Bao giờ COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu?

D. KIM THOA 06/01/2022 04:00 GMT+7

TTCT - Tới nay, hầu hết các chuyên gia miễn dịch học hàng đầu đều dự đoán sẽ tới một ngày COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu (endemic) chứ không còn là đại dịch (pandemic) nữa. Một số dự đoán cho rằng tới cuối năm 2022, hoặc qua năm 2023, COVID-19 sẽ thành một bệnh có thể kiểm soát như cúm mùa.

Kể từ lúc bắt đầu bùng dịch (tháng 12-2019) tới nay, virus SARS-CoV-2 đã liên tục đột biến, tạo ra nhiều biến thể khác nhau như Apha, Beta, Kappa, Delta…và mới nhất là Omicron. 

Trước sự xuất hiện và hoành hành của Omicron, thế giới đã có nhiều vaccine và thuốc điều trị khả dụng, trong khi hầu hết các quốc gia cũng đã không còn nói tới mong muốn loại bỏ hoàn toàn căn bệnh này nữa.

Mọi người xếp hàng bên ngoài bệnh viện La Paz tại Madrid, Tây Ban Nha chờ xét nghiệm COVID-19 ngày 23-12. Ảnh: EPA

 Không kỳ vọng “zero COVID”

Hồi đầu dịch, hy vọng nói chung của thế giới là có thể ngăn chặn và tiêu diệt hoàn toàn SARS-CoV-2 sau khi đã có các vaccine khả dụng. 

Nhưng rồi theo thời gian, hy vọng về một quốc gia hay khu vực có thể tạo thành “bong bóng an toàn” không COVID (zero Covid) đã lần lượt tan biến, theo đánh giá của hầu hết các nhà khoa học.

“Mọi người đã thôi không còn nói về việc loại bỏ hoàn toàn COVID nữa” - tiến sĩ Elizabeth Halloran, chuyên gia miễn dịch học tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, Seattle, bang Washington (Mỹ), nói về sự thay đổi quan điểm trong giới của bà với NBC News. “Nó sẽ không đi đâu cả, và điều đó có nghĩa nó sẽ trở thành bệnh đặc hữu”.

Lúc này, nhìn chung giới khoa học đều ước đoán virus SARS-CoV-2 sẽ tồn tại vô hạn định, nhưng số ca bệnh sẽ thấp hơn và có thể dự đoán được dễ hơn - đây chính là những đặc điểm của một căn bệnh đặc hữu. 

Theo đó, SARS-CoV-2 sẽ trở nên giống các virus khác mà nhân loại từng đối mặt, điển hình là virus cúm. Tuy nhiên, còn một vấn đề hiện tại vẫn chưa rõ là không biết SARS-CoV-2 có tiếp tục là mối đe dọa sức khỏe lớn hơn các virus gây bệnh đường hô hấp khác hay không.

Hiện đã có một số dấu hiệu cho thấy chính phủ và giới chức y tế nhiều nước chọn ứng xử với COVID-19 như với một bệnh đặc hữu. 

Làn sóng dịch bệnh mới nhất do biến thể Omicron gây ra mặc dù là lời nhắc nhở virus vẫn đang tiếp tục đột biến, song cũng là thực tế cho thấy nhiều nước không còn tập trung vào những biện pháp phòng dịch cực đoan như trước nữa. 

Thay vì phong tỏa kéo dài các khu vực rộng lớn hay đóng cửa biên giới, nhiều nước giờ tập trung vào giải pháp giảm nguy cơ, cho phép người đã tiêm vaccine đủ liều được sống tương đối bình thường nhưng thận trọng hơn.

Nếu COVID-19 trở thành một bệnh đặc hữu, và với tốc độ lây lan của biến thể Omicron, một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm thậm chí còn tin rằng hầu hết mọi người đều có thể mắc bệnh này ít nhất một lần trong đời.

“Theo tôi, có lẽ việc bạn mắc bệnh sẽ là chuyện gần như không tránh khỏi - tiến sĩ Francis Riedo, bác sĩ bệnh truyền nhiễm thuộc hệ thống y tế EvergreenHealth tại Kirland, Washington, nói - Vấn đề thực sự đáng nói là tình trạng nhiễm bệnh đó sẽ nghiêm trọng như thế nào mà thôi”.

Tuy nhiên, ngay cả khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu và ai cũng có thể mắc nó thì không có nghĩa mọi người nên từ bỏ các biện pháp phòng ngừa, nhiều chuyên gia nhấn mạnh. 

Theo họ, mọi người nên hình dung về một tương lai khi COVID-19 là bệnh đặc hữu thì các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách sẽ trở nên phổ biến, tự nhiên, trong khi vaccine vẫn giữ vai trò trung tâm trong phòng bệnh.

 
 Người dân làm xét nghiệm COVID-19 trong tuần kết thúc ngày 26-12 tại khu phố mua sắm Kurfürstendamm ở Berlin, Đức. Ảnh: AP

 Bao giờ “pandemic” thành “endemic”?

Dù nhiều chuyên gia đồng thuận quan điểm COVID-19 sẽ sớm trở thành bệnh đặc hữu, nhưng chuyện đó chừng nào xảy ra còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Về điều này, mỗi chuyên gia lại có nhận định riêng.

Tiến sĩ Serhat Gumrukcu, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc Viện nghiên cứu Seraph tại California, Mỹ, cho rằng điều đó phụ thuộc vào cách định nghĩa thế nào là “kết thúc” đại dịch.

“Mọi virus đều tiến hóa thông qua các đột biến xảy ra khi chúng lây lan từ vật chủ này sang vật chủ khác. SARS-CoV-2 cũng đã trải qua nhiều đột biến, tuy nhiên không phải mọi biến thể đều có thể vượt qua lá chắn miễn dịch của con người". 

"Với tỉ lệ những người đã tiêm đủ liều vaccine ngày càng tăng, cộng thêm các loại thuốc trị COVID-19 mới được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn, chúng ta có thể đạt tới giai đoạn bệnh đặc hữu của virus này trong khi học cách sống chung với nó". 

"Chính vì thế, có quá nhiều nhân tố cùng tác động tới việc ước đoán một ngày chính xác kết thúc đại dịch, rất giống việc bệnh cúm tái xuất mỗi năm”, ông Serhat Gumrukcu nói.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định, với những tiến bộ thần tốc, nhân loại đã đạt được với vaccine và thuốc điều trị, trong vài năm tới COVID-19 có thể không còn nguy hiểm nữa.

Trong khi đó, tiến sĩ Gwen Murphy, giám đốc điều hành phụ trách mảng dịch tễ học của Công ty LetsGetChecked có trụ sở tại Dublin (Ireland) và New York (Mỹ), bày tỏ lo ngại về khả năng kéo dài đại dịch của các biến thể.

“Chừng nào virus SARS-CoV-2 còn lây lan ở đâu đó trên thế giới, chừng đó vẫn còn nguy cơ sẽ có một biến thể phát sinh và lẩn tránh được các vaccine” - bà Murphy nói với Hãng tin Yahoo

“Do đó, việc chích ngừa đủ liều cho người dân toàn cầu phải là một ưu tiên. Cùng với đó, chúng ta hiểu rằng ngay cả những người đã chích ngừa vẫn có thể nhiễm và lây lan virus, nên mọi người cần quen với việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và thường xuyên xét nghiệm, coi đó như một phần của cuộc sống hiện nay”.

Có thể là năm 2023?

Với những ai vẫn muốn có một thời điểm ước đoán cụ thể rằng đại dịch sẽ chấm dứt, tiến sĩ Robert G. Lahita, giám đốc Viện nghiên cứu bệnh khớp và bệnh tự miễn tại hệ thống Bệnh viện Saint Joseph Health (Mỹ), nói: 

“Tôi nghĩ COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2023, mốc thời gian đó có lẽ đủ để chúng ta chích ngừa cho được nhiều người hơn và tạo miễn dịch cho cộng đồng”.

Chuyên gia này cũng hy vọng mọi người sẽ tiếp tục học hỏi thêm kiến thức về cách hệ miễn dịch của chúng ta vận hành, những gì hỗ trợ cũng như ngăn cản nó hoạt động mạnh mẽ hơn. 

“Như tôi vẫn luôn nói, chế độ ăn uống, tập thể thao, tình dục và giải tỏa căng thẳng - tất cả những điều đó đều góp phần mang lại một hệ miễn dịch mạnh mẽ hơn”, ông lưu ý.

Theo ông Lahita, cách nói “chấm dứt đại dịch” với COVID-19 nên được hiểu là đại dịch sẽ trở thành bệnh đặc hữu, giống như cúm, tức nó vẫn tồn tại trong cuộc sống ở dạng nào đó nhưng chúng ta sẽ không phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa quá cực đoan như phong tỏa nữa.

“Khi COVID-19 đã qua, sẽ không còn khẩu trang hay những hạn chế phòng dịch nữa”, ông nói. 

“Chúng ta sẽ phải tiêm nhắc lại vaccine mỗi năm, gần như chắc chắn là vậy, giống như cúm. Tôi cho rằng rồi cũng sẽ có thêm các xét nghiệm để mọi người tự làm tại nhà và nhiều cách xét nghiệm khác nữa để mỗi người tự thực hiện khi có triệu chứng bệnh”. 

Ông Lahita chia sẻ thêm dự đoán tới năm 2023 người ta sẽ gỡ bỏ các yêu cầu xuất trình “hộ chiếu vaccine” trong các hoạt động kinh doanh cũng như đi lại. 

Đại dịch (pandemic) và bệnh đặc hữu (endemic)

Đại dịch, theo từ điển Meriam-Webster, là căn bệnh xảy ra trên một khu vực địa lý rộng lớn (như nhiều quốc gia hay nhiều châu lục) và thường tác động đến một tỉ lệ dân số rất đáng kể. 

Xét về từ nguyên, từ “pandemic” gồm 2 thành tố: “pan” có nghĩa là “tất cả”, và “demic” (bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp là “demos”) có nghĩa “người địa phương”, “đám đông”. 

Trong khi đó, cũng từ điển này giải thích bệnh đặc hữu (endemic) là một căn bệnh tồn tại, phát triển hoặc phổ biến trong một nơi hay một khu vực cụ thể. 

Tổ chức Y tế thế giới xác định một bệnh là “đại dịch” hay “bệnh đặc hữu” là căn cứ trên tốc độ lây lan của bệnh đó, chứ không phải mức độ nghiêm trọng của nó.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận