
Bảo hiểm xã hội khu vực II (địa bàn TP.HCM) khuyến cáo người dân kiểm tra kết nối Internet khi sử dụng VssID - Ảnh: HÀ QUÂN
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, nhiều bạn đọc cho biết gặp vướng mắc về việc cập nhật căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công để làm thủ tục bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, người dùng không rõ khi nào hồ sơ mới được duyệt, trạng thái của hồ sơ đã đến bước nào.
Có người cho rằng mã OTP có hiệu lực trong thời gian ngắn (khoảng 5 phút), trong khi nhiều tài khoản email nhận được mã sau 10 phút, tức mã OTP cũ đã hết hạn.
Ngoài ra, có bạn đọc mong muốn cập nhật căn cước công dân hoặc định danh cá nhân qua phương thức khác thay vì Cổng dịch vụ công.
Bảo hiểm xã hội nói gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội hiện chưa cung cấp tính năng theo dõi trực tiếp trạng thái xử lý hồ sơ cập nhật căn cước công dân.
Để kiểm tra, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương hoặc tổng đài hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 để được thông tin chi tiết.
Tại một số thời điểm, hệ thống có thể đang bị quá tải, nên việc nhận OTP chậm hơn bình thường.
Nếu gặp tình trạng mã OTP hết hạn do nhận chậm thì có thể thử một số cách sau:
1. Kiểm tra và đảm bảo kết nối Internet ổn định.
2. Không thực hiện lấy OTP liên tục. Hãy chờ sau khoảng 10-15 phút thì thực hiện lại, để đảm bảo OTP mới nhất.
3. Nếu hộp thư đến (Inbox trong email) chưa thấy mã OTP thì kiểm tra thêm tại mục "Thư rác" (Spam hoặc Junk) trong email.
4. Liên hệ tổng đài hỗ trợ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam 1900.9068 (trong giờ hành chính) để được trợ giúp.
Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa cập nhật số căn cước công dân/số định danh cá nhân thì có thể cập nhật thông tin qua đơn vị sử dụng lao động.
Sau đó tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động lập hồ sơ điện tử 608 (đính kèm giấy tờ chứng minh, bản chụp căn cước công dân) hoặc thông báo số định danh cá nhân của người lao động gửi về cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý để cập nhật.

Các cách cấp lại mật khẩu tài khoản VssID tự động - Ảnh: BHXH TP.HCM
Một số lỗi phổ biến khi dùng VssID
Bảo hiểm xã hội TP.HCM cũng lưu ý các lỗi phổ biến và cách khắc phục như sau.
1. Nếu quên mật khẩu đăng nhập VssID. Người dùng có thể dùng tài khoản VNeID (đã định danh mức 2) để đăng nhập trên ứng dụng VssID và Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/.
2. Nếu tài khoản đã có cập nhật địa chỉ email thì vào phần "Quên mật khẩu" trên ứng dụng VssID và Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn/. Sau đó người dùng nhập "Tên đăng nhập" là mã số bảo hiểm xã hội và email để nhận lại mật khẩu.
Bên cạnh đó, khi quên mật khẩu VssID, người dân có thể gọi tổng đài 1900.9068 để nhận hỗ trợ của trợ lý ảo thông minh (cước phí nhà cung cấp dịch vụ 1.000 đồng/phút).
Đầu tiên, người lao động gọi đến tổng đài trên bằng số điện thoại đã đăng ký tài khoản VssID và nhấn phím theo hướng dẫn. Sau đó, trợ lý ảo sẽ yêu cầu đọc mã số bảo hiểm xã hội.
Sau khi đọc đúng mã số bảo hiểm xã hội, hệ thống sẽ đọc mật khẩu VssID mới, mật khẩu nhắc lại 1 lần.
Trường hợp đọc không đúng mã số, trợ lý ảo sẽ thông báo "số điện thoại và mã số bảo hiểm không khớp hoặc chưa đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội".
Trường hợp không nhận được mã OTP, người dùng có thể kiểm tra mục Thư rác (Spam hoặc Junk) trong email và đảm bảo kết nối mạng ổn định hoặc liên hệ tổng đài 1900.9068 để được hỗ trợ.
Về lỗi hệ thống hay xác thực dịch vụ công, người dùng cần thử lại sau một khoảng thời gian. Nếu vẫn gặp lỗi, người dân cần liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương để được hỗ trợ.
Trường hợp người dân gặp vướng mắc có thể tới Bảo hiểm xã hội TP.HCM tại số 5 Nguyễn Đổng Chi, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM.
Số điện thoại: 02839.979.039. Fax: 02839.979.010. Email: [email protected]. Zalo: zalo.me/1728260525386650291. Fanpage: www.facebook.com/hcmbhxh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận