28/05/2011 08:16 GMT+7

Bao giờ thay mới tàu cánh ngầm?

DU LONG
DU LONG

TT - Sau thảm họa “Dìn Ký”, công luận, báo chí cũng như các ban ngành đang báo động về tàu du lịch, tàu nhà hàng... Nhân tai họa này, cũng cần nhắc lại những tiếng chuông báo động về một nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào khi mỗi năm có đến 800.000 lượt hành khách đi tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu. Mỗi ngày tối thiểu trên 20 chuyến với 13 chiếc tàu được cấp phép hoạt động từ thập niên 1990.

P4i0Y826.jpgPhóng to
Chiều 25-11-2009, trên sông Sài Gòn đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông đường thủy làm hai tàu cánh ngầm hư hỏng, khiến tám hành khách bị thương - Ảnh: D.T.LIÊM

Mới hôm 8-5, một đồng nghiệp (báo Lao Động) đã trích đăng báo động của chính một cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm về tàu cánh ngầm cùng các tai họa nếu như xảy ra. “Hiện tàu cánh ngầm của các hãng trên đều đã sử dụng nhiều năm, trong đó có tàu đã sử dụng trên 20 năm, thậm chí lâu hơn” - ông Ngô Đặng Quá Hải, phó phòng quản lý giao thông thủy Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết.

Ông Hải nói thêm dù các hãng tàu thường xuyên duy tu, sửa chữa nhưng việc quy định niên hạn đối với tàu cánh ngầm là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho hành khách. Từ tháng 1-2011, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cần quy định niên hạn sử dụng đối với tàu cánh ngầm nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Đồng nghiệp báo Lao Động chua chát nhận định: “Trên thực tế, kể từ khi chuyến tàu cánh ngầm tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đầu tiên xuất bến đến nay đã 18 năm nhưng chưa có một thân tàu nào rời bỏ hàng ngũ”.

Nghĩa là những người phải trực tiếp chịu trách nhiệm về sự an nguy của 800.000 lượt hành khách/năm đã nhìn thấy nguy cơ và báo động với cấp trên là Bộ Giao thông vận tải... Song vì lý do nào đó, bộ hữu quan chưa cùng nhìn và thấy nguy cơ rằng bất cứ chuyến tàu nào trong 20 chuyến cánh ngầm hằng ngày đều có thể bị xì ống thủy lực nên mất lái như chiếc Greenlines 06 hôm 12-4 khiến 50 hành khách hoảng loạn và tàu chỉ dừng lại được khi lao vào rừng đước. Hay trôi tự do trên sông Sài Gòn khi mới rời bến Bạch Đằng đến chân cầu Phú Mỹ thì đột ngột chết máy như chiếc Greenlines B5 chở 75 khách hôm 12-3...

Tiếc thay, hồi chuông báo động này không phải là đầu tiên. Cách đây bốn năm, một đồng nghiệp khác (VietNamNet 17-8-2007) cũng đã “la làng”: “Một nguồn tin (xin giấu tên) của VietNamNet khẳng định 100% tàu cao tốc đang hoạt động tại VN là tàu cũ, có tuổi thọ trên 20 năm do Nga, Ukraine sản xuất. Do nhu cầu về vận tải hành khách trên đường sông nên phần lớn các tàu cũ khi nhập về đều được Bộ Giao thông vận tải chấp thuận”.

Sau ngần ấy thời gian, cũng những con tàu đó, già thêm bốn, năm tuổi, cõng trên lưng mình cả trăm hành khách, vượt sông Sài Gòn, vượt sóng biển Vũng Tàu... như cách đây 18 năm hay vượt sóng biển Nga hoặc Ukraine mấy mươi năm trước. Có những lý giải rằng chủ tàu đã đại tu, thay máy mới, rằng tốn kém lắm... Thế nhưng, giá một tàu cánh ngầm có bằng giá một chiếc máy bay hay không dù là của hãng hàng không quốc gia hay cổ phần, mà sao máy bay thì thay mới được còn tàu cánh ngầm thì than... mắc. Xe tải có niên hạn quá 25 năm và xe khách có niên hạn quá 20 năm phải bị loại bỏ. Thế còn các con tàu trên sông, trên biển thì niên hạn vô tận sao? Cái bánh “xơi” gần 20 năm rồi còn gì mà tiếc!

I I I I I I I I | I

DU LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên