30/04/2017 08:00 GMT+7

Bảo hộ phim nội: Trung Quốc bị 'ném đá' vẫn cứ kiên trì

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

TTO - Chính sách bảo hộ điện ảnh nội địa của Trung Quốc cũng từng nhiều lần bị các rạp phim và các đối tác nước ngoài phản đối dữ dội vì sợ mất doanh thu.

Phim hot như Harry Potter cũng bị chính sách bảo hộ điện ảnh của Trung Quốc nên phải chiếu sau các nước trong khu vực đến vài ba tháng...

Tuy nhiên do kiên trì và cứng rắn thực thi, doanh thu phim nội địa của nước này tăng vọt và liên tục tăng đều trong các năm.

Năm 2013, doanh thu phim nội địa đạt 12,67 tỉ tệ trên tổng doanh thu 21,768 tỉ tệ, phim nhập khẩu chỉ đạt 9 tỉ tệ. Tới năm 2014, doanh thu phim nội địa đã vọt lên con số tới 4,8 tỉ USD (chiếm 34%) trong năm 2014.

Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2015, doanh thu phim nội địa ở Trung Quốc đã đạt 2,6 tỉ USD, theo số liệu của Công ty dữ liệu Rentrack.

Do không được xếp lịch chiếu “đồng hành” cùng thế giới, thậm chí không được ưu ái giờ vàng, nhiều phim hay nước ngoài đành ngậm ngùi với doanh thu không đúng với kỳ vọng.

Một số ít phim có được doanh thu lớn tại Trung Quốc chủ yếu bởi có các yếu tố liên quan đến nước này như sử dụng diễn viên ngôi sao Hoa ngữ, có cảnh quay tại Trung Quốc…, hoặc có những thỏa thuận riêng về việc chia lại phần trăm doanh thu (trung bình từ 10%) cho bộ máy phát hành phim nước này.

Ví dụ cụ thể là phim Mỹ Quá nhanh, quá nguy hiểm phần 7 (Fast & Furious 7, đạo diễn James Wan).

Chính phủ Trung Quốc hiện vẫn kiên trì chính sách mỗi năm chỉ nhập khẩu 34 phim ngoại vào nước mình và chính sách này sẽ kéo dài tới năm 2017.

Sở dĩ Trung Quốc cứng rắn áp dụng được chính sách bảo hộ trên bởi dù có tới trên 45 hệ thống rạp phim khắp cả nước (tính tới cuối năm 2013), nhưng các hệ thống này không được phép nhập phim. Phim được nhập khẩu hoặc phân bổ vào hệ thống rạp phim đều thuộc về các đơn vị phát hành nhà nước.

Trung Quốc cũng có quy định rõ ràng về việc phân chia doanh thu phòng vé, gồm: 5% doanh thu phòng vé được trích vào Quỹ phát triển công nghiệp phim quốc gia, 3% đóng thuế kinh doanh; trong 92% doanh thu còn lại thì phần của đơn vị sản xuất và nhà phát hành phim thường không thấp dưới 43%, số còn lại thuộc về hệ thống rạp.

Malaysia, Indonesia và Thái Lan cũng ra tay...

Nền điện ảnh Malaysia cũng chỉ phát triển mạnh mẽ sau khi được nhà nước chú ý ưu ái. Số lượng phim nội địa đã sản xuất tăng mạnh, từ con số 39 phim (năm 2010) lên 76 phim (2012), 71 phim (2013).

Nhiều phim Malaysia tự sản xuất đã đạt kỷ lục phòng vé như phim The Journey (2014). Theo ông Michael Peter Lake - giám đốc điều hành Hãng phim Malaysia Iskandar, dự đoán doanh thu phim nội địa Malaysia sẽ tiếp tục tăng trong 5 năm tới và điều này đúng với nguyện vọng của chính phủ nước này nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa nền công nghiệp điện ảnh.

Từ năm 2005, Tập đoàn Phát triển phim quốc gia Malaysia (gọi tắt: Finas) đã áp dụng chính sách cưỡng chế chiếu phim nội địa, đảm bảo các phim nội địa làm ra đều có cơ hội vào rạp. Điều này đã khuyến khích tăng lượng sản xuất phim nội địa nhanh chóng.

Đối với những phim có chất lượng thực sự quá kém sẽ được chuyển sang video để bán vào các đài truyền hình trong và ngoài nước.

Còn Indonesia tuy là nước có nền điện ảnh chưa mấy phát triển, đồng thời sức tiêu thụ phim nhập khẩu cũng thấp, tuy nhiên họ cũng khá kiên trì trong việc nên hay không nên mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào hệ thống rạp phim.

Cuối năm 2013, ông Mahendra Siregar - trưởng Ban điều phối đầu tư của Indonesia - đã quyết định hủy bỏ dự định mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực phát hành phim và rạp chiếu.

Trong khi đó điện ảnh Thái Lan từng chứng tỏ sức hút của phim nội địa qua doanh thu phòng vé rất cao của hàng loạt phim Thái như Pee Mak (từng đoạt doanh thu 28,6 triệu USD năm 2004), I Fine…Thank You, Love You, Hello Stranger, Laddaland, 4bia…

Sở dĩ có được điều này bởi nền công nghiệp điện ảnh Thái đã tạo ra được sự cân bằng của toàn bộ dây chuyền sản xuất phim và đơn vị phát hành thông qua sự phân chia khu vực sở hữu rạp phim, qua sự chuyên nghiệp hóa của các đơn vị phát hành, và các đơn vị sản xuất không thuộc sở hữu của các rạp phim.

 

Lịch chiếu phim Bắc Mỹ tại Trung Quốc luôn bị lùi lại từ 1-3 tháng trong quãng thời gian thực thi chính sách bảo hộ phim nội địa:

Phim Nhiệm vụ bất khả thi 5 - Quốc gia bí ẩn (Mission Impossible - Rogue Nation, đạo diễn Christopher McQuarrie) chiếu tại Bắc Mỹ và Việt Nam đều vào ngày 31-7-2015 nhưng chỉ được chiếu tại Trung Quốc từ ngày 8-9-2015.

Phim Đại chiến Pixel (Pixels, đạo diễn Chris Columbus) chiếu tại Bắc Mỹ từ ngày 24-7-2015, tại Việt Nam vào ngày 14-8-2015 và tại Trung Quốc từ 15-9-2015.

Phim Người kiến (Ant-Man, đạo diễn Peyton Reed) chiếu tại Bắc Mỹ từ ngày 17-7, tại Việt Nam từ 24-7-2015, và tại Trung Quốc từ ngày 16-10-2015.

 Phim Kẻ cắp mặt trăng 3 (Minions, đạo diễn Pierre Coffin, Kyle Balda) chiếu tại Bắc Mỹ từ ngày 10-7-2015, tại Việt Nam từ ngày 15-7-2015 và tại Trung Quốc từ 13-9-2015.

Thậm chí cả phim bom tấn hoặc cháy vé như Harry Potter và bảo bối tử thần (Harry Potter and the Deathly Hallows, đạo diễn David Yates) chiếu tại Bắc Mỹ từ ngày 11-7-2011, tại Việt Nam từ ngày 26-11-2011 và tại Trung Quốc từ ngày 4-8-2011.

Phim Harry Potter và mệnh lệnh Phượng Hoàng (Harry Potter and the Order of the Phoenix, đạo diễn David Yates) công chiếu tại Bắc Mỹ từ ngày 11-7-2007, tại Việt Nam từ ngày 13-7-2007, và tại Trung Quốc từ ngày 10-8-2007).

Phim Đại chiến thế giới (War of the Worlds, đạo diễn Steven Spielberg) chiếu tại Bắc Mỹ từ 29-6-2005, nhưng chỉ được chiếu tại Trung Quốc từ 11-8-2005.

 

 

NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên