Phóng to |
Nhiều chủ xe bức xúc cho rằng dù đã đóng tiền mua bảo hiểm xe cơ giới nhưng khi bị tai nạn thì nơi giải quyết hồ sơ bảo hiểm “yêu sách” đủ thứ, thậm chí đòi tiền. Nếu không “biết điều” sẽ bị làm phiền đủ thứ...
Theo chân các chủ xe cơ giới đến hệ thống Công ty Bảo Minh, PV Tuổi Trẻ nhận thấy có một số nhân viên bảo hiểm đòi người được bồi thường phải “lại quả”, “khung bồi dưỡng” được định giá sẵn với nhiều mức khác nhau. Chẳng hạn hồ sơ được bồi thường 100-200 triệu đồng thì phải “bồi dưỡng” người giải quyết hồ sơ 10%, hồ sơ bồi thường mức thấp từ 1-2 triệu đồng thì mức “bồi dưỡng” phải là 50%. Nhiều chủ xe muốn được giải quyết hồ sơ bồi thường thuận lợi nên phải chấp nhận chi khoản “bồi dưỡng” này...
Luật bất thành văn
Ngày 15-4, chúng tôi đến phòng khai thác bảo hiểm số 5 - Bảo Minh Chợ Lớn thuộc Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (745 Lê Hồng Phong nối dài, phường 12, quận 10, TP.HCM). Ông H., một chủ xe, bức xúc nói: “Tôi nộp hồ sơ xin bồi thường một bên đèn xe bị bể nhưng do không biết cách “bồi dưỡng” nhân viên giải quyết hồ sơ nên đã khá lâu mà chưa được giải quyết. Nay có bạn bè rỉ tai rằng phải có “phết, phẩy”, tôi thử chấp nhận, hóa ra lại được giải quyết ngay”. Ông H. cho biết do không rành thủ tục nên ông nhờ ông T. bạn của ông làm giúp. Ngày 15-4 là ngày ông T. đến nhận tiền bồi thường giúp ông H..
Người giải quyết hồ sơ bồi thường của trường hợp ông H. là anh Phạm Huy Cường. Theo ông T., anh Cường thỏa thuận với ông T. mức bồi dưỡng là 50% trị giá chiếc đèn xe (giá công ty bồi thường là 1,5 triệu đồng).
Tuy nhiên, sau đó anh Cường lại nói sếp của anh không đồng ý mức “bồi dưỡng” 50% như thỏa thuận ban đầu mà yêu cầu phải chi thêm. Giận quá, chủ xe không đồng ý và trả lời “cho công ty luôn”. Sau đó, anh Cường mới đồng ý mức bồi dưỡng như cũ. Sáng 15-4, sau khi ông T. nhận tiền bồi thường 1,5 triệu đồng, tại phòng khai thác số 5 - Bảo Minh Chợ Lớn, chúng tôi ghi được hình ảnh nhân viên Cường ngồi chờ nhận tiền “bồi dưỡng” tại phòng làm việc.
Phóng to |
Chủ xe T. (trái) đang giao tiền “bồi dưỡng” cho anh Cường (nhân viên Bảo Minh Chợ Lớn) - Ảnh: V.HƯƠNG |
Bị hành
Vẫn tại phòng khai thác bảo hiểm số 5 - Bảo Minh Chợ Lớn, chúng tôi ghi nhận được cuộc trao đổi giữa trưởng phòng khai thác bảo hiểm Võ Thanh Hoàng với ông T. (chủ xe 53N-41...).
Điều đáng nói, việc giải quyết hồ sơ bồi thường tai nạn dân sự của xe 53N-41... không thuộc trách nhiệm của phòng khai thác số 5, phòng này chỉ chịu trách nhiệm bồi thường cho những vụ việc có giá trị bồi thường từ 8 triệu đồng trở xuống, từ 8 triệu đồng trở lên thuộc trách nhiệm của công ty chính (Bảo Minh Chợ Lớn - địa chỉ 129 Nguyễn Chí Thanh, P.9, Q.5). Thế nhưng chủ xe T. cho biết qua lời giới thiệu của bạn bè, ông Võ Thanh Hoàng đã nhận trách nhiệm “lo” cho hồ sơ xe 53N-41... từ lúc tai nạn mới xảy ra (tháng 10-2008).
Theo tường thuật của chủ xe T., ngày 10-9-2008 xe của ông (do tài xế N. điều khiển) từ bến xe Bến Lức về Chợ Lớn, khi đến địa phận ngã tư Bình Nhựt (Long An) thì xảy ra tai nạn làm hai người chết và hai người bị thương. Ngay khi tai nạn xảy ra, ông T. báo cáo ngay với Bảo Minh Chợ Lớn. Vì hoàn cảnh khó khăn, chủ xe không có tiền để lo ma chay, thuốc men cho các nạn nhân nên ngày 19-9, trong bản thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường gửi Bảo Minh Chợ Lớn, ông T. có ghi “đề nghị được tạm ứng số tiền ban đầu là 50 triệu đồng để lo cho các nạn nhân”.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 9-2008, hồ sơ của ông vẫn chưa được giải quyết. Lúc này ông phải chấp nhận nhờ ông Võ Thanh Hoàng “lo” giúp. Ngày 30-9-2008, chủ nhiệm HTX V (nơi quản lý xe buýt của ông T.) chuyển đơn xin tạm ứng 100 triệu đồng (thay vì 50 triệu như đơn trước đây của ông T.) về Bảo Minh Chợ Lớn xin giải quyết.
Ông T. cho biết: “Ông Hoàng đòi chủ nhiệm HTX phải đưa bồi dưỡng 10% trên tổng số tiền bồi thường. Nhưng khi Công ty Bảo Minh Chợ Lớn ứng 100 triệu đồng tạm ứng bồi thường, một mặt ông Hoàng đòi HTX chi 10%, mặt khác lại đòi tôi đưa thêm 10% nữa nên tôi không đồng ý”. Cũng theo ông T., do thỏa thuận không thành giữa ông và ông Hoàng, nên ông Hoàng chỉ còn chịu trách nhiệm “lo” phần tạm ứng 100 triệu đồng để giao cho HTX, phần còn lại trên 42 triệu đồng (trong tổng số tiền 142,4 triệu đồng bồi thường thiệt hại về người và tài sản của xe 53N-41...) thì chủ xe phải tự lo.
Theo ông T., khi Bảo Minh Chợ Lớn chuyển 100 triệu đồng tạm ứng cho HTX thì ông Hoàng cũng yêu cầu ngay chủ nhiệm HTX V là ông P. “bồi dưỡng” 10%. Nhắc lại vụ tiền tạm ứng, chủ xe T. kể: “Dù tôi đã chấp nhận đưa tiền cho HTX bồi dưỡng ông Hoàng 10% trong 100 triệu đồng nhưng sau đó tôi vẫn bị ông Hoàng “hành” đi lên đi xuống rất nhiều lần”.
Phóng to |
Nhân viên bảo hiểm Cường (phải) nhận tiền bồi dưỡng - Ảnh: V.HƯƠNG |
“Phết, phẩy”, chuyện bình thường
Trước đó, ngày 14-4, trong một vụ bảo hiểm đèn xe khác, chúng tôi theo ông T.V.T. đến phòng khai thác bảo hiểm số 5 - Bảo Minh Chợ Lớn. Vừa bước vào phòng nghiệp vụ, cán bộ bảo hiểm Phạm Huy Cường chào đón ông T.V.T. rất niềm nở.
Ông T.V.T. nói: “Khổ quá, “sếp” có chịu giải quyết tiền bồi thường chiếc đèn sau xe bị bể của tôi chưa. Hôm trước đòi 50% sau lại đòi lấy 70% tiền bồi thường, làm sao tôi chịu nổi?”. Ông Cường: “Thôi đi, bóp ông đầy tiền mà cứ than khóc hoài. Thôi, ông đưa tôi giấy giới thiệu chiếc xe 53N-55... để lấy tiền bồi thường”. “Nhưng sếp ông có chịu lấy 50% chưa?” - ông T.V.T. hỏi. Ông Cường tươi cười: “Tôi đã nói với ông Hoàng (sếp của ông Cường - NV), sếp đã nghe tôi chịu nhận 50% thay vì ổng lấy 70%”. Ông T. nói: “Tôi nói thiệt đưa 50% tôi còn chấp nhận, chứ đưa 70% thà tôi bỏ luôn”.
Cuộc trao đổi giữa ông T.V.T. và cán bộ bảo hiểm Cường trong căn phòng rộng không quá 30m2 và có ba cán bộ bảo hiểm đang cùng làm việc cho thấy việc “phết, phẩy” tiền bảo hiểm của khách hàng là công khai và diễn ra rất bình thường trong doanh nghiệp bảo hiểm này. Hơn thế nữa, khi dẫn ông T. xuống tầng trệt để nhận 1,2 triệu đồng tiền bồi thường chiếc đèn xe, ông Cường đã “đeo bám” ông T.V.T. cho đến lúc ông T.V.T. nhận xong tiền. Bước ra cửa công ty bảo hiểm để lấy xe gắn máy về nhà, ông T.V.T. chìa cho tôi coi số tiền mà ông còn thực nhận 600.000 đồng và nói: “Thà ít còn hơn không có gì”.
Theo ông Vũ Viết Giáp - giám đốc Công ty cổ phần ôtô số 2 (Q.Tân Phú), thực tế chuyện một số cán bộ các công ty bảo hiểm “phết, phẩy” 10-20% tiền bồi thường của khách hàng là bình thường, có người còn đòi lấy huê hồng đến 50% tiền bồi thường của khách hàng. Theo ông Giáp, có một số công ty bảo hiểm chỉ muốn gặp trực tiếp chủ xe - cổ đông của Công ty cổ phần ôtô số 2 - để lấy huê hồng tiền bồi thường, thay vì họ phải trả tiền bồi thường vào tài khoản công ty để giao lại cho cổ đông.
Ông Nguyễn Trung Kiên - phụ trách pháp chế của HTX xe khách Trung Nam (Q.Bình Thạnh) - cho biết không ít đơn vị bảo hiểm lúc đầu “nói ngon nói ngọt” để thu hút người mua bảo hiểm, nhưng khi xảy ra tai nạn thì người mua bảo hiểm bị bỏ rơi, thậm chí một số cán bộ bảo hiểm còn làm khó thân chủ để kiếm tiền “bồi dưỡng”. Đây là điều không thể chấp nhận.
Một cuộc ngã giá Câu chuyện đòi hỏi nhận tiền bồi dưỡng của trưởng phòng Võ Thanh Hoàng được ghi lại qua đoạn đối thoại giữa ông Hoàng và chủ xe T. tại phòng khai thác bảo hiểm: - Đưa người khác làm tới một tháng, đưa tui làm nhanh gấp 10 lần. Sao không hỏi tui? (Ông Hoàng nói) - Bữa hổm ông kêu tui đưa tiền trước thêm 10%, tui khổ lắm rồi, tiền đâu đưa trước. (Ông T. trả lời) - Đó là tui kêu ông P. đưa chứ kêu gì ông đưa? - Thì do ông đã đòi 10%, HTX phải đưa. Ông P. đưa rồi, ông lại đòi tui đưa thêm 10% nữa. - Bên đây tui không có đòi hỏi gì đâu đó nghen chưa?... Thôi không nói gì đến chuyện đó nữa. - Vụ cái đèn xe ông đòi 50%, ông còn đòi thêm? - Cái đèn trước hả? Cái đó tui nói thằng Cường mày lấy bao nhiêu thì lấy. Trị giá cái đèn đó bao nhiêu? Nó lấy của ông bao nhiêu? - Cái đèn đó là một triệu hai, nó lấy sáu trăm. Cái đèn xe vừa rồi tôi nhận tiền giúp chủ xe 53N-56... là một triệu rưỡi, nó cũng lấy 50%. - Vậy ông biết cái đó giá thị trường bao nhiêu không? - Ai biết, cái đèn xe của tôi, tôi thấy hóa đơn xuất triệu hai thì biết triệu hai thôi. - Giá trị trường chỉ sáu trăm tới sáu trăm rưởi thôi. - À, có nghĩa giá thị trường sáu trăm rưởi thôi mà mấy ông đưa hóa đơn cao lên, phần đó để mấy ông lấy chứ gì. Ờ, nói vậy thì bữa sau tui biết tui không thắc mắc nữa. - Nói vậy biết thôi, đừng nói tùm lum... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận