Tàu thuyền trên bờ biển thành phố Fort Myers nằm ngổn ngang sau khi bão Ian quét qua - Ảnh: REUTERS
Cơn bão Ian tiếp tục di chuyển đến khu vực bang Nam Carolina vào cuối ngày 30-9 với sức gió chỉ còn khoảng 96,5km/h và dự kiến tiếp tục suy yếu và tan dần khi di chuyển đến khu vực các bang Bắc Carolina hoặc Virginia vào chiều tối ngày 1-10.
Trung tâm Bão quốc gia Mỹ (NHC) cũng đưa ra các cảnh báo về lũ quét và lốc xoáy ở khu vực các bang Nam Carolina, Bắc Carolina và vùng đông nam bang Virginia.
Trước đó, bão Ian đổ bộ vào đảo Cayo Costa, phía tây thành phố Fort Myers thuộc bang Florida, Mỹ chiều 28-9 với sức gió hơn 240km/h.
Cơn bão được xếp vào cấp 4 trên thang 5 bậc Saffir - Simpson (một hệ thống phân loại bão ở Mỹ) và là một trong những cơn bão mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nước Mỹ.
Dù đã giảm nhẹ so với thời điểm khi bão Ian càn quét bang Florida nhưng nó vẫn gây ra tình trạng mất điện trên diện rộng, ngập nặng tại nhiều khu vực và khiến cây cầu Cherry Grove Pier và Pawleys Island Pier ở phía nam thành phố Myrtle Beach bị nứt.
Cơ quan cảnh sát đảo Pawleys vẫn tiếp tục kêu gọi người dân không trở lại đảo cho đến khi tình hình ổn định hơn.
Được biết, hơn 128.000 hộ gia đình tại bang Nam Carolina, hơn 330.000 gia đình tại bang Bắc Carolina và hơn 1,4 triệu gia đình ở bang Florida đang phải chịu cảnh mất điện do những ảnh hưởng từ cơn bão.
Tại thành phố biển North Myrtle, bang Nam Carolina, nước vẫn ngập cao qua đầu gối tại các tuyến đường và người dân được khuyên không nên ra khỏi nhà.
Thị trưởng thành phố Myrtle Beach, ông Brenda Bethune cho biết ông cảm thấy người dân đã chưa thực sự nhận ra sự khủng khiếp của cơn bão khi ngay thời điểm bão đổ bộ vẫn có rất nhiều ô tô di chuyển trên đường.
Các nhà tạm lánh bão ở hạt Charleston vẫn sẽ tiếp tục được mở cửa cho đến 16h ngày 30-9 và sẽ có một số chuyến xe đưa người dân từ các khu tránh bão trở về nhà.
Người dân dùng thuyền để đưa đồ đạc và thú cưng qua một đoạn đường bị ngập nặng ở thành phố North Port, bang Florida - Ảnh: REUTERS
Thống đốc bang Nam Carolina, ông Henry McMaster nói: “Cơn bão không khủng khiếp như những dự đoán trước đó, tuy nhiên mọi người cũng không nên mất cảnh giác”.
Thống đốc Henry cũng gửi lời cảnh báo đến người dân tạm thời không nên ra khỏi nhà vì nước vẫn còn dâng cao và gió lớn tại một số khu vực thuộc địa bàn bang Nam Carolina”.
Trước đó, sân bay quốc tế Charleston đóng cửa vì thời tiết xấu trong ngày 30-9.
Trước khi đổ bộ vào bang Nam Carolina, cơn bão Ian càn quét bang Florida, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng và khiến ít nhất 45 người thiệt mạng.
Lực lượng Biên phòng Mỹ (USBP) thực hiện hơn 700 cuộc giải cứu ở bang Florida tính đến thời điểm hiện tại.
Cảnh sát trưởng Hạt Lee, ông Carmine Marceno cho biết phần lớn bờ biển ở thành phố Fort Myers bị phá hủy hoàn toàn, những ngôi nhà và khu nghỉ dưỡng cũng bị đổ nát.
Các đảo Sanibel và Captiva ở phía tây nam bang Florida cũng bị cô lập hoàn toàn do những cây cầu nối các hòn đảo này với đất liền bị sập gãy.
Theo những phân tích của công ty bất động sản CoreLogic, cơn bão đã làm tổn thất khoảng 47 tỉ USD và trở thành cơn bão thứ hai có sức tàn phá khủng khiếp nhất lịch sử bang Florida sau cơn bão Andrew năm 1992.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ bang Florida khi bang này đang phải đối mặt với những hậu quả khủng khiếp do cơn bão Ian để lại.
Cũng theo Tổng thống Biden, họ có thể mất đến vài tháng hoặc vài năm để khắc phục những hậu quả sau khi cơn bão quét qua và khôi phục lại như trước.
Lực lượng Biên phòng Mỹ (USBP) thực hiện công tác cứu hộ tại khu vực thành phố Fort Myers hôm 30-9 - Ảnh: REUTERS
Một người quét dọn cửa hàng khi nước bắt đầu tràn vào tại thời điểm bão Ian đổ bộ khu Georgetown, bang Nam Carolina - Ảnh: REUTERS
Nước ngập trên một tuyến đường ở thành phố Charleston, bang Nam Carolina - Ảnh: REUTERS
Kieran Holloway, một thanh niên 25 tuổi, đang chặt một cái cây bị bão quật ngã ở thành phố Charleston, bang Nam Carolina - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận