Ông Takahiko Ohata - chủ tịch Hiệp hội Các công ty lữ hành nước ngoài Nhật Bản (OTOA) - cho biết:
Phóng to |
Du khách Nhật mặc áo dài VN chụp ảnh trước nhà thờ Đức Bà - Ảnh: T.T.D. |
Phóng to |
Ông Takahiko Ohata |
- Không chỉ VN mà tại các quốc gia khác trong khu vực, lượng khách Nhật đến du lịch cũng giảm. Nguyên nhân là giới trẻ Nhật giờ ít đi du lịch nước ngoài mà quan tâm nhiều đến công việc, thu nhập. Trước đây giới trẻ không có nhiều sự lựa chọn nên đi du lịch nhiều hơn, còn giờ họ có quá nhiều thứ để giết thời gian: công nghệ thông tin, game, điện thoại thông minh... Thay vì dành tiền đi du lịch, họ đổ tiền vào mua các thiết bị này. Hơn nữa, kinh tế đang khó khăn, người dân cảm thấy bất an, không thoải mái đi du lịch.
* Ngoài những nguyên nhân khách quan như ông đề cập, còn lý do nào dẫn đến hiện tượng sụt giảm khách Nhật vào VN, thưa ông?
- Đó là thiếu thông tin quảng bá nét đẹp, quyến rũ của du lịch VN, trong khi Thái Lan, Malaysia, Singapore... có văn phòng đại diện của cơ quan phụ trách du lịch quốc gia tại Nhật Bản. Họ thường xuyên tổ chức các chiến dịch quảng bá ở tầm quốc gia và lần nào làm cũng có khuyến mãi, kích cầu... Còn việc quảng bá du lịch VN lâu nay chủ yếu là do Hãng hàng không Vietnam Airlines đứng ra tổ chức, hoặc một số công ty du lịch giới thiệu vài tour mà họ đang muốn bán.
Sản phẩm du lịch mà Vietnam Airlines muốn bán cho du khách Nhật lại không trùng với nhu cầu thật của họ. Các công ty chuyên bán tour cho du khách Nhật chỉ làm những tour mình có thế mạnh, trong khi người Nhật muốn biết VN có thế mạnh gì, ở đâu. Chẳng hạn tắm biển thì đến đâu, mua sắm đến nơi nào, tìm hiểu văn hóa thì địa phương nào... mà những điều này phải do cơ quan chính phủ thực hiện chứ các công ty du lịch đơn lẻ không thể làm được.
Theo Tổng cục Du lịch, trong sáu tháng đầu năm lượng khách Nhật đến VN đạt 294.487 lượt, chỉ tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2012. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng khách Nhật sang VN cùng kỳ trong giai đoạn 2010-2012 đạt 12-23%.
Theo ông Takahiko Ohata, VN vẫn đang đứng thứ hai sau Thái Lan trong danh sách điểm đến tại khu vực Asean được khách Nhật lựa chọn. Tuy nhiên nếu VN áp dụng chính sách thu phí visa (thị thực) đối với khách Nhật như một số thông tin gần đây, thay vì miễn phí như hiện nay thì lượng khách Nhật sang VN chắc chắn sẽ giảm nhiều. L.N.
* Khách Nhật thường phàn nàn gì khi đến VN?
- Chất lượng khách sạn, nhà hàng, phương tiện vận chuyển... không bị khách phàn nàn nhiều, trong khi trình độ tiếng Nhật và văn hóa của hướng dẫn viên bị khách Nhật hay kêu nhất. Thời kinh tế tăng trưởng, du khách Nhật đi du lịch chi tiêu cũng nhiều, hướng dẫn viên có thu nhập tốt nên họ rất nhiệt tình. Bây giờ kinh tế khó khăn, khách Nhật ít chịu mua sắm gì nhưng lại đòi hỏi cao hơn. Tất nhiên không phải hướng dẫn viên nào cũng vậy, họ vẫn chăm chút cho du khách Nhật, nhưng sự thật là chất lượng đã giảm đi khá nhiều.
* Nhóm khách Nhật nào chịu chi tiêu nhiều nhất?
- Nhóm khách trong độ tuổi 50-60 đến đông nhất, họ chịu chi tiêu và mong muốn tìm hiểu lịch sử văn hóa, đất nước con người VN. Nhóm khách ở độ tuổi 30-40 chi nhiều cho ăn uống, giới trẻ đến VN thì thích mua sắm đồ tạp hóa, thủ công mỹ nghệ, mátxa, làm móng tay... Tuy nhiên, thời gian gần đây du khách Nhật giảm chi tiêu ngoài chương trình đến mức thấp nhất, không hẳn là không mua gì nhưng khảo sát của chúng tôi cho thấy họ đi du lịch mà gần như không chi tiêu thêm tiền ngoài tiền tour.
* Du lịch VN phải làm gì để hấp dẫn và thu hút khách Nhật nhiều hơn, thưa ông?
- Phải tăng cường quảng bá cho dân Nhật biết nhiều hơn về nét đẹp và đặc trưng của du lịch VN, trong đó quảng bá thông qua truyền hình vẫn là lựa chọn tốt nhất. Khách Nhật vẫn thường nói Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan) và Singapore đều là các đô thị phát triển và có nhiều nét giống nhau. Những tòa nhà mang nét kiến trúc Pháp tại TP.HCM là nét đặc trưng mà nếu mất đi thì đến TP.HCM có khác gì đến Kuala Lumpur hay Bangkok.
Phát triển, xây dựng mới là điều tất nhiên nhưng đừng để mất những nét riêng của mình, hãy chuyển tải những hình ảnh, thông tin này đến du khách Nhật. Chẳng hạn xe kéo tay ở Tokyo, Kyoto... là nét văn hóa riêng mà chúng tôi vẫn giữ lại đến nay, bên cạnh hàng loạt phương tiện công cộng hiện đại khác.
“Nghe nói VN ô nhiễm quá!” Trong chuyến du lịch đến Nhật vào tháng 5-2013, khi được chúng tôi hỏi “đã đến VN chưa?”, cô Li Li - hướng dẫn viên du lịch người Nhật Bản - cho biết đã nghe kể về nhiều cảnh đẹp VN và sự hiếu khách của người VN nên rất thích sang VN du lịch. Tuy nhiên, điều mà cô Li Li lo lắng là “nghe nói VN ô nhiễm quá!”. Dù rất buồn khi nghe điều đó, nhưng những điều mắt thấy tai nghe trong suốt chuyến đi giúp chúng tôi hiểu được phần nào lo lắng của cô Li Li. Trên hầu hết con phố đi qua, dù cố gắng chúng tôi cũng không thấy cảnh xả rác, đường phố luôn sạch sẽ. Một hướng dẫn viên cho chúng tôi biết những hành vi như xả rác nơi công cộng tại Nhật bị xử rất nặng, nhưng quan trọng hơn là ý thức của người dân Nhật. Chẳng hạn, tại khu Shinsaibashi - một trong những trung tâm thương mại sầm uất bậc nhất tại Osaka - sau khi khách đến ăn thử tại quầy thức ăn nhanh, nhân viên bán hàng xin lại cây tăm mà họ đã ghim thức ăn rồi bỏ vào thùng rác. Nhìn xung quanh, tôi thấy có vài cửa hàng thức ăn nhanh khác nhưng dưới đất không hề thấy mẩu que tăm nào. Trước khi dừng xe kết thúc hành trình, hướng dẫn viên lấy ra hai túi nilông lớn đến từng người xin rác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận