Cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Phong - cán bộ Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng - Ảnh: Đ.C.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thừa nhận có sai phạm tại sở này và khẳng định không bao che, dung túng các hành vi vi phạm.
Nhiều giám đốc "dính chàm"
Đầu tháng 4 TAND TP Đà Nẵng đã xét xử và tuyên án 3 bị cáo Jiang Fei (quốc tịch Trung Quốc), Lê Thị Kim Anh (trú Hải Dương), Lê Thị Thanh Lộc (trú Hà Tĩnh) tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.
Theo đó Jiang Fei lãnh án 9 tháng 20 ngày tù, Anh và Lộc cùng lãnh 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Trong đó, bị cáo Lê Thị Kim Anh là giám đốc Công ty BOVIET.
Theo hồ sơ, khi Công an Đà Nẵng kiểm tra hành chính phát hiện Jiang Fei và Wang Xu (cùng quốc tịch Trung Quốc) hoạt động sai mục đích nhập cảnh.
Jiang Fei nhập cảnh vào Việt Nam, đến lưu trú tại Đà Nẵng để làm giám sát hoạt động của nhân viên nhập dữ liệu máy tính trên Internet. Sau đó, Jiang Zhoufeng là bạn của Jiang Fei nhập cảnh Việt Nam và thành lập Công ty TNHH quản lý đầu tư Việt Nam BOVIET, trụ sở trên giấy phép kinh doanh ở đường Hoàng Diệu (Đà Nẵng).
Người này thuê Anh làm giám đốc, lương 12 triệu đồng/tháng; thuê Lộc làm phiên dịch với mức lương 10 triệu đồng/tháng.
Jiang Fei muốn bảo lãnh cho bạn là Wang Xu sang Việt Nam để làm việc cho mình. Jiang Fei biết muốn xin thị thực nhập cảnh Việt Nam cho bạn phải có công ty ở Việt Nam ký thủ tục bảo lãnh nên đã nhờ Lộc, Anh làm giúp.
Mặc dù biết Wang Xu nhập cảnh để làm việc cho Jiang Fei, không làm việc cho Công ty BOVIET nhưng do muốn có thêm thu nhập nên Anh, Lộc vẫn đồng ý.
Được biết bà Lê Thị Kim Anh chỉ là một trong số nhiều giám đốc doanh nghiệp bảo lãnh chuyên gia "dỏm" nhập cảnh trái phép trên địa bàn TP Đà Nẵng đã bị cơ quan chức năng xử lý.
Điển hình như ngày 22-2, Viện KSND TP Đà Nẵng đã phê chuẩn các quyết định khởi tố 4 người về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, theo đề nghị của Cơ quan an ninh điều tra Công an Đà Nẵng.
Những người bị khởi tố gồm: Lê Thị Sen (trú Đà Nẵng), Phạm Thị Vân (trú Thanh Hóa), Nguyễn Thị Huỳnh Hương (trú Đà Nẵng) và Nguyễn Ngọc Hùng (37 tuổi, trú Bình Định) - giám đốc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ U.H 79. Những người này đã tổ chức nhập cảnh trái phép cho 7 người Trung Quốc theo diện "chuyên gia".
Còn vào tháng 1-2022, Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Minh Thọ - giám đốc Công ty dịch vụ và du lịch TNA Service và Phạm Kim Phúc - giám đốc Công ty TNHH Phúc Travel Newlife, vì đã tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trái phép dưới vỏ bọc "chuyên gia".
Thọ đã ký bảo lãnh để xin cấp thị thực cho 7 công dân Hàn Quốc nhập cảnh vào Việt Nam với danh nghĩa "chuyên gia" làm việc cho doanh nghiệp này.
Tuy nhiên thực tế cho thấy số người Hàn Quốc này không phải là chuyên gia, cũng không làm việc tại công ty của Thọ. Còn Phúc đã thực hiện bảo lãnh cho 7 công dân Hàn Quốc nhập cảnh trái phép dưới hình thức "chuyên gia", thu lợi bất chính số tiền 30,8 triệu đồng.
Trong năm 2021, nhiều giám đốc doanh nghiệp cũng bị "sờ gáy" vì tiếp tay chuyên gia "dỏm" nhập cảnh trái phép.
Điển hình như ngày 17-6-2021, 4 giám đốc doanh nghiệp bị khởi tố gồm: Võ Tấn Cường - giám đốc Công ty TNHH Kuvarose, Trần Thanh Sơn - giám đốc Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Stad, Đỗ Văn Hoạt - giám đốc Công ty TNHH tin học An Nhiên và Nguyễn Trung Thu - giám đốc Công ty TNHH Tour-Media.
Nhiều sai phạm trong việc cấp phép cho lao động nước ngoài
Vừa qua Thanh tra Đà Nẵng đã có kết luận thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, cấp phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tại Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm. Trong đó đáng lưu ý là có 10 hồ sơ cấp phép lao động nước ngoài của 4 doanh nghiệp có dấu hiệu làm giả hồ sơ để người nước ngoài nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam dưới dạng chuyên gia nhưng qua kiểm tra thực tế không làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp.
Tất cả các giấy phép lao động của lao động nước ngoài được nêu trên tại thời điểm kiểm tra thực tế chưa được thu hồi và không xác định được đối tượng đang sử dụng giấy phép lao động: có dấu hiệu tội phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.
Có 2 hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài của 2 doanh nghiệp có dấu hiệu làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Thanh tra Đà Nẵng đã chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra Công an Đà Nẵng để tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 10 hồ sơ cấp phép lao động nước ngoài tại 4 doanh nghiệp và 2 hồ sơ chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài có dấu hiệu tội phạm theo quy định.
Thanh tra Đà Nẵng cũng kiến nghị Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và có biện pháp xử lý, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý, cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài...
Thanh tra cũng kiến nghị chủ tịch UBND TP chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng thực hiện nghiêm túc các nội dung tại kết luận thanh tra. Chỉ đạo Công an TP điều tra làm rõ đối với các hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm do thanh tra chuyển sang.
Ngày 7-6, ông Nguyễn Đăng Hoàng - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng - cho biết sau khi có kết luận của thanh tra đã tiến hành xử lý vi phạm của các cán bộ có liên quan.
Theo ông Hoàng, đối với cán bộ vi phạm tùy theo mức độ sẽ tiến hành kỷ luật. Trường hợp vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Quan điểm của sở là không bao che, dung túng cho hành vi vi phạm.
Khởi tố cán bộ sở tiếp tay
Được biết tháng 12-2021, Công an Đà Nẵng đã khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Văn Phong, cán bộ phòng việc làm - an toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, về tội nhận hối lộ.
Ông Phong đã nhận tiền liên quan đường dây tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, hợp thức hóa thủ tục để người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trái phép dưới dạng "chuyên gia".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận