Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Kình ngư Ánh Viên là tài năng đặc biệt và cũng là VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam (TTVN). Thế nhưng thành tích của Ánh Viên chỉ dừng lại ở số huy chương SEA Games. Trong khi đó, với sự đầu tư thấp hơn rất nhiều, Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa) đã giành HCV Asiad 2018, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thậm chí đã giành 1 HCV, 1 HCB Olympic 2016.
Cú đầu tư lớn nhất trong lịch sử TTVN
Năm 2012, cô gái 16 tuổi Ánh Viên lên đường đi tập huấn dài hạn cùng HLV Đặng Anh Tuấn. Với việc đầu tư này, ngành thể thao đặt mục tiêu cô sẽ giành HCV Asiad và tiếp cận thành tích thế giới.
Những năm qua, Tổng cục TDTT và đơn vị chủ quản của Ánh Viên là Quân Đội cùng cấp kinh phí cho thầy trò Ánh Viên đi tập huấn dài hạn ở Mỹ. Giai đoạn đầu, kinh phí trung bình 4-5 tỉ đồng/năm. Những năm gần đây, số tiền đó có khi lên tới 7-8 tỉ đồng/năm (năm 2018 là 350.000 USD), đưa Ánh Viên trở thành VĐV được đầu tư lớn nhất trong lịch sử TTVN.
Năm 2019, kinh phí Tổng cục TDTT cấp cho bộ môn bơi lội là 270.000 USD, nhưng tiền đầu tư riêng cho Ánh Viên dự kiến đã lên tới 170.000-180.000 USD (chưa kể kinh phí của Quân Đội). Tất cả các VĐV khác của đội tuyển bơi lội VN, trong đó có Nguyễn Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Kim Sơn... hưởng phần còn lại khoảng 100.000 USD.
Bên cạnh bơi lội, điền kinh và bắn súng là hai môn được Tổng cục TDTT đầu tư trọng điểm cho các mục tiêu SEA Games, Asiad, Olympic. Những năm qua, điền kinh và bắn súng được đầu tư trên dưới 200.000 USD/năm/bộ môn.
Trong khi Ánh Viên được đầu tư cả núi tiền tập huấn ở Mỹ 8 năm qua thì xạ thủ Hoàng Xuân Vinh thường chỉ đi tập huấn một năm vài đợt, mỗi đợt 3-4 tuần tại Incheon (Hàn Quốc) trước khi tham dự những giải đấu lớn.
Còn Bùi Thị Thu Thảo gần như không đi tập huấn nước ngoài. So với số tiền đầu tư khổng lồ cho Ánh Viên, tiền đầu tư cho Hoàng Xuân Vinh, Bùi Thị Thu Thảo chẳng thấm vào đâu.
Kinh ngạc với kiểu tập huấn "1 thầy, 1 trò"
Thông tin suốt 8 năm qua của Tổng cục TDTT, Ánh Viên gần như chỉ tập luyện với HLV Đặng Anh Tuấn và một vài HLV nước ngoài (tùy từng thời điểm). Có thời điểm Tổng cục TDTT đưa VĐV Hoàng Quý Phước sang Mỹ tập cùng Ánh Viên nhưng do mâu thuẫn giữa hai bên, cuối cùng Quý Phước phải bỏ dở chuyến tập huấn về nước.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một kình ngư từng giành huy chương SEA Games nói: "Nguyên tắc cơ bản trong thể thao là ganh đua để giành chiến thắng. Trong tập luyện cũng vậy, VĐV khi tập luyện bắt buộc phải có đồng đội bên cạnh. Tôi thật sự kinh ngạc khi suốt 8 năm qua Ánh Viên ở Mỹ tập và không có bất cứ đồng đội nào người VN để tập luyện hằng ngày với cô".
Trong khi đó, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh gần như không bao giờ đi tập huấn một mình. Nếu không có tiền, cũng phải cố gắng đầu tư cho Hoàng Xuân Vinh và xạ thủ Trần Quốc Cường đi tập huấn và thi đấu quốc tế. Việc tập luyện một mình khiến VĐV giảm động lực và quyết tâm khi không có đối thủ bám đuổi.
Chưa kể dường như không ai giám sát quá trình tập huấn của Ánh Viên. Trong quá trình Ánh Viên tập huấn tại Mỹ, các thông tin về cô đều luôn được giữ kín. Ánh Viên tập luyện ra sao, cô tập thêm với HLV người Mỹ là ai... Tổng cục TDTT cũng chỉ nghe qua báo cáo của HLV Đặng Anh Tuấn. Ngay cả việc thuê HLV người Mỹ huấn luyện Ánh Viên trong từng thời điểm là ai, trình độ ra sao cũng không ai biết rõ hơn ông Tuấn.
Chính vì sự thiếu giám sát nên trước Asiad 2018, HLV Đặng Anh Tuấn nói với truyền thông Ánh Viên bị trầm cảm phải điều trị 3 tháng nhưng Tổng cục TDTT lại nói không biết gì. Mặt khác, quá trình tập luyện của Ánh Viên thường xuyên được báo cáo tốt, nhưng thành tích thi đấu của cô lại lao dốc 3 năm qua.
Tại Asiad 2018, nơi Ánh Viên được kỳ vọng là ở đỉnh cao sự nghiệp có thể giành HCV, cô lại ra về tay trắng. Giải bơi vô địch thế giới 2019 vừa qua, thành tích của Ánh Viên tiếp tục lao dốc.
Mọi ý kiến đóng góp đều rơi vào im lặng
Tổng cục TDTT biết rõ thành tích của Ánh Viên sa sút trong 3 năm qua. Thậm chí ngay sau Olympic Brazil 2016, nhiều ý kiến tại Tổng cục TDTT đã đề nghị cần thay HLV cho Ánh Viên. Các nhà chuyên môn cũng cho rằng HLV Đặng Anh Tuấn đã "hết bài". Thế nhưng mọi ý kiến đều rơi vào im lặng.
Và một trong những lý do quan trọng khiến Tổng cục TDTT không dám mạnh dạn bỏ mục tiêu SEA Games của Ánh Viên để tập trung cho Asiad bởi 8 HCV của cô có ý nghĩa vô cùng lớn với đoàn TTVN. Nếu không có 8 HCV này, đoàn TTVN sẽ văng khỏi top 3 SEA Games. Với TTVN, "ao làng" SEA Games vẫn là nhiệm vụ lớn phải hoàn thành. Nhưng Ánh Viên không thể làm tốt hai việc cùng một lúc, bởi khi cô đã bị vắt sức ở SEA Games thì mục tiêu Asiad, Olympic thất bại là điều thấy rõ.
Nếu quyết liệt tập trung cho nhiệm vụ lớn, sớm điều chỉnh kế hoạch huấn luyện, thay đổi HLV... đúng thời điểm, giờ đây Ánh Viên có thể đã bay cao, chứ không phải chở về "ngụp lặn" ở đấu trường SEA Games.
Tập trung giành thành tích ở SEA Games 30
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Bích Thắng, tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, cho biết: "Nhiệm vụ của Ánh Viên hiện nay là tập trung giành thành tích ở SEA Games 30. Khả năng vươn lên tầm châu Á của Ánh Viên ở thời điểm hiện nay rất khó. Sau SEA Games 30, Tổng cục TDTT sẽ tính lại cách đầu tư cho Ánh Viên.
Về ý kiến cho rằng Tổng cục TDTT chậm điều chỉnh kế hoạch huấn luyện khi từ cuối năm 2016 Ánh Viên đã có dấu hiệu đi xuống, tôi cho rằng đánh giá thành tích của VĐV cần có quá trình, chứ không thể ngay lập tức đưa ra nhận định được. Các nhiệm vụ của Ánh Viên lại liên tiếp chứ không ngừng nghỉ, sau Olympic 2016 Ánh Viên phải tập trung cho SEA Games 2017, sau SEA Games lại đến Asiad 2018 và năm 2019 lại là SEA Games.
Việc chuyển địa bàn tập huấn của Ánh Viên cũng rất khó khăn, bởi Mỹ là cường quốc bơi lội thế giới. Nếu chuyển Ánh Viên đến nơi khác, cô rất khó để thích nghi từ môi trường đến phương pháp huấn luyện".
Không phải đầu tư là thành công
Nói với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết: "Mục tiêu đầu tư cho Ánh Viên đúng là để giành HCV Asiad và vào đấu chung kết thế giới hoặc Olymnpic. Tuy nhiên, không phải cứ đầu tư cái gì là thành công cái đó. Tôi cho rằng đầu tư cho Ánh Viên như vậy cũng là phù hợp, dù mục tiêu mong muốn chưa đạt. Trong điều kiện nguồn lực của TTVN, chỉ đầu tư được như vậy và Ánh Viên vẫn phải thi đấu ở nhiều mặt trận.
Thực lực của VĐV VN để đoạt HCV Asiad là rất khó, vào chung kết Olympic lại càng khó do thể lực, tầm vóc... Chúng tôi trăn trở lắm về vấn đề dinh dưỡng, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong huấn luyện. Ánh Viên cũng vậy, dù được đầu tư nhưng còn hạn chế. Nếu không đầu tư thì Ánh Viên cũng không có được những thành tích như vừa rồi".
Trả lời câu hỏi: "Sau Olympic 2016, Tổng cục TDTT từng bàn đến chuyện thay HLV cho Ánh Viên nhưng đã không diễn ra, vì sợ sự thay đổi đột ngột có thể ảnh hưởng đến thành tích của Ánh Viên ở SEA Games?", ông Phấn nói: "Cái này đúng một phần bởi huấn luyện phải có quá trình gắn bó, quen thuộc.
Thời điểm đó tôi cũng yêu cầu Vụ Thể thao thành tích cao tính toán kỹ việc thay HLV cho Ánh Viên. Anh Vương Bích Thắng cũng đưa ý kiến chỉ đạo xem có cần thay đổi HLV cho Ánh Viên không vì sợ anh Tuấn huấn luyện quá lâu tạo nên lối mòn. Thế nhưng cuối cùng vẫn để anh Đặng Anh Tuấn huấn luyện.
Về chuyên môn, chúng tôi chỉ đóng góp ý kiến, chứ không lấy mệnh lệnh hành chính của Nhà nước để can thiệp. Việc chuyên môn để cho nhà chuyên môn làm. Không phải Tổng cục TDTT không quyết liệt, chậm trễ trong việc thay HLV cho Ánh Viên".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận