29/04/2017 20:30 GMT+7

Bảo hộ phim nội: các nước trong khu vực  làm gì?

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

TTO - Để điện ảnh nội có điều kiện phát triển, chính phủ nhiều nước và khu vực đã có những chính sách bảo hộ đặc biệt và rất kỹ lưỡng. Nhưng vướng WTO, điện ảnh Việt không được bảo hộ như mong đợi của các nhà làm phim Việt Nam.

Tấm Cám chuyện chưa kể cũng đã gây tranh cãi về việc có nên, có cần bảo hộ cho điện ảnh Việt trên sân nhà hay không? 

Đây có lẽ cũng là những kinh nghiệm quý báu mà Việt Nam cần học hỏi để áp dụng phần nào, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ bảo vệ cho nền điện ảnh nước nhà, tránh khỏi sự cạnh tranh khốc liệt của phim nhập ngoại do sự phân bổ lịch chiếu bất lợi.

Thua ngay trên sân nhà

Việc phim Việt thường bị loại khỏi cuộc chơi ngay trên sân nhà, cũng chính bởi các nhà rạp luôn ưu ái phim ngoại, và xếp lịch chiếu vào các giờ vàng.

Kong: Skull Island (Kong: Đảo đầu lâu) đã cán mốc doanh thu 104 tỉ đồng với 1,3 triệu lượt người xem chỉ sau 7 ngày công chiếu, trở thành bộ phim có doanh thu trong tuần đầu tiên phát hành cao nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.

Và tính tới ngày 23-3, phim này đã có thành tích ngoạn mục khi trở thành bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam (xấp xỉ 150 tỉ đồng), với gần 1,8 triệu lượt khán giả tới rạp chỉ sau gần 2 tuần công chiếu.

Trước đó bộ phim hành động Mỹ Fast and Furious 7 từng đứng đầu doanh thu năm 2015 của thị trường rạp tại Việt Nam với 52,3 tỉ đồng chỉ sau 3 ngày đầu công chiếu.

Trong khi đó, nhìn lại doanh thu các phim Việt năm 2016 lại quá thấp không đạt như mong đợi, dẫu số lượng phim nhiều vượt trội.

Nhiều đơn vị sản xuất phim Việt đều cho rằng việc xếp lịch chiếu không cân xứng giữa phim ngoại và phim nội khiến doanh thu phim Việt bị sụt giảm nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc tỉ lệ ăn chia doanh thu phòng vé cũng chưa cân xứng, gây ảnh hưởng đến doanh thu. Nhiều vụ xích mích, thậm chí kiện tụng, họp báo giới để phản ảnh tình trạng bất công trên đã diễn ra trong năm 2016...

Xem Trung Quốc "thiết quân luật” để bảo hộ

Nhằm phát triển nền điện ảnh nước nhà, khoảng hơn 20 năm qua, chính quyền Trung Quốc đã liên tục đưa ra nhiều chính sách bảo hộ nền điện ảnh nội địa, đồng thời hoàn thiện nhiều chính sách ưu đãi cho điện ảnh.

Chẳng hạn, trong điều lệ quản lý điện ảnh Trung Quốc năm 2002 đã quy định rõ lượng thời gian chiếu phim quốc nội không được ít hơn 2/3 tổng lượng thời gian chiếu phim của rạp trong một năm.

Đồng thời thành lập quỹ ngân sách đặc biệt hỗ trợ các nhà làm phim trong nước khi sản xuất phim thuộc các đề tài trọng điểm như: nông thôn, dân tộc thiểu số, đề tài thiếu nhi, hoạt hình… trong suốt hàng năm trời.

Đặc biệt các đơn vị sản xuất phim hoạt hình còn được hưởng các chính sách miễn thuế. Sử dụng nguồn vốn trái phiếu để hỗ trợ cải tạo lại cơ sở của các đơn vị sản xuất phim quốc doanh có quy mô lớn, lịch sử lâu đời và có tầm ảnh hưởng sâu rộng.

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 1-3 năm cho các đơn vị mới vào nghề trong các lĩnh vực sản xuất phim, phát hành phim và rạp phim. Những chính sách này đã trở thành những bước bảo hộ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp điện ảnh Trung Quốc phát triển.

Không dừng lại ở đó, từ năm 2004, Cục Điện ảnh Trung Quốc đã ra thông báo đồng loạt cho hệ thống các rạp phim, yêu cầu chấp hành chính sách hỗ trợ phim nội địa.

Cụ thể là vào các thời gian từ ngày 20-6 đến 10-7, từ 20-7 đến 10-8 hằng năm, không khuyến khích các rạp nhập chiếu phim nước ngoài.

Như vậy trong thời gian bảo hộ từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm, phim nội địa được “dọn địa bàn, dẹp bớt chướng ngại vật” để thỏa sức tung hoành tại các rạp phim.

Và trên thực tế từ năm 2004 đến nay, từ lịch chiếu phim tại Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8 hằng năm có thể thấy rõ các phim Bắc Mỹ được nhập về đều bị chiếu lùi lại một vài tháng để nhường rạp cho phim Trung Quốc, bất kể phim nước ngoài có sức nóng đến đâu.

Chính vì vậy khi phim Thập diện mai phục (đạo diễn Trương Nghệ Mưu) được công chiếu từ 15-7-2004, không hề phải cạnh tranh với bất kỳ phim ngoại nào, đạt doanh thu 153 triệu tệ tại đại lục, 15 triệu tệ tại Hong Kong, đạt kỳ tích về doanh thu phim quốc nội của nước này.

Nhờ kỷ lục doanh thu trong nước, Thập diện mai phục nhanh chóng bán đắt hàng tại thị trường quốc tế với tổng doanh thu phòng vé toàn thế giới lên tới 92 triệu USD, trong đó chỉ riêng doanh thu tại 15 rạp ở Bắc Mỹ đã chiếm 11 triệu USD.

Bài 2: Bảo hộ phim nội: bị "ném đá" vẫn cứ kiên trì

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên