14/11/2013 13:00 GMT+7

Bão lũ trong lòng sinh viên xa nhà

HỮU TÀI (CĐ PT-TH II, TP.HCM)
HỮU TÀI (CĐ PT-TH II, TP.HCM)

AT - Về các tỉnh miền Trung như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, hay các tỉnh miền Tây Nam bộ như An Giang, Đồng Tháp mùa này, do ảnh hưởng của bão lũ nên nước ngập trắng đồng, nhà cửa tan hoang hoặc chỉ còn nhô lên... cái nóc. Bão lũ đã gieo nỗi buồn đến những sinh viên xa nhà đang học tập ở đô thị.

txgHqJgE.jpgPhóng to
Gặt lúa mùa lũ ở Long An

Mỗi bạn mỗi cảnh

Tại các trường đại học ở TP.HCM, nhiều bạn sinh viên đến giảng đường không giấu được nỗi buồn, nét bồn chồn lo lắng. Bạn Nguyễn Văn Tâm (ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM) quê ở Đại Lộc, Quảng Nam. Cơn bão số 10, số 11 vừa qua nước ngập gần tới nóc nhà. Bầy heo 16 con và đàn gà hơn 20 con đã chết trôi. Nhà cửa, mùa màng, cơ ngơi của ba mẹ Tâm làm cả năm trời lại “đội nón” theo hai cơn bão. Thương ba mẹ sau cơn bão không biết sẽ xoay xở ra sao, trong khi thu nhập gia đình chỉ trông chờ vào các vụ lúa và công việc chăn nuôi ấy. Hiện tại, ngoài giờ học, buổi tối Tâm nhận giữ xe cho một trung tâm văn hóa, lương tháng 3 triệu đồng. Nơi này còn đang cần người nên Tâm rủ người bạn đồng hương, gia đình cùng cảnh ngộ tên Nguyễn Văn Dũng (ĐH Kinh tế TP.HCM) vào làm luôn. “Ông chủ trung tâm cũng là người Quảng Nam, thông cảm nên cho tụi mình ứng trước một số tiền gửi về quê cho gia đình xoay xở sau cơn bão dữ” - Tâm cho biết.

Bạn Huỳnh Kim Ngọc (ĐH Ngân hàng TP.HCM) quê ở Hà Tĩnh rơm rớm nước mắt cho biết: “Em gái mới gọi điện vào bảo mẹ mình phải ra chợ huyện làm thuê kiếm tiền, còn em gái có nguy cơ phải nghỉ học vì cơn bão số 10 vừa qua đã cuốn trôi tất cả số tài sản ít ỏi mà mẹ mình dành dụm được. Mình ráng vừa học vừa chạy việc làm thêm để kiếm tiền giúp cho cả nhà...”. Sinh ra trong gia đình trung nông, mẹ là trụ cột chính, Ngọc thương mẹ nhiều và càng thương ba hơn khi ba đã lớn tuổi, lại là thương binh hạng 4/4, sức khỏe không tốt nên ba chỉ ở nhà lo chăn nuôi lợn gà. Cơn bão số 10 vừa rồi, gia đình Ngọc phải đi sơ tán, đồ dùng trong nhà, heo gà bị bão cuốn trôi.

Bạn Nguyễn Văn Hùng (ĐH Văn Lang TP.HCM) quê ở An Giang buồn bã: “Mình chết đứng khi nhận điện thoại gia đình báo lên cho biết nhà bị ngập, mấy liếp rau má - nồi cơm của gia đình - đã bị chết sạch. Mình muốn về chung sức nhưng ba mình bảo cứ yên tâm lo học, đừng lo... Thử hỏi mình làm sao không lo được chứ?”. Mắt Hùng chợt nhìn xa xa, như muốn khóc...

Nỗi lo của các sinh viên xa nhà cứ dâng lên theo từng bản tin thời sự hằng ngày của con nước. Nước ngập cả lối đi, xe cộ không lưu thông được, những chiếc cầu bị nước cuốn trôi. Bạn Minh Tuấn (ĐH KHXH&NV TP.HCM) vừa từ quê nhà ở huyện Mộc Hóa - Long An lên với nét mặt đầy lo lắng: “Đoạn đường dài gần 1km dẫn vào nhà mình đã bị ngập sâu, sạt lở. Năm rồi, nhà mình gieo mấy công ruộng trong bưng, nước ngập lên khi lúa vừa ngậm sữa. Vụ mùa mất trắng, nợ tiền giống, tiền phân bón không trả được. Ngày nào chủ nợ cũng lớn tiếng đòi, năm nay lại càng khổ hơn. Em gái mình hằng ngày chèo xuồng để đưa khách đi chợ, đi công việc kiếm tiền đỡ đần ba mẹ mua gạo. Còn mình hai năm nay phải tự xoay xở kiếm tiền trang trải việc học. Mình mong ra trường có công việc ổn định để gánh vác gia đình phụ ba mẹ...”.

AMczf0v8.jpgPhóng to
Sinh viên đau buồn vì nhà bị lũ

Nguy cơ “lỗi hẹn” với giảng đường

Một điều đáng buồn nữa là nhiều bạn sinh viên quê ở vùng bão lũ đã phải xếp bút nghiên về với gia đình vì nhà không đủ sức để nuôi nữa. Nhiều bạn thì chạy vạy, làm đủ mọi nghề mong sao đủ tiền ăn học và có dư chút ít gửi về giúp sức với gia đình. Căn phòng trọ hẻm 886/7 đường Quang Trung, quận Gò Vấp lâu nay chỉ có hai công nhân quê ở Thanh Hóa sống với nghề may công nghiệp. Sau cơn bão số 10 đã tăng thêm hai người. Họ là người thân của công nhân Nguyễn Kim Xuyến (quê ở huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) vào tá túc chờ xin việc làm. Em trai kế của Xuyến - Nguyễn Quang Nhật đang học một trường cao đẳng ở Quảng Bình, cơn bão số 10 khiến gia đình quá khó khăn nên tạm gác lại việc học. Còn Nguyễn Quang Anh - em trai út của Xuyến đang học lớp 11 cũng nghỉ học vào theo, định đi làm bồi bàn cho một quán cà phê sân vườn trên đường Lê Văn Thọ. Quang Anh cho hay: “Cơn bão số 10 vừa rồi cuốn trôi hết nhà cửa nên mới quyết định vào TP.HCM mong kiếm việc làm để kiếm tiền gửi về lo cho ba mẹ. Nếu công việc ổn định, mình sẽ xin đi học buổi tối tại trung tâm giáo dục thường xuyên, còn anh Nhật năm sau sẽ thi ĐH lại, chớ về quê cũng không có tiền học tiếp...”.

Bạn Kim Thoại (ĐH Sư phạm TP.HCM), quê ở xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, đã ngất xỉu khi hay tin người bạn thân cùng xóm của mình bị nước lũ cuốn trôi mất tích, thật là thảm khốc. Đó là bạn Nguyễn Đình Dương (ĐH Kinh tế Đà Nẵng). Trưa 19-9, Dương cùng cha, anh ruột và anh rể dẫn bò của gia đình đi gửi để tránh lũ, khi đi ngang cầu Suối Đá, thôn La Bông thì bị nước lớn cuốn mất tích.

Với các sinh viên xa nhà này phải gánh thêm gánh nặng về tinh thần, mắt của các bạn sâu hơn bởi những đêm lo lắng mất ngủ, việc học cứ xuống dốc dần. Nhất là với những sinh viên năm nhất lần đầu sống xa nhà, xa gia đình chưa đủ bản lĩnh để vượt qua cú sốc tinh thần đó. Những lo lắng của các bạn thấm đầy nước mắt. Bạn Nguyễn Thành Trung (ĐH Luật TP.HCM) nhà ở An Giang cho biết: “Mỗi mùa lũ là gia đình mình lại thêm một lần khó. Nhà mình đông anh em, lúa làm luôn thiếu ăn, mùa lũ phải ăn độn với rau lang, rau muống, bông súng”...

Trong lòng những sinh viên xa nhà đang cất lên lời van xin chân thành: “Bão lũ ơi, xin đừng về nữa!”.

88Ze0JSV.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 ra ngày 1/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

HỮU TÀI (CĐ PT-TH II, TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên