Tầng hầm của một căn hộ ở Hayward Place, New York ngổn ngang do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Ida - Ảnh: AFP
Bão Ida đã làm thức tỉnh người Mỹ về việc phải chuẩn bị sẵn sàng trước các thiên tai lớn, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu sẽ khiến thời tiết cực đoan xảy ra thường xuyên và mạnh hơn.
Chuẩn bị không thừa
Mặc dù Trung tâm Bão quốc gia Mỹ đã cảnh báo về khả năng xảy ra lũ quét lớn đe dọa tính mạng, hoàn lưu của bão Ida vẫn khiến nhiều người ở New York bất ngờ không kịp trở tay.
Việc có hơn chục người chết đuối trong tầng hầm căn hộ xây dựng trái phép (loại căn hộ có tiền thuê rẻ nhất) là bài học đắt giá và đau đớn với New York.
Thị trưởng New York, Bill de Blasio bị chỉ trích vì đã không cảnh báo đúng mức tới người dân. Báo The Guardian bình luận dường như nhà chức trách New York đã không đề phòng trước lượng mưa quá lớn đổ xuống đô thị này.
Về công tác cảnh báo, ông thị trưởng thành phố cho biết sắp tới sẽ áp dụng lệnh cấm đi lại kiên quyết hơn để người dân không ra đường khi bão đến. Thành phố sẽ sơ tán người sống ở các căn hộ tầng hầm đến nơi an toàn.
Tin nhắn điện thoại với các thông điệp cụ thể sẽ hướng đến nhóm cư dân này về rủi ro do mưa lớn gây ra. Có thể New York sẽ cần cơ sở dữ liệu về các căn hộ tầng hầm để có thể đi gõ cửa từng nhà khi cần sơ tán.
Thị trưởng New York cho biết sẽ thành lập lực lượng đặc nhiệm ứng phó với thời tiết cực đoan trong vòng 30 ngày nhằm xem xét các khía cạnh thành phố có thể cải thiện về khả năng chuẩn bị và ứng phó thiên tai.
Thống đốc bang New Jersey, Phil Murphy cũng xác nhận bang của ông còn "nhiều việc phải làm" trong việc ứng phó với thiên tai, dù trước đó đã đầu tư 1,5 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng cấp nước trong 3 năm.
Một bà cụ 89 tuổi khóc ròng trong vòng tay tôi. Bà chẳng còn lại gì sau 40 năm sống trong căn nhà của chính mình.
Thống đốc bang New York, bà Kathy Hochul cho biết thiệt hại về người do bão Ida gây ra là rất lớn.
Tăng sức chống chịu
Theo báo cáo công bố tháng 5-2021 của Verisk Maplecroft, tập đoàn tư vấn về rủi ro và chiến lược toàn cầu ở Anh, có 414 thành phố từ 1 triệu dân trở lên trên toàn cầu dễ tổn thương trước các vấn đề môi trường như sóng nhiệt, cạn kiệt nguồn cung nước sạch, thiên tai các loại.
Còn theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), biến đổi khí hậu tạo thêm áp lực và bất ổn cho các khu vực đô thị.
Thiệt hại của các thảm họa do khí hậu gây ra đang tăng lên nhanh chóng, gây ảnh hưởng ngày càng lớn tới cuộc sống, tài sản và sinh kế của con người cũng như các hệ sinh thái có giá trị.
Điều này đặt ra nhu cầu tăng cường tính chống chịu cho các thành phố lớn để tăng cường khả năng hấp thụ, phục hồi và chuẩn bị sẵn sàng trước những cú sốc có thể xảy ra trong tương lai.
Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra một số giải pháp về xây dựng đã mang lại hiệu quả trên thực tế tại các vùng đô thị.
Cụ thể chính quyền các thành phố không để người dân định cư ở các khu vực nguy hiểm (như không để xảy ra tình trạng xây nhà không đảm bảo điều kiện an toàn, cơi nới bất hợp pháp). Cần có các không gian công cộng và các tuyến đường sơ tán thông thoáng.
Xây dựng các khu dân cư mới trên những khu đất an toàn với thiên tai dựa trên nghiên cứu hoặc bản đồ đánh giá mức rủi ro thiên tai với từng khu vực.
Với các ngôi nhà tái thiết sau thảm họa, cần đảm bảo đó không chỉ là nhà dành cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà còn là nơi có thể bảo vệ họ khỏi thiên tai tương tự lần sau.
Với những bất động sản cũ, cần gia cố để nhà cửa tại đây có sức chống chịu tốt hơn, đảm bảo an toàn hơn.
Để chống chịu với lũ lụt đô thị, thành phố cần có khả năng hấp thu, tạm trữ một lượng nước mưa lớn bằng các công trình đa mục đích như công viên, sân bóng vừa có chức năng giải trí vừa là nơi hấp thu nước khi xảy ra mưa lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận