Ông Phạm Trọng Bình (54 tuổi, quận Bình Thạnh, TP.HCM) làm thủ tục đăng ký nhận lương hưu tại Bảo hiểm xã hội TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa |
* Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Đoàn luật sư TP.HCM):
Quản lý chưa đồng bộ
Quy trình giải quyết thủ tục BHXH hiện nay phức tạp một phần là do việc quản lý thông tin BHXH còn chưa đồng bộ.
Có nhiều nơi đã đưa dữ liệu BHXH quản lý bằng phần mềm nhưng nhiều nơi khác lại chưa thực hiện nên việc quản lý hiện nay là song song, vừa trên sổ sách vừa áp dụng công nghệ thông tin quản lý.
Điều này dẫn đến chuyện có thể có sai sót, như một người có thể được cấp hai số BHXH hoặc người lao động phải đi lại nhiều lần để làm việc trực tiếp với cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, một số thủ tục như bảo hiểm thất nghiệp vẫn yêu cầu người lao động phải lên trình diện hằng tháng để cơ quan BHXH xác nhận và chuyển trợ cấp từng tháng là chưa thể thay đổi được.
Theo tôi, trong thời gian tới BHXH phải đẩy mạnh việc quản lý bằng phần mềm liên thông, triển khai quản lý trực tuyến trên toàn quốc.
Đặc biệt hiện nay Luật hộ tịch cũng quy định về việc cấp thẻ căn cước công dân, nếu có thể đồng bộ được mã số BHXH cùng với thẻ căn cước cho mỗi người dân thì sẽ vừa quản lý được về mặt con người vừa quản lý được về mặt an sinh xã hội, thụ hưởng các chính sách BHXH.
Khi đó chỉ cần theo dõi trên hệ thống sẽ biết được người lao động có đang còn làm việc hay đã tìm được việc làm mới thông qua việc họ có đang được công ty, tổ chức nào đóng BHXH hay không. Việc cấp mã số, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý cũng sẽ tạo thuận lợi cho cả quá trình đăng ký, thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế.
Đối với một số rủi ro của người lao động như bị công ty nợ, trốn đóng BHXH, trước hết cơ quan chức năng tại địa phương cụ thể là phòng lao động, liên đoàn lao động quận, huyện phải có hỗ trợ, có thể là dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ người lao động, sau đó tập hợp ý kiến người lao động để làm các thủ tục khởi kiện đòi lại quyền lợi cho họ chứ không thể bỏ mặc họ tự xoay xở.
* Ông Nguyễn Đăng Tiến (phó giám đốc BHXH TP.HCM):
Thực hiện liên thông dữ liệu và giao dịch điện tử
Việc tiếp nhận hồ sơ hưởng và ra quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp thuộc trách nhiệm của ngành lao động - thương binh và xã hội, BHXH làm nhiệm vụ thu và chi trả.
Thực tế, để có thể bảo đảm việc tiếp nhận và giải quyết trợ cấp thất nghiệp với khối lượng lớn (bình quân khoảng 100.000 người/năm) một cách nhanh chóng, kịp thời, ngành lao động - thương binh và xã hội và BHXH đã tổ chức liên thông dữ liệu nhằm giảm bớt thời gian, bảo đảm tính chính xác trong tính toán mức hưởng trợ cấp của người lao động.
Tất cả thủ tục đều được tập trung xử lý tại trung tâm giới thiệu việc làm và các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp, giảm rất nhiều thời gian phải đi lại của người lao động và giữa trung tâm giới thiệu việc làm và cơ quan BHXH.
Hằng năm, BHXH phải xử lý thông tin của hơn 10.600.000 lượt lao động. Hiện nay, cách thức chủ yếu để cải cách thủ tục hành chính, giảm số giờ giao dịch của các doanh nghiệp, lượng khách đến trực tiếp BHXH là đề nghị các đơn vị giao dịch điện tử (dùng chữ ký số).
Khi thực hiện giao dịch điện tử đơn vị sẽ tiết kiệm được thời gian đi lại và chờ đợi nộp hồ sơ, đồng thời đơn vị có thể kiểm tra được thông tin xử lý hồ sơ của cơ quan BHXH TP qua phần mềm ngay tại đơn vị. Việc giao dịch điện tử và nộp hồ sơ qua bưu điện giúp đơn vị giảm được trung bình hơn hai giờ giao và nhận cho một lượt hồ sơ tại cơ quan BHXH.
Đây cũng là giải pháp ngăn chặn khá triệt để tình trạng gây khó khăn, nhũng nhiễu của viên chức trong ngành đối với đơn vị.
Đối với tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, chiếm đóng BHXH gây khó khăn cho người lao động, Bộ luật hình sự có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 đã quy định người sử dụng lao động có thể bị phạt tù nếu đã bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Mặt khác, cơ quan BHXH đã và đang phối hợp hết sức chặt chẽ với ngành lao động - thương binh và xã hội, tổ chức công đoàn, UBND các cấp tăng cường thanh tra, kiểm tra, khởi kiện ra tòa các doanh nghiệp vi phạm nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về chậm đóng, trốn đóng BHXH... để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người lao động.
* Bà Nguyễn Thị Diệu (53 tuổi, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình, quê Hà Nam): Tôi mong không phải đi nhiều lần Tôi làm công nhân may, đã đóng BHXH 16 năm, mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng công ty giảm biên chế nên bị cho nghỉ việc. Lớn tuổi, không xin việc ở đâu được nữa nên tôi về quê Hà Nam. Tuy nhiên, để lãnh trợ cấp thất nghiệp, được khoảng bảy tháng, hằng tháng tôi phải vào TP.HCM để đến trình báo ở chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp. Tôi nghĩ rằng việc hằng tháng phải có mặt để xác nhận chưa có việc làm nhằm hưởng trợ cấp thất nghiệp là thủ tục có thể giảm để người dân bớt đi lại, nhất là người ở xa như tôi. Bởi vì nếu người thất nghiệp có việc làm mới, được công ty mới đóng BHXH thì BHXH tra trên hệ thống sẽ phát hiện ra liền và cắt trợ cấp ngay. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận