20/09/2013 07:21 GMT+7

Bảo hiểm cháy nổ "chê" chợ?

Ông PHAN THANH HÀ
Ông PHAN THANH HÀ

TT - Mặc dù bảo hiểm cháy nổ là loại hình bảo hiểm bắt buộc, nhưng phần lớn các chợ và trung tâm thương mại hiện nay đều không tham gia. Hậu quả là khi xảy ra sự cố cháy nổ, hầu hết tiểu thương đều trắng tay.

qrxvqkna.jpgPhóng to
Tiểu thương đến UBND tỉnh Hải Dương bày tỏ bức xúc vì cho rằng công tác chữa cháy chậm trễ - Ảnh: ĐỨC BÌNH

Nhiều công ty bảo hiểm cho biết có những nguyên nhân khiến loại hình bảo hiểm cháy nổ (BHCN) chưa được quan tâm nhiều, trong đó có sự thờ ơ từ phía doanh nghiệp bảo hiểm, ban quản lý chợ, tiểu thương...

Khó bán do thủ tục bồi thường phức tạp

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cho biết dù vẫn thường xuyên khảo sát, giới thiệu các sản phẩm BHCN tại các chợ và trung tâm thương mại, nhưng ngay cả sản phẩm bảo hiểm bắt buộc cũng không bán được, chưa nói đến bảo hiểm tự nguyện. Theo ông Phan Thanh Hà - trưởng phòng bảo hiểm cháy và kỹ thuật Công ty bảo hiểm Bảo Việt, đến nay công ty chưa có một khách hàng nào là tiểu thương mua sản phẩm BHCN. “Khi được nhân viên tiếp cận thì tiểu thương từ chối ngay vì cho rằng nhân viên bảo hiểm mang xui rủi đến” - ông Hà nói.

“Để bảo vệ an toàn, phòng tránh trường hợp có tổn thất xảy ra thì mua bảo hiểm chỉ là một giải pháp, nếu họ không thực hiện các biện pháp trên thì thiệt hại xảy ra sẽ là rất lớn. Điều quan trọng là phải nâng cao ý thức của tiểu thương, đồng thời cơ sở hạ tầng cần được nâng cấp, ban quản lý cần yêu cầu các tiểu thương nâng cao trách nhiệm trong việc phòng tránh rủi ro cháy nổ”.

Tuy nhiên, theo các công ty bảo hiểm, một trong những yêu cầu đầu tiên để được mua sản phẩm BHCN là bản thân các chợ phải đảm bảo các điều kiện về an toàn cháy nổ, có giấy chứng nhận của cơ quan phòng cháy chữa cháy. “Nếu chợ không đảm bảo điều kiện an toàn cháy nổ thì cho dù có nhu cầu chúng tôi cũng không bán được” - giám đốc một công ty bảo hiểm khẳng định. Ngoài ra, theo vị giám đốc này, tại nhiều chợ tiểu thương thường chất nhiều hàng hóa không khoa học, bố trí, sắp xếp kinh doanh tại các chợ chưa hoàn toàn hợp lý, nguy cơ xảy ra cháy nổ cao. Những yếu tố đó cộng với thói quen thắp nhang, cúng ngay bên trong quầy hàng làm các công ty bảo hiểm không thể bán bảo hiểm.

Không chỉ gặp khó về điều kiện an toàn cháy nổ, theo các công ty bảo hiểm, thói quen kinh doanh không ghi chép đầy đủ, không hóa đơn chứng từ... của tiểu thương tại các chợ cũng là yếu tố khiến cho sản phẩm BHCN chưa được các chợ chào đón. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, ban phát triển kinh doanh Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Bưu điện (PTI), cho biết theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ được bồi thường dựa trên các hóa đơn chứng từ hợp lệ. Do đó khi xảy ra sự cố, nếu các tiểu thương không có đủ hóa đơn chứng từ hợp lệ để chứng minh thiệt hại thì khó được giải quyết bồi thường.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, phó giám đốc ban bảo hiểm tài sản kỹ thuật Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, cho biết nhân viên công ty đã đi chào mời khá nhiều chợ, trung tâm thương mại đến các ban quản lý, tiểu thương... nhưng vấn đề mắc mứu lớn nhất chính là số liệu tài chính, mua bán hàng hóa không thể minh bạch và chứng minh được lượng hàng hóa còn tồn trong gian hàng của khách hàng. Do đó khi được tư vấn, nhiều tiểu thương và bản thân ban quản lý các chợ cũng e ngại, không quan tâm đến sản phẩm BHCN, bởi họ không đảm bảo việc lưu giữ đầy đủ giấy tờ, hóa đơn chứng từ như yêu cầu.

Không mặn mà vì phí bảo hiểm thấp, rủi ro cao

Ông Phạm Trường Khánh - giám đốc marketing Công ty bảo hiểm Liberty - khẳng định mức phí BHCN theo quy định không cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều công ty bảo hiểm không mặn mà với BHCN tại các chợ hay trung tâm thương mại. “Khi giới thiệu sản phẩm BHCN tại các chợ, nhân viên bảo hiểm chỉ chào mời với ban quản lý gói sản phẩm chung chứ ít khi chào mời từng tiểu thương vì chi phí sản phẩm này khá thấp, tỉ lệ hoa hồng không hấp dẫn” - ông Khánh khẳng định.

Theo tính toán của ông Khánh, với một gói sản phẩm BHCN trị giá 30 tỉ đồng, mức phí bảo hiểm chỉ vào khoảng 90 triệu đồng và nhân viên bảo hiểm được hưởng 5% mức phí, tức chỉ có khoảng 4,5 triệu đồng. Nhưng để ký được hợp đồng BHCN tại các chợ, nhân viên bảo hiểm phải thuyết phục được ban quản lý chợ tham gia. Chưa hết, bản thân ban quản lý cũng phải đi thuyết phục từng tiểu thương vì chính tiểu thương là người nộp phí. Đây là việc không dễ dàng, đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian và công sức của cả nhân viên bảo hiểm cũng như ban quản lý chợ.

Nhưng không thể tự nhiên ban quản lý bỏ công sức đi thuyết phục từng tiểu thương tham gia, nên khoản phí mà nhân viên bảo hiểm nhận được có khi còn thấp hơn. Trong khi đó, để bán bảo hiểm cho một ôtô khoảng 12 triệu đồng, người bán chỉ cần mất 10-30 phút, nhưng tỉ lệ hoa hồng lên đến 10% (1,2 triệu đồng). “Chỉ cần kiếm được bốn chủ ôtô mua bảo hiểm, nhân viên bảo hiểm có thể kiếm được gần 5 triệu đồng, thời gian ngắn hơn và công việc cũng nhàn rỗi hơn. Do đó thay vì lặn lội đến chợ chào bán bảo hiểm vừa tốn công sức, hoa hồng lại thấp, nhân viên bảo hiểm chọn công việc bán bảo hiểm ôtô” - ông Khánh nói.

Ông Phan Thanh Hà cho biết với mức phí khá thấp trong khi nguy cơ cháy nổ tại các chợ lại rất cao, nên không chỉ nhân viên bảo hiểm mà nhiều công ty bảo hiểm cũng không mặn mà. Một lãnh đạo Công ty bảo hiểm Bảo Minh thừa nhận hiện chỉ có thể nhận bảo hiểm cho phần kết cấu xây dựng (khung lồng) chợ do nhiều nguyên nhân, trong đó có chuyện phí bảo hiểm thấp nhưng rủi ro cháy nổ tại các chợ cao.

Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm thừa nhận vấn đề quan trọng là ý thức của từng tiểu thương cũng như ban quản lý các chợ về vấn đề bảo vệ tài sản. “Phần lớn ban quản lý chợ và tiểu thương đều chưa ý thức nhiều đối với việc bảo hiểm tài sản. Nếu họ ý thức đầy đủ và nhiệt tình tham gia, chắc chắn các công ty bảo hiểm sẽ bán sản phẩm” - giám đốc một công ty bảo hiểm nói. Tuy nhiên, theo vị giám đốc này, dù muốn hay không thì công ty bảo hiểm cũng phải khảo sát điều kiện an toàn cháy nổ của chợ và trung tâm thương mại trước khi ký hợp đồng, bản thân các tiểu thương cũng phải ý thức việc ghi chép, lưu trữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ mua bán.

Tiểu thương Ngô Thị Huyền (chợ Tân Bình, TP.HCM):

Khó đảm bảo yêu cầu chứng từ, hóa đơn

Việc kê khai hàng hóa nhập vào chợ có hóa đơn đầy đủ là rất khó thực hiện. Lúc trước, bên thuế yêu cầu kê khai nhưng thật sự tiểu thương rất khó làm được việc này. Vốn để nhập hàng là không cố định, chưa kể vốn lưu động bên ngoài nữa, rồi còn cho bạn hàng gối đầu tiền hàng nên rất khó để kê khai chi tiết hàng hóa.

Bây giờ buôn bán có được đâu, hàng hóa ế đầy ngoài chợ, có ngày mở sạp không đủ tiền mua một tô phở thì làm sao đóng bảo hiểm nổi. Chưa kể đủ thứ phí, thuế sạp, phí này phí kia, tiền hoa chi, hàng trăm thứ tiền còn xin đóng trễ chứ nói gì đóng thêm bảo hiểm được nữa. Hiện tiền học của con không giảm được, tiền ăn uống hằng ngày trong gia đình không cắt giảm được, tiền gì cũng tăng từng ngày. Phải chi mà cắt được khoản này, giảm được khoản kia thì cũng tính toán để tham gia.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Ông PHAN THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên