08/12/2015 00:10 GMT+7

​Bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sá sùng ở Vân Đồn

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cục Sở hữu trí tuệ đã có Quyết định số 2929/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00047 cho sản phẩm sá sùng Vân Đồn nổi tiếng.

UBND huyện Vân Đồn là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Sá sùng Vân Đồn từ lâu đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến. Nhắc đến các món ăn ngon của biển ở Quảng Ninh người ta nghĩ ngay đến các món ăn chế biến từ sá sùng Vân Đồn. Khi chưa có mì chính, sá sùng Vân Đồn là gia vị đặc biệt để làm ngọt, làm thơm hơn các món ăn dạng nước như bún, phở, canh hoặc cháo của người Việt và người Hoa khắp cả nước và ở nước ngoài.

Loài sá sùng phân bố tự nhiên ở Quảng Ninh có tên khoa học là Sipunculus nudus, đây là đặc thù về sinh học của sá sùng Vân Đồn, khác biệt với sá sùng phân bố ở huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa), Cần Giờ (TP.HCM) thuộc loài Sipunculus polymyotus.

Sá sùng Vân Đồn bao gồm 2 sản phẩm là sá sùng tươi sơ chế và sá sùng khô, đây là 2 sản phẩm chế biến thuỷ sản truyền thống có từ lâu đời ở Vân Đồn. Sá sùng Vân Đồn nổi tiếng thơm ngon bởi chúng được khai thác tự nhiên trong điều kiện địa lý đặc thù và kỹ thuật khai thác, chế biến truyền thống.

hinh-1-1449483063.jpg

Sá sùng Vân Đồn được khai thác tự nhiên ở các bãi triều ven các đảo như Minh Châu và Quan Lạn. Các bãi triều này có địa hình phẳng, rộng, nghiêng thoải về phía biển với độ dốc từ 20 - 30. Ngoài đặc điểm của một bãi triều thấp ven biển, các bãi triều này còn được bao quanh bởi các dãy núi trên đảo hay cấu tạo kiểu dạng bãi triều trong các vụng. Kiểu địa hình đặc biệt bao quanh này đã tạo cho các bãi triều có điều kiện khá yên tĩnh về sóng gió, thuận lợi cho sá sùng sinh sống và phát triển.

Vân Đồn có thềm lục địa rộng lớn nằm hoàn toàn trong vịnh Bái Tử Long với cấu trúc địa hình và hệ sinh thái đa dạng, có nhiều loài thực vật phù du và động vật phù du sinh sống. Vùng nước bãi triều thuộc Minh Châu và Quan Lạn có loài thực vật phù du thuộc bốn ngành tảo (tảo silic, tảo giáp, tảo lục và tảo lam), trong đó tảo silic chiếm ưu thế và đây là thức ăn chính của sá sùng. Các rừng ngập mặn bao quanh các trương cát có sá sùng cũng tạo ra nguồn dinh dưỡng đặc trưng của vùng cho sá sùng.

Sá sùng Vân Đồn có mùa vụ khai thác chính từ tháng 2 đến tháng 10, tập trung từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm. Người dân địa phương tiến hành đào hang/lỗ sá sùng bằng chiếc mai có lưỡi bằng thép, cán bằng gỗ lim. Lưỡi mai dài khoảng 25cm, toàn bộ chiều dài từ cán đến lưỡi dài khoảng 1,6m. Lựa chọn sá sùng bằng tay và chỉ khai thác sá sùng có kích thước từ 6cm trở lên.

Nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: sá sùng Vân Đồn