Bộ Y tế dự kiến từ cuối năm 2015 sẽ đưa thêm hai cấu phần là phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật và lương cán bộ vào viện phí. Điều này đồng nghĩa với việc viện phí sẽ tăng thêm khoảng 30% so với hiện hành. Gần 30 triệu người chưa có thẻ bảo hiểm y tế sẽ đối diện với những gì trong tương lai gần này? Ảnh: newventify.com Khoảng 80% người có bảo hiểm y tế và đi khám chữa bệnh đúng tuyến sẽ được bảo hiểm chi trả. Nhưng gần 30 triệu người khác, chủ yếu là người lao động tự do, nông dân, diêm dân, người cận nghèo..., chưa có thẻ bảo hiểm y tế, viện phí tăng sẽ là một đòn giáng mạnh vào họ. Chính sách còn ở xa Khi đánh giá về công tác bảo hiểm y tế sáu tháng đầu năm 2015, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Minh Thảo cho rằng trong hai việc cần làm ngay là tăng độ phủ bảo hiểm y tế và điều chỉnh viện phí để giá dịch vụ gần với thực chất hơn, người bệnh có lợi hơn, thì việc gia tăng độ phủ bảo hiểm y tế là việc cần làm trước khi điều chỉnh giá dịch vụ. “Không nên tạo áp lực cho người bệnh vì viện phí cao quá, họ không có tiền chi trả rồi phải quay về mua bảo hiểm y tế”- ông Thảo nói. Tuy nhiên, nhìn chặng đường trước mắt để gia tăng độ phủ bảo hiểm y tế là không dễ dàng, nhất là với cách làm hiện nay. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6-2015, tỉ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt gần 71,5%, trong khi mục tiêu năm 2015 là 75% mà thời gian thực hiện mục tiêu chỉ còn chưa đầy sáu tháng! Tham dự cuộc họp đánh giá về công tác này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói ông “rất sốt ruột” bởi chính sách hỗ trợ cho nhóm cận nghèo, nhóm hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế đều đã có từ lâu (theo hướng hỗ trợ 30-70% trở lên phí tham gia bảo hiểm y tế), nhưng vẫn còn khoảng 2,6 triệu người cận nghèo và 20 triệu nông dân, diêm dân, ngư dân... chưa đến được với những hỗ trợ tưởng là đã rất rõ ràng này. Ông Phạm Lương Sơn - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN - cho biết theo Luật bảo hiểm y tế mới (áp dụng từ ngày 1-1-2015), người dân sống ở các xã, huyện đảo được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, ngân sách nhà nước sẽ đảm bảo kinh phí cấp thẻ cho họ. Nhưng sáu tháng đầu năm 2015 đã trôi qua mà mới chỉ có 20.000/tổng số 270.000 người dân đang sống ở các xã đảo, huyện đảo thấy mặt cái thẻ bảo hiểm y tế mà Nhà nước cấp miễn phí cho họ. Số còn lại vẫn đang... chờ. “Mới có bốn tỉnh là Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Nam, Quảng Trị cấp được thẻ, còn lại tám tỉnh thành thì chưa vì họ chưa thống nhất như thế nào gọi là xã đảo, huyện đảo. Như tỉnh Quảng Ninh, khu vực Vân Đồn có cầu to nối với đất liền rồi, vậy có gọi là đảo hay không thì chưa thấy cơ quan có thẩm quyền ban hành tiêu chí” - ông Sơn cho biết. Và chưa có tiêu chí thì dù có cho không, người dân các xã mười mươi là hải đảo còn lại, vẫn phải chờ. Một chính sách nữa “rằng nghe thì thật là hay” cũng đang trong trạng thái bắt dân phải chờ: ấy là quy định hỗ trợ từ 70% phí bảo hiểm y tế cho người cận nghèo. Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 70% phí tham gia bảo hiểm y tế, phần còn lại ngân sách địa phương và người cận nghèo cùng chung tay. Thế nhưng đến nay là tháng 7-2015 vẫn còn 32 địa phương chưa hề có kế hoạch hỗ trợ người cận nghèo của tỉnh mình, với khoảng 2,6 triệu người cận nghèo chưa có bảo hiểm y tế. “Nếu tính mỗi thẻ bảo hiểm y tế 600.000 đồng, thì 30% còn lại của số người cận nghèo chưa có thẻ bảo hiểm y tế ấy là hơn 500 tỉ, số tiền ấy to nhưng chia cho mấy chục tỉnh thì cũng không là nhiều”- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Theo đại diện một tờ báo có chuyên mục dành hỗ trợ người nghèo bị ốm đau, hiện ngày nào tờ báo này cũng nhận được ít nhất hai đơn kêu cứu của người bệnh nghèo, cận nghèo. Ông Nguyễn Minh Thảo thì cho biết từ ngày 1-1-2015, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình sẽ được hỗ trợ 30% phí tham gia bảo hiểm y tế, nhưng sở lao động - thương binh và xã hội các địa phương chưa có danh sách thế nào là hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, nên 30% hỗ trợ vẫn treo ở đấy. “Riêng nhóm này chiếm đến 2/3 số chưa có bảo hiểm y tế, tức gần 20 triệu người”- ông Thảo cho biết. Giằng co tiền - quyền lợi Ảnh: 30stm.org Nếu đặt câu hỏi bảo hiểm y tế hiện có hấp dẫn hay không thì tỉ lệ câu trả lời không hấp dẫn không phải là ít. So với năm 2014, số người tham gia bảo hiểm y tế tính đến hết tháng 5-2015 giảm trên 1 triệu người. Một trong những nguyên nhân làm giảm số người tham gia là thủ tục hành chính quá lằng nhằng. Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên kể có lần đi giám sát thực hiện luật, ông thấy tấm biển để trên bàn đại lý bảo hiểm y tế đề: “Bán bảo hiểm y tế vào các ngày thứ ba dến thứ năm”. Cung cách như vậy trái ngược hoàn toàn với những yêu cầu dành cho một đại lý bảo hiểm, vốn cần phải tạo mọi thuận lợi, phải đến từng nhà thuyết phục người dân tham gia bảo hiểm. Sau một đợt kiểm tra tại 12 tỉnh thành của Bộ Y tế vừa qua, đến đâu cũng thấy lỗi phổ biến là đòi người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình phải trình các giấy tờ, thủ tục về người đi vắng trong sổ hộ khẩu/thẻ tạm trú. “Có nơi đòi con ông bà đi học trên thành phố thì thẻ bảo hiểm y tế photo đâu, có nơi còn đòi người ta trình cả giấy ly hôn” - một cán bộ Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết. Từ đầu tháng 6, các thủ tục giấy tờ này đều được bãi bỏ, theo cách mà cơ quan bảo hiểm cho là “đơn giản hóa thủ tục hành chính”. Tuy nhiên, mỗi người bệnh lại có những băn khoăn của riêng mình khi đi khám chữa bệnh. Từ 1-1-2015, Quỹ Bảo hiểm y tế không chi trả cho khám ngoại trú vượt tuyến nữa, mà chỉ chi trả cho người điều trị nội trú vượt tuyến. Như vậy đi khám bệnh mà chạy thẳng lên tuyến trung ương là quỹ không chi trả xu nào. Cũng từ 1-1-2015, các thuốc điều trị ung thư thế hệ mới và các chế phẩm sinh học đắt tiền đã bị cắt giảm mức chi trả so với năm 2014 trở về trước, tức là chỉ chi 30-50% phí. Do phải trả 50-70% chi phí còn lại, mỗi người bệnh phải chi hàng trăm triệu đến cả tỉ đồng/năm - mức mà chỉ những người có thu nhập rất cao chịu đựng được, người về hưu, công chức bình thường, người lao động tự do thì chịu. Vì vậy, dù có “bảo hiểm y tế” nhưng khi bị ốm đau thì rủi ro vẫn còn. Tính đến tháng 3-2015, lũy kế ước tính đến hết năm 2014, Quỹ Bảo hiểm y tế còn kết dư trên 35.000 tỉ đồng, tăng hơn 10.000 tỉ so với năm 2013. Năm 2015, số thu bảo hiểm y tế sáu tháng đầu năm cũng cao hơn nhiều so với số chi. Dù phía bảo hiểm luôn nhắc nhở nguy cơ vỡ quỹ từ khi viện phí điều chỉnh vào năm 2012, nhưng thực tế quỹ vẫn được bảo toàn và luôn tăng phần kết dư, trong khi quyền lợi của người bệnh thì lại được điều chỉnh theo hướng ngày càng chặt chẽ hơn. Muốn bảo hiểm y tế hấp dẫn tự thân, thì bên cạnh chính sách hấp dẫn, thuận lợi với người mua, cần có những gói quyền lợi phù hợp với nhu cầu của họ, đồng thời gia tăng chất lượng dịch vụ y tế. Nếu không, bảo hiểm y tế chỉ hấp dẫn với những người đã ốm đau, phải chi phí cao hoặc nằm viện dài ngày, hoặc bị bắt buộc tham gia, hoặc được Nhà nước cấp thẻ miễn phí. Trong khi mục tiêu năm 2020, 80% người dân có tham gia bảo hiểm y tế và VN có đủ điều kiện tuyên bố thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân đang đến gần. Theo Bảo hiểm xã hội VN, hiện ngoài bảo hiểm y tế bắt buộc được cơ quan, doanh nghiệp hoặc Nhà nước trích ngân sách mua, thì hệ thống đại lý tại cấp xã, phường hiện chủ yếu bán loại bảo hiểm y tế hộ gia đình, bảo hiểm y tế tự nguyện. Theo ông Lê Văn Khảm - phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), thông thường hiện mỗi xã, phường có 1-2 đại lý bán bảo hiểm, nhưng thông tin về chủ trương chính sách đến đại lý rất chậm. Mới đây, dù tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội VN Nguyễn Thị Minh đã ký hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục với người mua bảo hiểm hình thức hộ gia đình, cấp xã, huyện đã biết, nhưng nhiều đại lý vẫn không hay biết (hoặc tảng lờ), tiếp tục yêu cầu nhiều thủ tục gây khó cho người tham gia. Còn đi thực tế xuống các điểm bán mới thấy những ta thán của người dân về cung cách “hành là chính” của nhân viên bán bảo hiểm ở đâu cũng có. Vì thế, ở nhóm bảo hiểm y tế tự nguyện trước đây và nay là bảo hiểm y tế hộ gia đình, chuyện ốm đau mới mua bảo hiểm y tế vẫn rất phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến nguyên tắc hỗ trợ san sẻ lẫn nhau của bảo hiểm. Tags: Bảo hiểm y tếQuỹ bảo hiểm y tếThẻ bảo hiểm y tế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).