Hành nghề y lâu năm, ông Vũ Mạnh Tiến, trú Vĩnh Phúc, mới tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 3 năm. Ban đầu, ông ngần ngại tham gia giống nhiều người do nghĩ số năm đóng để nhận lương hưu dài, chế độ chưa hấp dẫn...
Lo thời gian chờ hưởng lương hưu lâu
Sau đó, theo ông Tiến, ông cũng ngần ngại không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện vì nghĩ phải đóng thời gian rất dài (ít nhất 20 năm) mới được hưởng lương hưu. Tuy vậy, cán bộ bảo hiểm xã hội và bưu điện giải thích rõ thẻ bảo hiểm y tế thanh toán tới 95%, người thân hưởng tiền tuất khi qua đời, lương hưu đủ sống khi về già, ông quyết định tham gia.
Trong khi đó, chị Hiền, 28 tuổi, lao động tự do, cho biết bản thân không lựa chọn đóng bảo hiểm tự nguyện vì khi sinh em bé, chị không được hỗ trợ tiền thai sản mặc dù mức đóng không thấp. Do vậy, chị cho rằng nếu có thêm chế độ như bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều người sẽ chọn đóng tự nguyện hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Đặng Thị Phượng - giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc - cho hay địa phương gặp khó khăn trong vận động lao động tự do, người làm nông nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nguyên nhân là một bộ phận có thu nhập thấp, không ổn định, cạnh đó thời gian đóng dài nên nhiều người băn khoăn chưa tham gia.
Nắm bắt tâm lý đó, cán bộ bảo hiểm xã hội phải đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền, giải thích chính sách.
Theo bà Phượng, để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ, tỉnh Vĩnh Phúc bổ sung kinh phí theo nghị quyết 03/2020 ngày 17-10-2020 của HĐND tỉnh.
Cụ thể, người tham gia bảo hiểm tự nguyện như hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng khác được hỗ trợ từ 10 - 30% mức đóng hằng tháng theo hộ nghèo của khu vực nông thôn áp dụng trong từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến, giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Phúc Yên đề xuất giảm thời gian tối thiểu đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm xuống còn 15 năm và bổ sung chế độ thai sản cho lao động tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội
Chiều 2-11, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với Quốc hội. Trong đó, quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp bổ sung chế độ thai sản và giảm số năm đóng tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Báo cáo đánh giá tác động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nêu: Năm 2016, số tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng 203.000 người song đến năm 2022, con số này tăng lên 1,46 triệu người (tương ứng tăng gần 620% so với năm 2016).
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nếu ngân sách nhà nước không hỗ trợ, đến năm 2030, trên 16 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Trong khi đó, hết năm 2022, chỉ có 35% người nghỉ hưu có lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng hoặc trợ cấp hưu trí xã hội, tương ứng 5,1 triệu người.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến tháng 11-2023, số người tham gia bảo hiểm xã hội hơn 17,5 triệu người, tăng 1,99% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hơn 1,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng hơn 10%. Tuy vậy, cơ quan này nhận định tỉ lệ người đóng giảm ở một số nơi vì tình hình suy giảm sản xuất kinh doanh, thay đổi mức đóng tự nguyện...
Để khắc phục, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị ngành tập trung giải pháp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ thêm cho các nhóm yếu thế, bám sát kịch bản thu, linh hoạt tình hình địa phương...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận