Học sinh ở TP.HCM trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Bóng đá Việt Nam với sự trỗi dậy mạnh mẽ và thành tích rực rỡ đã thật sự làm nức lòng người hâm mộ. Màu cờ sắc áo Việt tràn ngập nơi nơi. Bao giờ cũng được 'cuồng nhiệt' như bóng đá?
Đừng "chăm ngọn, bỏ gốc"
Giáo dục ưu tiên đầu tư cho thế hệ trẻ, càng xây dựng nền tảng vững chắc bao nhiêu thì càng ổn định và phát triển bấy nhiêu. Nguyên lý giáo dục bất di bất dịch này đã được các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng và thành công. Cấp học càng thấp càng phải chú trọng đầu tư và chăm lo toàn diện.
Trong khi đó, nước ta lại đầu tư cho giáo dục theo xu hướng ngược lại. Hàng loạt đề án, dự án lớn cứ triển khai tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng. Đơn cử đề án đào tạo 23.000 tiến sĩ vừa thất bại lại tiếp tục trình đề án đào tạo 9.000 tiến sĩ với chi phí 12.000 tỉ đồng gây xôn xao suốt thời gian qua. Những chiến lược phát triển giáo dục chẳng bao giờ "về đích" gây thất vọng cho dư luận không phải là ít.
Giữa bối cảnh đó, nền giáo dục phổ thông nước ta lại đang tồn tại nhiều bất cập cần khắc phục thì lại bị bỏ ngỏ. Cấp học càng thấp, áp lực càng lớn. Cơ sở vật chất trường lớp thiếu trầm trọng đến mức đầu năm học các cháu phải "bốc thăm" để tìm cơ hội may rủi vào trường mầm non công lập.
Giáo viên mầm non cứ có cơ hội tốt là bỏ việc bởi áp lực công việc quá lớn trong khi thu nhập chẳng tương xứng. Các lớp học vùng sâu, vùng xa chẳng khác gì lán, trại và các cháu vẫn phải ăn cơm với muối đến trường khiến chúng ta phải chạnh lòng…
Chừng nào sự đầu tư theo kiểu "bỏ gốc, chăm ngọn" còn tồn tại thì cơ hội giáo dục nước nhà "cất cánh" còn rất xa vời!
Chống "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược"
Cứ mỗi dịp đầu năm học, giáo dục lại "nóng" chuyện lạm thu học đường, cuối năm học lại xôn xao bệnh thành tích. Bao nhiêu năm rồi vẫn chưa khắc phục được hai vấn nạn giáo dục khiến bao người bức xúc này.
Lạm thu học đường núp bóng dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục đã và đang đục khoét mạnh mẽ niềm tin của xã hội vào giáo dục. Bao nhiêu thông tư, chỉ thị, công văn hỏa tốc chống lạm thu của cơ quan quản lý giáo dục vẫn chẳng thể dẹp nổi vấn nạn lạm thu.
Thế rồi nơi này có đơn tố giác lạm thu, nơi kia có thư cầu cứu lạm thu, trường này có hiệu trưởng bị đình chỉ, trường kia phải trả lại tiền thu sai quy định… Đó là hệ quả tất yếu của sự lỏng lẻo trong quản lý, chỉ đạo, giám sát và xử lý của các cấp quản lý giáo dục.
Bệnh thành tích trong giáo dục đã trở nên trầm kha và lan rộng ở tất cả các lĩnh vực giáo dục. Cả xã hội đã lên tiếng rất nhiều về những con số chỉ tiêu, chất lượng ảo. Nhà giáo than thở bị tước quyền cho học sinh lưu ban. Phụ huynh ca thán bệnh háo danh, sính bằng cấp. Học sinh quay vòng vì áp lực học hành, thi cử, điểm số…
Vậy nhưng những chuyển động cần thiết của cấp quản lý giáo dục vẫn chỉ dừng lại ở những chỉ đạo chống bệnh thành tích… trên giấy. Chỉ tiêu vẫn áp đặt từ trên xuống như vòng kim cô siết chặt thầy và trò.
Tránh "mất bò mới lo làm chuồng"
Tính ổn định, bền vững của một nền giáo dục không hiện diện ở những thành tích, giải thưởng, thứ bậc trên các bảng xếp hạng. Tôi nghĩ nó thể hiện ở một nền giáo dục an toàn, lành mạnh. Học sinh phải cảm nhận được "mỗi ngày đến trường là một ngày vui".
Mối quan hệ thầy - trò, phụ huynh - giáo viên, nhà trường - xã hội phải là quan hệ trân quý, tương trợ lẫn nhau. Nhiều nốt lặng đáng buồn của giáo dục xảy ra thời gian qua cho thấy chúng ta vẫn đang loay hoay "chữa cháy" theo kiểu "mất bò mới lo làm chuồng".
Thầy đánh trò, trò đâm thầy, phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối, cha mẹ đánh giáo sinh suýt sẩy thai… Văn hóa học đường đang xuống cấp đến mức báo động. Nhưng những dấu hiệu của nó đã manh nha từ lâu. Chỉ có điều lúc này Bộ GD- ĐT mới đưa ra Dự thảo đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học" để lấy ý kiến.
Tôi thấy chuyển động này quá muộn và chúng ta vẫn chỉ chăm chăm sửa chữa biểu hiện chứ chưa hề chạm vào bản chất của vấn nạn.
Khi có một vụ việc bạo lực nào đó xảy ra ở trường mầm non tư thục, ngành giáo dục lại quáng quàng tổng thanh tra các trường mầm non.
Khi xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm nào đó trong trường học, ngành giáo dục lại chỉ đạo tổng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm học đường.
Khi một nền phòng học bị sập, một lan can bị gãy, ngành giáo dục lại tổng rà soát cơ sở vật chất trường lớp…
Thẳng thắn nhìn vào cách xử lý của Bộ GD-ĐT trong một số vụ việc trên, dư luận có quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục.
Tóm lại, công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà lần này muốn thành công, phải tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong tư duy, phương pháp quản lý từ cỗ "máy cái" để những đổi mới trong giáo dục một lần nữa hiệu triệu được lòng dân, phá vỡ sự trì trệ, bất ổn lâu nay.
Lẽ tất nhiên, bất kỳ một công cuộc cải cách, đổi mới nào vừa khơi mào cũng sẽ vấp phải vô số ý kiến trái chiều cùng những hoài nghi của xã hội. Nhưng thời gian sẽ cho dư luận câu trả lời đúng/sai, tốt/xấu, thành công/thất bại.
Vậy nên, trong bối cảnh nước nhà đón đầu cuộc cách mạng 4.0, những con người nặng lòng với giáo dục hẳn là đang mong mỏi vô cùng hiệu ứng "cuồng nhiệt", cổ vũ, động viên, đồng hành, chia sẻ… từ đội ngũ cán bộ nhà giáo, từng phụ huynh và mỗi học sinh!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận