Đầu tuần này, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết Liên minh châu Âu (EU) mong muốn đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay để xử lý hàng ngàn người di cư đang hướng về "lục địa già". Tuy nhiên, Hungary và Ba Lan phản đối gay gắt kế hoạch đó.
Tiếp nhận hoặc đóng tiền
Các quan chức châu Âu đang kỳ vọng vào thỏa thuận tái phân bổ người di cư trên khắp 27 thành viên EU. Một số nước như Ý, Hy Lạp hay Tây Ban Nha nói họ phải chịu gánh nặng bất công khi là điểm đến chính của người di cư. Trong khi đó, các chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc ở Hungary và Ba Lan phản đối kế hoạch tái phân bổ.
"Tôi hy vọng chúng ta sẽ có thể giải quyết vấn đề lớn này. Đối với Tây Ban Nha, điều đó sẽ quan trọng, và thậm chí mang tính biểu tượng xét từ quan điểm chính trị, sau nhiều năm đối diện khủng hoảng di cư", Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez phát biểu trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 3-7.
Ông đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc "phối hợp và hợp tác".
EU đang thúc đẩy thỏa thuận về áp hạn ngạch tiếp nhận người di cư. Theo thỏa thuận mà đa số thành viên EU đã tán thành hồi tháng 6, mỗi nước EU sẽ tiếp nhận một lượng di dân nhất định.
Nếu không chịu nhận trách nhiệm đó, họ sẽ phải giúp đỡ các nước tiếp nhận bằng cách đóng phí 20.000 euro/người di cư bị từ chối.
Tuy nhiên Hungary và Ba Lan phản đối vì cho rằng hệ thống mới buộc các nước hoặc phải tiếp nhận người di cư hoặc phải trả tiền. Theo họ, bất cứ một thỏa thuận nào như vậy nên để từng nước tự quyết định, thay vì thông qua theo hình thức đa số và áp đặt toàn khối.
Tuy nhiên các nhà ngoại giao EU cho rằng lập trường của Ba Lan đang được thúc đẩy bởi các cuộc bầu cử vào tháng 10, khi các thăm dò cho thấy đảng cầm quyền Pháp luật và Công lý (PiS) có thể mất quyền lực. Hungary cũng phản đối việc tiếp nhận di dân và đã chọn đây là vấn đề để vận động cử tri.
Chiến lược của phe cực hữu
Ngay cả các cuộc biểu tình bạo lực mới nhất ở Pháp cũng đang bị các chính trị gia cực hữu trên khắp châu Âu "lợi dụng" để yêu cầu EU siết chặt chính sách nhập cư và ghi điểm trong nước, theo báo Politico.
Tại Ba Lan, Thủ tướng Mateusz Morawiecki viện dẫn các cuộc biểu tình ở Pháp để biện minh cho việc Warsaw bác bỏ thỏa thuận về người di cư mà EU đề xuất. Ông cáo buộc EU "cố ép Ba Lan" chấp nhận thỏa thuận.
"Các cửa hàng bị cướp phá, xe cảnh sát bị phóng hỏa, các chướng ngại vật trên đường phố là những gì đang diễn ra ở trung tâm Paris và nhiều thành phố khác của Pháp. Chúng tôi không muốn những cảnh như vậy xuất hiện trên đường phố Ba Lan và bất kỳ thành phố nào ở châu Âu", ông Morawiecki viết trên Twitter.
Trong khi đó Thứ trưởng Nội vụ Ý Nicola Molteni, thành viên của Đảng Lega cánh hữu, nói các cuộc bạo loạn ở Pháp là bằng chứng cho thấy sự thất bại của việc không kiểm soát dòng người di cư và là "lời cảnh báo cho phần còn lại của châu Âu".
Ông Hans Kundnani, nhà phân tích châu Âu tại Viện Chính sách Chatham House, nhận định phản ứng của ông Morawiecki và ông Molteni đối với tình trạng bất ổn ở Pháp "chính xác là những gì bạn mong đợi" từ phe cực hữu khi họ đang cố gắng thu hút cử tri và củng cố quyền lực trong những năm gần đây.
Từ lâu lập trường phản đối nhập cư, Hồi giáo và hoài nghi về EU là điểm nổi bật của các đảng cực hữu và là mối đe dọa với lý tưởng cũng như sự gắn kết của châu Âu.
Ông Kundnani nhận định phe cực hữu đã đặc biệt hiệu quả trong việc khiến phe trung hữu thay đổi lập trường về chính sách nhập cư, nhất là từ sau cuộc khủng hoảng người tị nạn vào năm 2015.
Ông cho rằng có khả năng các đảng cực hữu sẽ lợi dụng tình trạng bất ổn mới nhất ở Pháp để kích động sự bất mãn của người dân và hối thúc các đảng trung hữu áp dụng quan điểm cực đoan hơn.
"Lý do phe trung hữu tìm cách siết chặt các chính sách nhập cư kể từ năm 2015 chính xác là vì họ nhận thấy lập luận của phe cực hữu về bản sắc, nhập cư và Hồi giáo đã thu hút được sự quan tâm của công chúng", ông Kundnani nói.
Sự trỗi dậy của phe cực hữu
Theo báo The Guardian hôm 30-6, hiện nay các đảng cực hữu tại châu Âu đang đạt được nhiều bước tiến: tăng đều đặn tỉ lệ ủng hộ trong các thăm dò, định hình các chính sách của phe cánh hữu chính thống, đảm nhận nhiều vai trò quan trọng hơn trong các chính phủ liên minh.
Trong khi Thủ tướng Hungary Viktor Orban, nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân túy và chống nhập cư, đã nắm quyền ở Hungary từ năm 2010, và ông Morawiecki trở thành thủ tướng Ba Lan từ năm 2017, thì năm ngoái bà Giorgia Meloni gây chấn động khi trở thành thủ tướng cực hữu đầu tiên của Ý kể từ sau Thế chiến 2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận