lực của chính phủ xây dựng lực lượng an ninh thất bại và họ chủ yếu phải dựa vào quân đội để bảo vệ trật tự.

MINH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên