05/08/2022 06:29 GMT+7

Bảo hiểm y tế đang 'treo' hơn 1.600 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh

T.DƯƠNG - D.LIỄU - H.HÀ
T.DƯƠNG - D.LIỄU - H.HÀ

TTO - Đến nay tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán đã lên đến 1.601 tỉ đồng.

Bảo hiểm y tế đang treo hơn 1.600 tỉ đồng chi phí khám chữa bệnh - Ảnh 1.

Khu vực thanh toán bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Tại cuộc họp tháo gỡ vướng mắc chi trả bảo hiểm y tế cho các cơ sở y tế, ông Lê Văn Phúc - trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế - cho biết đến nay tổng chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vượt trần thanh toán, vượt dự toán hoặc do một số nguyên nhân khác chưa được quyết toán đã lên đến 1.601 tỉ đồng.

Theo đại diện Bệnh viện Bạch Mai, trong 2 năm dịch COVID-19, bệnh viện này (đơn vị thí điểm tự chủ toàn diện) gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt về tài chính. 

Riêng với việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện có khoảng 26 tỉ đồng với 9 hạng mục chưa được thanh toán bảo hiểm y tế. Trong đó riêng khoản chi phí vượt tổng mức thanh toán năm 2020 là gần 21,8 tỉ đồng.

"Treo" chi trả phí, nhiều bệnh viện gặp khó

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai còn có 3,1 tỉ đồng bị từ chối thanh toán (đối với nội dung xuất toán phẫu thuật mổ Oarm). 

Bệnh viện khẳng định và cam kết tất cả các dịch vụ kỹ thuật trên đã thực hiện cho người bệnh bảo hiểm y tế trong thời gian thí điểm, chờ quyết định phê duyệt chính thức và theo đúng yêu cầu chuyên môn, không lạm dụng, không thu của người bệnh bất cứ chi phí nào thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế.

Ngoài ra, Bệnh viện Bạch Mai cũng nêu 4 nội dung bất cập về cơ chế, chính sách với số tiền đề nghị thanh toán là hơn 1,1 tỉ đồng.

Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Đào Thiện Tiến, giám đốc bệnh viện, cho biết trong quá trình thanh toán bảo hiểm y tế bệnh viện cũng không được quyết toán nhiều hạng mục với rất nhiều lý do. 

"Bệnh viện đã tự chủ hoàn toàn tài chính, bệnh nhân chủ yếu là bệnh nhân bảo hiểm, khi không thanh toán được sẽ gây khó khăn nhiều cho bệnh viện", ông Tiến nói.

Đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết trong quá trình thanh toán chi phí điều trị cho bệnh nhân với bảo hiểm y tế bệnh viện đã gặp một số vướng mắc. 

Những chi phí này bệnh viện đã chi trả cho bệnh nhân nhưng hiện vẫn bị "treo" từ năm 2019 đến nay, chưa được Bảo hiểm xã hội TP thanh toán. 

Bệnh viện đã làm văn bản gửi Bảo hiểm xã hội TP.HCM về những vướng mắc này, nhưng đến nay khoản phí vẫn bị "treo". Đó là những vướng mắc trong thanh toán về dịch vụ kỹ thuật có gây mê, gây tê.

Theo đại diện Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, Bộ Y tế đã ban hành thông tư 39/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc, hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp, trong đó có quy định "giá phẫu thuật đã bao gồm chi phí gây mê hoặc gây tê".

Phần lớn mức giá tại thông tư không quy định dùng phương pháp nào, không có căn cứ tách riêng chi phí gây mê. Tuy nhiên theo công văn 1688 ngày 29-5-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam không đồng ý thanh toán và đã tách riêng chi phí gây mê trong các dịch vụ kỹ thuật.

Trên cổng thanh toán trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tự mã hóa, điều chỉnh giá và bổ sung gần 700 danh mục kỹ thuật phẫu thuật có đuôi GT (xx xxxx xxxx_GT) để áp giá gây tê mức giá thấp hơn gây mê (trong khi bệnh viện sử dụng phương pháp vô cảm là gây mê, phí cao hơn).

Ngoài ra, hiện tại giám định viên không chấp thuận thanh toán một số dịch vụ bệnh viện chỉ sử dụng phương pháp vô cảm là gây tê, tiền mê hoặc mê tĩnh mạch. 

Việc thanh toán một số dịch vụ kỹ thuật chỉ sử dụng phương pháp vô cảm là gây tê, tiền mê hoặc mê tĩnh mạch với mức giá chênh lệch rất nhiều so với giá được quy định tại thông tư 39/2018 của Bộ Y tế, gây khó khăn cho bệnh viện trong đảm bảo cân đối tài chính cũng như quyền lợi của bệnh viện.

Lúng túng máy đặt, mượn, liên doanh liên kết

Từ tháng 5 đến nay, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản không cho phép, cho phép rồi lại không cho phép chi trả phí khám chữa bệnh phát sinh trên máy đặt, mượn tại các bệnh viện công.

Việc này đang đẩy các bệnh viện vào thế khó, bởi trong thời gian ngắn bệnh viện chưa thể và chưa đủ ngân sách đầu tư hệ thống thiết bị y tế, vốn đã dựa vào nguồn "đặt, mượn" từ hơn 10 năm nay. 

Một đại diện lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho hay sau các cuộc làm việc 3 bên (y tế, bảo hiểm, tài chính) vừa qua, hướng tháo gỡ hiện nay là phải có lộ trình trước khi dừng chi trả phí bảo hiểm phát sinh trên máy đặt, mượn để bệnh viện kịp đầu tư và các hợp đồng đã có hết kỳ hạn.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Bạch Mai đề xuất phía bảo hiểm "tháo gỡ" chi trả cho thiết bị liên doanh liên kết tại Bạch Mai, vốn đã "đắp chiếu" trong khoảng 2 năm nay. Trong số này có máy chụp cộng hưởng từ, máy CT 256 lát cắt phục vụ chẩn đoán nhiều chuyên ngành tim mạch, ung thư, bệnh lý nội khoa; các máy chụp PET, thiết bị xạ phẫu, xạ hình trong điều trị ung thư...

"Bệnh viện Bạch Mai đang rất khó khăn, nếu mua sắm ngay các thiết bị này thì ngân sách hiện khó khăn, các cơ quan chức năng đều đã thống nhất cho Bạch Mai mở lại sử dụng nhóm thiết bị liên doanh liên kết, nhưng mở ra mà bảo hiểm không thanh toán thì cũng rất khó vì phần lớn bệnh nhân đến khám, chữa bệnh là bệnh nhân bảo hiểm" - vị lãnh đạo này nói.

Hiện do nhiều thiết bị phải đắp chiếu mà bệnh nhân có chỉ định sử dụng lại rất đông, Bệnh viện Bạch Mai phải chuyển bệnh nhân sang bệnh viện khác chụp chiếu, xạ phẫu xạ hình, nhiều người phải chờ đợi thời gian dài. 

Trong khi nếu được mở lại, riêng máy chụp CT 256 lát cắt mỗi ngày có thể phục vụ hàng chục bệnh nhân, giảm nhanh số bệnh nhân đang phải chờ đợi.

Hôm 3-8, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam và lãnh đạo Bộ Y tế đã cùng chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong chi trả phí bảo hiểm y tế.

Trong khi chờ hướng dẫn, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có công văn 1163 hướng dẫn tạm thời thanh toán chi phí gây tê, gây mê, đảm bảo đủ chi phí thuốc đã dùng trong phẫu thuật của bệnh viện.

Với 1.601 tỉ đồng bị "treo", ông Lê Văn Phúc cho biết đang tích cực phân tích hồ sơ, phân loại xác định chi phí đủ điều kiện thanh toán, báo cáo Hội đồng quản lý quỹ bảo hiểm y tế đưa vào quyết toán chi phí khám chữa bệnh 2021.

Giá dịch vụ y tế hiện cũng là khó khăn của bệnh viện công. Tại cuộc họp 3 bên, giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho hay có 7 yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ y tế, nhưng viện phí hiện lại chỉ thu 4 yếu tố, trong khi các cơ sở y tế (ngoại trừ bệnh viện phong, lao, tâm thần) đều thực hiện tự chủ tài chính. Ông Chỉnh đề nghị Bộ Y tế sớm thực hiện tính lại giá viện phí, giảm sức ép lên cơ sở y tế.

Gỡ khó khăn thanh toán bảo hiểm y tế Gỡ khó khăn thanh toán bảo hiểm y tế

TTO - Không ít loại thuốc bệnh viện đề xuất bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán nhưng lại không được vì không đúng với thông tư 30...

T.DƯƠNG - D.LIỄU - H.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên