19/06/2022 10:56 GMT+7

Bao lâu để rap nhận mình đã khác?

HIỀN TRANG
HIỀN TRANG

TTO - Rap Việt được nhiều bạn trẻ coi như một kiểu "Thơ mới", nhưng sự đại chúng hóa rap Việt có thể khiến nó trở thành một hóa thân khác của pop ballad mà thôi.

Bao lâu để rap nhận mình đã khác? - Ảnh 1.

Ai muốn nghe không, Người đi bao và Chờ iu chill (từ trên xuống, trái qua) - ba bản rap đang nằm trong top 20 thịnh hành trên YouTube - Ảnh chụp lại từ MV

1. Không kết hợp với một bậc cha chú như Trần Tiến hay một ngôi sao đương thời như Binz, không ngôi sao bóng đá, không chủ đề khiến cư dân mạng xôn xao chế ảnh, Đen Vâu vừa trở lại với ca khúc Ai muốn nghe không khiến người ta nhớ về thời Lộn Xộn 2 (2018) - thời anh chưa nổi tiếng đến mức ra bài nào cũng thành hit, thời mà Đen chưa "dạy" giáo dục công dân hay ham nói đạo lý qua âm nhạc, cũng là thời người ta thực sự biết mình yêu thích Đen Vâu vì điều gì.

MV 'Ai muốn nghe không' - Nguồn: Đen Vâu

Giống như Lộn Xộn 2, Ai muốn nghe không bắt đầu bằng hình ảnh một người bước ra đường vào giờ người khác đã ngủ, người đó trở lại với "trường cũ" (old school, trong tiếng Anh cũng có nghĩa là trường phái hip hop nguyên bản nhất), và trong bóng đêm, người đó bắt đầu tự thú với lòng mình rằng: "Mất bao lâu để mình chấp nhận mình đã khác hồi xưa". Đây có lẽ là câu rap chân thật nhất của Đen trong những năm qua.

Chỉ một câu nhưng đã đủ để gói gọn tinh thần rap thuần túy: sự đối mặt với những phần dễ tổn thương nhất của bản thể - điều mà các rapper Việt theo con đường đại chúng, theo thời gian, thường đánh mất. Theo nghĩa nào đó, nó khiến ta nhớ đến cách Kanye West thừa nhận "tôi cố sửa những lỗi sai, nhưng thật buồn cười là chính những lỗi sai giúp tôi viết ra bài hát này".

Trong Ai muốn nghe không, Đen vẫn giỏi việc lãng mạn hóa những nỗi cô đơn và sự bức bối như mọi khi (lần này anh dùng thơ Nguyễn Khuyến, dùng Tom Sawyer...).

Anh có thể viết những câu đèm đẹp như vậy dễ như lấy đồ trong túi, và vì dễ quá mà đôi khi có cảm giác chúng chỉ là kỹ năng chứ không phải tâm tư thật. Nhưng phải mất rất lâu để anh có thể thành thật viết những câu như "Ngày trước ngại không ai nghe, giờ thì ngại làm fan thất vọng".

Câu hát này gói gọn thế lưỡng nan của những rapper từ underground đi lên chính thống ở Việt Nam, những người chọn bước vào chiếc "lồng" của đại chúng và phải theo luật chơi của đại chúng.

Không nói đâu xa, hãy nhìn vào hai bản rap trong top trending YouTube khác hiện nay ngoài Ai muốn nghe không, một là Người đi bao của tlinh và Low G, hai là Chờ iu Chill của Dế Choắt và Tiên Tiên.

2. Người đi bao bắt đầu đầy ấn tượng với phần mô tả điển hình về một anh chàng (có lẽ là gen Z): ngoài đời thì khép nép thu mình nhưng lên mạng xã hội thì là thánh "meme", ước mơ thì có đầy đấy nhưng lại chẳng thực hiện, chỉ biết tối ngày than vãn.

Nhưng khi tất cả đang rất chân thật, châm biếm vui vẻ như vậy thì đột nhiên bài hát chuyển hướng sang... giáo huấn, lên lớp về thế nào là sống, thế nào là ước mơ, và đến đoạn thôi thúc người nghe "đứng đầu một thế hệ dạ sắt và gan vàng" thì ta biết bản rap đã không còn là âm nhạc nữa, nó là một tiết rao giảng về chân - thiện - mỹ, thứ thú vị với điều gì chứ không phải với rap.

Với Chờ iu Chill cũng vậy, ca khúc mới đầu đầy hứa hẹn với chất nhạc tươi sáng, yêu đời và khiến người ta muốn sống như vẫn quen thuộc ở Tiên Tiên, để rồi đến phân đoạn rap của Dế Choắt thì cả bản nhạc trở nên vô vị.

Cũng theo đuổi những hình ảnh nên thơ như Đen Vâu nhưng phần rap của Dế Choắt giống với một bài văn mẫu với tất cả những sáo ngữ về tình yêu và thiên nhiên, chẳng hạn như "Tình yêu vẫn cứ da diết, cũng đủ để khiến trong lòng khắc khoải", hay "Hoa bỡ ngỡ, gió ngập ngừng, hãy cảm nhận đừng ngó lơ".

Đó là thứ ngôn ngữ đại chúng đã bị lạm dụng tới mài mòn, lướt qua tai ta không để lại một dấu tích.

Rap Việt được nhiều bạn trẻ coi như một kiểu "Thơ mới", nhưng sự đại chúng hóa rap Việt theo lối này có thể khiến nó trở thành một hóa thân khác của pop ballad mà thôi.

Sau rốt, rap không phải một bài tập làm văn, một chương trình sống đẹp hay môn đạo đức. Rap đôi khi ở ngay trong sự ý thức về chính những bất toàn của người hát nó, như Đen Vâu đã viết: "Mất bao lâu để mình chấp nhận mình đã khác hồi xưa".

Vì sao Rap Việt mùa 2 không hấp dẫn như mùa 1? Vì sao Rap Việt mùa 2 không hấp dẫn như mùa 1?

TTO - "Anh nói về giá trị và sức hút. Họ nói về đồng tiền không xương (...). Nghe nè không nơi nào hẹp như thiên đàng. Không thể đem theo tiền bạc, nhưng anh sẽ đem theo tim anh".

HIỀN TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên