Địa bàn Cà Mau nhiều nơi đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng - Ảnh: N. Hùng
Qua thời chạy lũ, một bộ phận dân cư vùng ven sông, biển miền Tây đang phải lo chạy lở. Nước đói ngoạm bờ, biển ăn người chạy, cuộc sống người dân thấp thỏm, bất an.
Sạt lở bờ sông không phải đến bây giờ mới có. Nhưng cái đáng lo không chỉ do tác động từ biến đổi khí hậu hay vấn đề nước xuyên biên giới, mà còn là những yếu kém nội tại trong việc quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước.
Trong khi lượng phù sa dòng Mê Kông bị nghẽn mạch, thì khai thác cát nội vùng tràn lan, đê bao chặn dòng trao đổi dinh dưỡng giữa sông và những cánh đồng, các túi chứa nước khổng lồ như Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên. Khai thác nước ngầm quá mức gây sụt lún, tạo ra các vết nứt bị khoét rỗng thành hố, cùng với tác động thủy triều gây sạt lở.
Các thị trấn, thị tứ đông đúc mọc lên, nhiều kè lấn sông, xây công trình ngay bên bờ sông và những và những lỗ hổng trách nhiệm trong quản lý như bồi thêm những cú đấm hội đồng, "nện" thêm vào phần đất vốn yếu, mỏng do bị nước xâm thực, làm gia tăng sạt lở nghiêm trọng hơn.
Khi sạt lở diễn ra trên diện rộng, thì rõ ràng là đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL cần được tiếp cận hệ thống và giải quyết theo hệ thống chứ không thể làm riêng lẻ từng tỉnh, từng huyện.
Việc Chính phủ phân bổ 2.500 tỉ đồng lo cho sạt lở là đáng mừng, nhưng nếu đồng tiền bị chia nhỏ ra để xây kè sông, làm rọ đá lấp hố xoáy theo cơ chế đầu tư hiện tại vốn "phân ranh" riêng lẻ cho từng tỉnh, thì sẽ mất tác dụng. Việc bồi đắp bờ sông của tỉnh này, gây lở bờ của tỉnh khác theo quy luật tự nhiên "bên bồi, bên lở" là khó tránh khỏi.
Rõ ràng, vấn đề sạt lở ở ĐBSCL cần được tiếp cận hệ thống chứ không thể quanh quẩn tại các điểm sạt lở hay trong ranh giới hành chính một tỉnh. Không thể phủ nhận những giải pháp công trình cần thiết, nhưng với thực trạng yếu liên kết vùng, quản lý "thiếu phối hợp, thừa chồng chéo", thì rất cần các giải pháp phi công trình.
Việc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa công bố bản đồ sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL nhằm từng bước kiểm soát an toàn về phòng chống sạt lở trước mắt và lâu dài rất đáng hoan nghênh.
Nhưng điều quan trọng là cần "bản đồ tư duy hệ thống" ứng phó sạt lở và thực thi các giải pháp có sự điều phối chung. Trên cơ sở tổng điều tra, khảo sát, đánh giá tổng hợp khoa học tình hình, nguyên nhân chủ yếu của sạt lở để có giải pháp, lộ trình, cách giải quyết phù hợp.
Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực phù hợp với điều kiện hoàn chỉnh các hệ thống quy chuẩn ứng phó sạt lở bờ sông, bờ biển.
Bên cạnh các biện pháp khẩn cấp tạm thời, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, cần có các giải pháp căn cơ trong thế chủ động. Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn, nhưng cũng không quên những mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học, tạo sinh kế cho người dân trong an toàn.
Bao giờ miền Tây hết lo chạy lở? Câu trả lời phụ thuộc vào cách tiếp cận hệ thống, phối hợp giải quyết vấn đề thách thức mang tính hệ thống hơn là việc mạnh ai nấy làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận