
Các sản phẩm bảo hiểm bán trên kênh online rất đa dạng, thuận tiện tiếp cận nhóm khách hàng rành công nghệ - Ảnh: AI
Thị trường bán bảo hiểm trên nền tảng online đang nở rộ, với sự bắt tay của nhiều doanh nghiệp lớn. Với quy trình đơn giản và tiện lợi, khách hàng dễ dàng sở hữu các sản phẩm bảo hiểm từ nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên, cần cẩn trọng để các quyền lợi được đảm bảo.
Đua bán bảo hiểm online
Chị Trần Thanh Thảo (28 tuổi, ngụ TP.HCM) chia sẻ đã có thói quen mua bảo hiểm bắt buộc xe máy trên ví điện tử MoMo, thay vì phải chạy tới gặp trực tiếp người bán hàng. "Nếu cảnh sát giao thông có hỏi, tôi thường mở ví MoMo và trình giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử", chị Thảo nói.
Theo ghi nhận, các sản phẩm bảo hiểm bán trên ví điện tử hiện rất đa dạng, mức phí từ vài chục ngàn đến gần 1 triệu đồng, nổi bật gồm: bảo hiểm xe máy bắt buộc, bảo hiểm và cứu hộ xe máy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô, bảo hiểm vật chất ô tô, bảo hiểm tai nạn cá nhân và bảo hiểm du lịch.
Với thương vụ này, phía ví điện tử chịu trách nhiệm phân phối, còn các hãng bảo hiểm như PVI, Cathay, GIC, Liberty, MIC giữ vai trò giải quyết khiếu nại và bồi thường.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ cũng đua đưa sản phẩm lên các ứng dụng của nhiều ngân hàng lớn. Như đầu năm 2025, Vietcombank cho biết khách hàng có thể mua bảo hiểm sức khỏe của hãng FWD chỉ với vài thao tác qua ứng dụng VCB Digibank.
Vietcombank cũng hợp tác PJICO để bán nhiều sản phẩm phi nhân thọ trên ứng dụng ngân hàng như: bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe máy, bảo hiểm trách nhiệm dân sự xe hơi. Khách dễ dàng thanh toán trực tuyến ngay trên VCB Digibank.
Bảo hiểm PTI cũng tận dụng hệ sinh thái của TPBank, từ đó phối hợp với HIVE By Income - một trong những công ty bảo hiểm hỗn hợp hàng đầu tại Singapore - ra mắt sản phẩm bảo hiểm tích lũy, tích hợp với các giao dịch trực tuyến của ngân hàng.
Hay ngay từ ba năm trước, Manulife Việt Nam đã kết hợp với VietinBank để ra mắt sản phẩm bảo hiểm chăm sóc sức khỏe mang tên "Max - Sống khỏe" trên ứng dụng VietinBank iPay Mobile. Công ty bảo hiểm cho rằng thương vụ này giúp hơn 10 triệu khách hàng hiện hữu của VietinBank có thêm cơ hội tiếp cận các giải pháp bảo hiểm với mức chi phí hợp lý.
Sàn thương mại điện tử với "bảo hiểm mini"
Hiện nay khi truy cập vào nhiều sàn thương mại điện tử, bên cạnh các loại thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng... khách hàng còn có thể mua bảo hiểm.
Điển hình, chỉ cần vô ứng dụng Shopee và bấm từ "bảo hiểm", lập tức hiện ra nhiều lựa chọn, khách thuận tiện mua bảo hiểm tai nạn cá nhân của MSIG Việt Nam và PVI. Sàn này còn lồng ghép bán nhiều loại bảo hiểm khá lạ: bảo hiểm thời trang mẹ và bé, bảo hiểm thời trang, bảo hiểm bảo vệ người tiêu dùng, bảo hiểm rơi vỡ màn hình, bảo hiểm thiết bị điện tử...
Giá thành xấp xỉ gần 300 đồng đến 29.500 đồng/sản phẩm bảo hiểm, kèm lượng khách đông đảo, Shopee có lợi thế để mang về thu nhập tốt từ mảng bảo hiểm.
Sàn này đã thiết lập mặc định, khách dễ dàng mua "bảo hiểm mini" khi thao tác đến mục "thanh toán". Chẳng hạn, khi mua một chiếc váy có giá 1,2 triệu đồng, sàn cài sẵn mục "bảo hiểm thời trang" giá 12.000 đồng, khách có thể tick vào để mua.
"Tôi thường xuyên mua bảo hiểm mini trên Shopee, nhưng chưa khiếu nại bao giờ. Nhìn chung giá vừa phải. Điều khoản khá dài, tôi chỉ đọc phần tóm tắt. Số tiền bỏ ra không nhiều, nên nếu gặp vấn đề tôi cũng chưa chắc khiếu nại tới cùng", chị Bích Ngân (22 tuổi, TP.HCM) nói.
Trong khi đó, sàn Tiki cũng hợp tác toàn diện độc quyền với AIA, hướng đến hỗ trợ chi phí y tế khi khách hàng bị tai nạn, nằm viện...
Thận trọng trước bảo hiểm online
Bà Hồ Thị Ngọc Như, Học viện Bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính (IFRM), nhìn nhận các sản phẩm bảo hiểm vi mô, "bảo hiểm mini" với giá bán vừa phải, khách hàng hoàn toàn có thể tiếp cận để mua, tăng sự thuận tiện.
Tuy nhiên, bảo hiểm là sản phẩm tài chính đặc biệt. Trong quá trình mua trực tuyến (không có đại lý là con người tư vấn), khách cần chủ động đọc và hiểu rõ các điều khoản. Bà Như cũng lưu ý người mua nên thận trọng, điền đầy đủ, chính xác và trung thực các thông tin.
"Có thể mua bảo hiểm online với các sản phẩm ngắn hạn, đơn giản, quyền lợi rõ ràng. Các sản phẩm dài hạn, giá trị cao, điều khoản phức tạp, cần được tư vấn kỹ, với sự tham gia trực tiếp giữa đại lý, chuyên gia và khách hàng", bà Ngọc Như nêu quan điểm.
Từ góc nhìn của một công ty bảo hiểm công nghệ, ông PeterTay, giám đốc chuyển đổi số của Income Insurance Limited (Singapore), nhìn nhận dựa trên nhân khẩu học của Việt Nam, cơ hội phát triển của bảo hiểm "số" là rất lớn.
Chuyển đổi số có thể mang lại nhiều lợi ích nếu được triển khai đúng cách. Giúp đơn giản hóa nhiều quy trình bảo hiểm truyền thống, giảm thiểu can thiệp thủ công và lỗi của con người. Từ đó giúp phục vụ khách hàng hiệu quả hơn và giảm chi phí vận hành.
Thời gian gần đây nhiều khách hàng cho biết sa vào bẫy lừa, mất tiền khi mua bảo hiểm thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Chị Lâm (Đà Nẵng) chia sẻ vừa rồi có tìm mua vé máy bay online, thấy trên một trang Facebook để giá tốt nên tìm đến. Đến khi chuyển tiền, phía bán hàng lại yêu cầu chị phải mua thêm "bảo hiểm chuyến bay" mới được xuất vé. Nhận ra đã bị lừa, chị phản ứng, lập tức bị chặn tin nhắn, không thể liên lạc.
Trong khi đó, nhiều công ty bảo hiểm khuyến cáo người tiêu dùng nâng cao ý thức cảnh giác khi thanh toán - mua bảo hiểm online.
Có trường hợp khách hàng bị mất tiền do các đối tượng lập trang Facebook, tài khoản Zalo, với tên "bảo hiểm hàng hóa" rồi lừa đảo, tung đường link và hướng dẫn nhập mã để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
* Ông PeterTay (giám đốc chuyển đổi số của Income Insurance Limited):
Đảm bảo sự minh bạch cho khách hàng

Ông PeterTay (giám đốc chuyển đổi số của Income Insurance Limited)
Trí tuệ nhân tạo và máy học đang đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong nhiều khía cạnh của quy trình bảo hiểm.
Ví dụ như đánh giá dữ liệu lịch sử hoặc nhu cầu của khách hàng dựa trên thông tin thu thập được cũng như hành vi của họ, góp phần nâng cao trải nghiệm của khách hàng.
Khi thiết kế bảo hiểm, việc nghiên cứu hành trình trải nghiệm của khách hàng cũng quan trọng không kém gì các quyền lợi của sản phẩm.
Tuy nhiên, then chốt vẫn là sự minh bạch. Cần phải cung cấp cho người tham gia bảo hiểm khả năng kiểm soát các thông tin mà họ yêu cầu. Điều này tránh sự mập mờ, có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của khách hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận