Câu chuyện ồn ào xoay quanh điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 tạm khép lại khi Chính phủ chính thức cam kết sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi điều luật này. BHXH cần thể hiện là vai trò trợ giúp cho người lao động khi họ mất việc - Ảnh: Thanh Đạm ĐIỂM TIẾN BỘ Nhiều khả năng điều luật gây tranh cãi sẽ được sửa theo hướng thừa nhận cho người lao động quyền lựa chọn, khi chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, giữa nhận trợ cấp theo chế độ bảo hiểm xã hội trong một lần hoặc bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Với câu chữ hiện tại, điều luật chỉ cho phép người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần, khi chấm dứt hợp đồng lao động, trong một số trường hợp đặc biệt mà việc tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội là không khả thi. Không thuộc những trường hợp đó, người lao động nghỉ việc phải bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, khi nào có việc làm mới thì đóng tiếp để thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được tiếp tục cộng dồn. Nếu bảo hiểm xã hội chỉ có nghĩa là lương hưu hoặc khoản tiền bảo hiểm được chi trả một lần khi thôi việc, như một cách bù đắp thu nhập bị mất do không có việc làm, người lao động bức xúc là đúng. Đại đa số người lao động hiện nay có thu nhập thấp, không có tích lũy đáng kể. Trong trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa đủ điều kiện để hưởng chế độ hưu trí và cũng không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, theo Luật bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động nhận được khoản tiền bảo hiểm xã hội một lần. Đối với nhiều người lao động, khoản tiền này thật sự là một số vốn quan trọng có thể tạo điều kiện cho họ vượt qua khó khăn, đồng thời xây dựng và thực hiện các kế hoạch làm ăn sinh sống của riêng mình. Với quy định mới, người lao động mà chưa tham gia bảo hiểm xã hội đủ thời gian để hưởng lương hưu, khi thôi việc sẽ có thể lâm vào tình cảnh sống thiếu thốn do không thể nhận được gì từ quỹ bảo hiểm xã hội. Thậm chí, nếu không tìm được việc làm mới trong thời gian thích hợp, họ có nguy cơ đối mặt với đói nghèo. Nhưng thật ra ngoài lương hưu, bảo hiểm xã hội còn bao gồm những phúc lợi khác như chế độ chăm sóc y tế khi ốm đau, đặc biệt là do bệnh nghề nghiệp hoặc tai nạn lao động, chế độ thai sản... VAI TRÒ TRỢ LỰC Trong giai đoạn giao thời, có thể tạm thừa nhận cho người lao động nghỉ việc mà chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu quyền lựa chọn giữa nhận bảo hiểm xã hội một lần hoặc bảo lưu thâm niên đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, luật phải làm rõ ý nghĩa pháp lý của việc bảo lưu: người tham gia bảo hiểm không được hưởng lương hưu trong thời gian bảo lưu, nhưng người này vẫn được hưởng tất cả các phúc lợi khác một cách bình thường. Ở các nước, chế độ bảo hiểm xã hội còn cho phép người lao động nhận được trợ cấp thuê nhà ở, trợ cấp đi lại, nói chung các khoản trợ cấp mang ý nghĩa tiếp sức người tham gia bảo hiểm trong việc giải quyết các vấn đề gắn với nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Trong điều kiện tiền lương cao, giá thành các dịch vụ rất đắt đỏ, nếu không có sự trợ lực của quỹ bảo hiểm xã hội, người lao động có thu nhập trung bình chắc chắn không thể chi trả mọi thứ cần thiết cho cuộc sống của mình. Nói cách khác, bảo hiểm xã hội ở các nước đối với người lao động, và nói chung mọi người dân, là chiếc nôi, đồng thời cũng là lá chắn bảo hộ chống lại những rủi ro, hiểm họa không thể lường trước trong cuộc sống. Quay lưng, đoạn tuyệt với bảo hiểm xã hội được coi là thái độ “ly khai” nguy hiểm, có thể đẩy con người vào tình trạng mất khả năng thanh toán, dẫn đến bần cùng, thậm chí đến chỗ chết. Chế độ bảo hiểm xã hội đang vận hành ở Việt Nam chưa đủ sức đảm đương vai trò bảo bọc đối với người lao động như ở các nước. Tuy nhiên, hệ thống bảo hiểm xã hội đang dần được hoàn thiện theo các tiêu chí không khác mấy so với các nước. Đến một lúc nào đó, bảo hiểm xã hội ở Việt Nam cũng sẽ thật sự là chỗ dựa, là người bạn đồng hành đáng tin cậy của người lao động và việc tham gia bảo hiểm xã hội liên tục sẽ được coi là việc đương nhiên, không do dự. Một khi hệ thống bảo hiểm xã hội được hoàn thiện với các phúc lợi được đa dạng hóa về loại hình và cải thiện khả quan về chất lượng, thì sức hấp dẫn của bảo hiểm xã hội đối với con người sẽ gia tăng. Khi đó, chẳng ai lựa chọn con đường thoát ly với bảo hiểm xã hội để rồi tự mình dấn thân, đương đầu với những chi phí cao ngất trong cuộc sống. Tags: Bảo hiểm xã hội
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Quyền lực của tỉ phú Elon Musk lớn cỡ nào? DUY LINH 23/12/2024 Sự kết hợp giữa tỉ phú Elon Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những cơn sóng làm chao đảo chính trường Mỹ.
Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025: Đồng hành với thí sinh trong cuộc chơi mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Sáng nay 20 độ C, người dân TP.HCM khoác áo ấm ra đường LÊ PHAN 23/12/2024 Sáng nay 23-12, thời tiết TP.HCM lạnh, nhiệt độ giảm mạnh, người dân cảm nhận được cái lạnh rõ rệt dù trời có nắng.