Nhiều công ty đã cam kết đạt 100% lượng phát thải ròng bằng 0 (net-zero) hoặc doanh nghiệp có chứng chỉ sản xuất xanh sẽ dễ có đơn hàng xuất khẩu hơn. Vì vậy, việc ban hành cơ chế DPPA không thể chậm hơn bởi nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong bối cảnh chính sách đánh thuế carbon đã cận kề.
Hai phương án mua bán điện trực tiếp
Ông Samresh Kumar - chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần SkyX Solar - cho hay nhiều công ty đã cam kết đạt 100% lượng phát thải ròng bằng 0 như Nike, Adidas, Uniqlo... hoặc một vài công ty chỉ sử dụng một phần năng lượng từ điện tái tạo cũng giúp họ có được đơn hàng. Thực tế các khách hàng châu Âu đang có nhiều yêu cầu đối với các nhà cung cấp về việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Trong khi đó, suốt sáu năm qua, việc xây dựng cơ chế DPPA vẫn "giậm chân tại chỗ". Một khảo sát mức độ quan tâm đến cơ chế DPPA và chương trình thí điểm tại Việt Nam do cơ quan tư vấn quốc tế thực hiện với 95 đơn vị cho thấy có 24 dự án với công suất 1.773MW mong muốn tham gia cơ chế này.
Khảo sát 41 khách hàng dùng điện lớn, có 24 đơn vị mong muốn được mua điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo thông qua cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính là 1.125MW.
Trong báo cáo vừa gửi Thủ tướng về cơ chế này sau nhiều vòng đưa ra ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất hai mô hình triển khai cơ chế DPPA. Bao gồm trường hợp mua bán điện trực tiếp giữa chủ đầu tư năng lượng tái tạo với khách hàng lớn thông qua đường dây tư nhân riêng và trường hợp thứ hai là mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia.
Tham gia vào cơ chế DPPA sẽ bao gồm đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, có công suất từ 10MW trở lên.
Khách hàng lớn tham gia DPPA sẽ là các tổ chức, cá nhân đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên, trừ trường hợp việc mua bán điện thông qua đường dây kết nối trực tiếp. Tham gia cơ chế này còn có các đơn vị điện lực gồm EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, đơn vị bán lẻ điện.
Điểm đáng chú ý là nếu như trường hợp thứ nhất có đầy đủ căn cứ pháp lý để triển khai thì với trường hợp thứ hai lại chưa có căn cứ thực hiện.
Theo Bộ Công Thương, để triển khai cơ chế này cần phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý. Cụ thể là hướng dẫn tính toán giá phân phối điện, giá điều độ vận hành hệ thống điện, đồng thời cần sửa đổi các hợp đồng mua bán điện mẫu... để "tránh gây thất thoát tài sản của Nhà nước và đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp FDI và các khách hàng khác".
Làm tốt sẽ tăng xuất khẩu, thu hút vốn FDI
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-10, ông Phạm Đăng An - giám đốc VP Carbon Solutions - cho biết cơ chế DPPA cho phép các doanh nghiệp lớn được mua điện năng lượng tái tạo phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng các cam kết về sử dụng năng lượng sạch, giảm phát thải...
Khi sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn xanh và được dán nhãn sinh thái, các sản phẩm cũng sẽ có sức cạnh tranh cao hơn ở các thị trường quốc tế và còn có thể giúp doanh nghiệp nâng giá thành sản phẩm.
"Sử dụng hiệu quả cơ chế này, nhà đầu tư dự án năng lượng tái tạo có thể tối ưu hiệu suất hoạt động của hệ thống, tối ưu lợi nhuận. Chính phủ hỗ trợ các giải pháp cùng những vấn đề pháp lý cho cơ chế này cũng là hỗ trợ thu hút dòng vốn từ nước ngoài", ông An nói.
Với hai phương án mà Bộ Công Thương đề xuất, ông An cho rằng với trường hợp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo mua bán điện trực tiếp với khách hàng lớn qua đường dây riêng, có thể sẽ không có nhiều doanh nghiệp tiếp cận được phương án này do các rào cản về chi phí đầu tư cũng như kinh nghiệm vận hành truyền tải.
Với trường hợp thứ hai là đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo và khách hàng lớn mua bán điện thông qua lưới điện quốc gia, EVN và các công ty thành viên sẽ đóng vai trò nhà cung ứng dịch vụ.
DPPA vẫn cần nguồn điện từ lưới điện quốc gia
Lãnh đạo một tập đoàn năng lượng cho hay DPPA là cơ chế đang cực kỳ bức thiết với bên cung lẫn bên cầu. Việt Nam cần sớm đưa ra cơ chế để không tụt hậu trong cuộc chơi toàn cầu.
"Nói thẳng, chúng ta cũng đã chậm chân trong việc đưa ra cơ chế, nếu cứ chậm thêm một ngày thì chúng ta lại mất đi cơ hội một ngày trong thu hút đầu tư. Việc sớm ban hành DPPA cũng là một trong những giải pháp cho các dự án điện gió, mặt trời chuyển tiếp được bán điện với giá tốt hơn", vị này nói.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo này băn khoăn khung giá mua điện đang quy định trong dự thảo là không được cao hơn khung giá phát điện của các nhà máy sử dụng năng lượng tái tạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Ví dụ, nhà xưởng đang mua điện giá 2.000 đồng/kWh từ EVN nhưng chỉ được mua khoảng 1.200 đồng/kWh từ đơn vị phát điện mà không được mua cao hơn vì vướng khung quy định cho nhà máy. Như thế là bó quyền lợi của đơn vị phát điện.
Về mặt kỹ thuật, nhiều chuyên gia cho hay dù triển khai DPPA cũng cần sử dụng nguồn điện từ EVN bởi các nhà máy điện tái tạo rất khó để cam kết sẽ cung cấp đủ 100% nguồn điện cho nhà xưởng bởi còn phụ thuộc vào thời tiết như nắng, gió. Các doanh nghiệp vẫn phải dùng điện từ lưới điện quốc gia và cơ chế DPPA cần phải bàn kỹ lưỡng về kỹ thuật.
Ông Bùi Văn Thịnh - chủ tịch Hiệp hội Điện gió và mặt trời Bình Thuận - cho rằng DPPA là mong muốn của các nhà đầu tư, của doanh nghiệp FDI, song để thực hiện thành công cơ chế này, cần phải hoàn thiện hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, cần thúc đẩy nhanh về mặt thể chế để hỗ trợ các doanh nghiệp bởi hiện nay chúng ta đã bàn nhiều năm. "Đối với các doanh nghiệp lớn, họ rất cần dùng năng lượng xanh để giải quyết bài toán thuế carbon.
Do đó, các doanh nghiệp có thể đi mua, thâu tóm hoặc mua bán điện trực tiếp để có thể cạnh tranh về mặt tín chỉ xanh khi đưa hàng hóa vào châu Âu. Chính vì vậy, điều quan trọng là sớm có hành lang pháp lý đảm bảo để bên mua và bên bán gặp nhau", ông Thịnh nói.
* Ông Phạm Đăng An (giám đốc VP Carbon Solutions):
Hỗ trợ doanh nghiệp dùng điện sạch
DPPA đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Với các doanh nghiệp sản xuất, bên cạnh DPPA sẽ tạo ra một cú hích lớn cho việc sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, thì việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ là một lựa chọn có nhiều lợi ích.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp chủ động hơn trong việc lắp đặt điện mặt trời tự tiêu thụ tại mái nhà xưởng, việc chúng ta có chính sách hướng dẫn chi tiết hơn cho ba vấn đề là đấu nối với lưới điện quốc gia (tự sử dụng, không bán điện lên lưới), các hướng dẫn liên quan đến giấy phép xây dựng, tiêu chuẩn thực hiện PCCC, đánh giá tác động môi trường... thì đây sẽ là một sự hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời trong việc gia tăng khả năng giảm phát thải carbon.
* Ông Samresh Kumar (chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần SkyX Solar):
Các công ty đa quốc gia đều chờ DPPA
Chúng tôi đã làm việc với các cơ quan nhà nước về DPPA, trong đó chính sách đang bị chậm trễ vài năm qua và thời gian gần đây đã có sự tiến triển. Nhưng thách thức chính có thể thấy được từ phía Nhà nước đó là cơ chế đấu nối với lưới điện quốc gia.
Thực tế các công ty đa quốc gia hiện đều đợi cơ chế DPPA nhưng việc chậm trễ trong ban hành chính sách và áp lực từ các cổ đông khiến cho các công ty phải lựa chọn điện mặt trời mái nhà như một giải pháp trước mắt.
Các bộ nói gì về DPPA?
Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ quyết định việc ban hành cơ chế DPPA theo hình thức nghị định, cũng như đề nghị đưa nội dung này vào nghị quyết của Quốc hội để giao Chính phủ quy định cơ chế DPPA.
Nhất trí về việc cần thiết xây dựng cơ chế DPPA, song Bộ Tư pháp cho rằng Luật Điện lực không có điều khoản cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Vì vậy cần làm rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền ban hành nghị định.
Còn Bộ Tài chính thì cho rằng cơ chế hợp đồng dạng kỳ hạn chênh lệch chưa được quy định tại các văn bản, nên để có căn cứ xác định cơ chế giá trị gia tăng, Bộ Công Thương cần nghiên cứu để trình các cấp ban hành cơ chế hợp đồng kỳ hạn dạng chênh lệch.
Trong khi đó, tại thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà do Văn phòng Chính phủ ban hành cũng nhấn mạnh cơ chế mua bán điện trực tiếp hiện đã có kinh nghiệm quốc tế, yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, làm rõ thẩm quyền ban hành hướng dẫn của bộ trưởng Bộ Công Thương, các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để khẩn trương hoàn thiện hồ sơ và dự thảo, thẩm định và ban hành theo đúng quy định...
Nhiều "ông lớn" muốn mua điện trực tiếp
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Samsung Việt Nam đã từng đề xuất được tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Cùng với Samsung, một số "ông lớn" FDI khác cũng đang rất quan tâm và muốn tham gia cơ chế này như Adidas, Nike, Heineken...
Bên mua và bên bán đều chờ
Mới đây, ông Fujimoto Masayoshi - tổng giám đốc Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) - cũng cho biết đang muốn mở rộng đầu tư trong các lĩnh vực khu công nghiệp, năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông đề xuất Việt Nam sớm đưa ra cơ chế DPPA để các nhà máy trong khu công nghiệp được phép tham gia hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Điều này sẽ tác động tích cực vào tính cạnh tranh ngành năng lượng Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 29-10, lãnh đạo một doanh nghiệp (đang có các nhà máy năng lượng tái tạo thuộc nhóm dự án điện chuyển tiếp) cho biết dự án của doanh nghiệp đang hưởng mức giá 50% giá trần của khung giá phát điện quy định tại quyết định số 21.
Đây là mức giá khá thấp so với bài toán tài chính của doanh nghiệp. Do đó, bản thân doanh nghiệp này cũng như các dự án nhà máy chuyển tiếp khác cũng mong muốn cơ chế DPPA sớm ra đời, giúp doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn về mức giá bán điện.
Tuy nhiên, bản thân doanh nghiệp này cũng băn khoăn đối với phương án bán điện trực tiếp cho bên dùng điện bởi hiện dự án tái tạo nằm xa trung tâm, xung quanh không có các nhà máy, khu công nghiệp. Do đó, buộc lòng doanh nghiệp phải chọn phương án 2 là bán thông qua EVN, trong khi mức giá bán nếu thông qua EVN vẫn chưa có các thông tin cụ thể, trong đó mức chi phí truyền tải, khả năng truyền tải vẫn còn là một dấu hỏi đối với doanh nghiệp.
DPPA sẽ là cơ hội để hóa giải CBAM
Theo ông Phạm Đăng An, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU nhằm chống rò rỉ carbon đã bắt đầu áp dụng giai đoạn chuyển tiếp đối với các sản phẩm thép, nhôm, phân bón và điện...
Kể từ 2026, CBAM được áp dụng đầy đủ đối với tất cả các sản phẩm thuộc phạm vi. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang EU lớn. Do đó, CBAM có thể tác động đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông An, các doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng triệt để hơn các biện pháp giảm phát thải carbon, trong đó về mảng năng lượng, có ba phương pháp chúng ta có thể làm ngay. Đó là tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cấp công nghệ sản xuất. Vì vậy, nếu DPPA được thông qua, đây sẽ là sự thúc đẩy lớn cho các doanh nghiệp để giải bài toán CBAM.
"Nếu DPPA được thông qua sớm, cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo với chi phí đầu tư ban đầu gần như bằng 0 để tăng tính cạnh tranh tại thị trường EU là rất quan trọng", ông An nói.
* Ông Hà Đăng Sơn (giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh):
Đẩy nhanh việc thực hiện thị trường điện cạnh tranh
Việc có cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các dự án năng lượng tái tạo với khách hàng lớn giúp thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, song cần đẩy nhanh tiến độ của thị trường điện để cơ chế phát huy hiệu quả. Mục tiêu xây dựng cơ chế DPPA là thúc đẩy nhanh hơn tiến trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh giúp các dự án điện tái tạo sẽ không phải đàm phán với EVN như cơ chế giá chuyển tiếp. Việc tham gia của các dự án năng lượng tái tạo cũng sẽ giúp cho tính đa dạng cơ cấu nguồn điện được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, thách thức lớn là việc này chưa có tiền lệ và chưa có quy định đầy đủ. Việc chào giá trên thị trường điện cạnh tranh làm cơ sở để huy động từ nguồn thấp đến nguồn cao.
Chúng ta không thể chơi một cuộc chơi mà một mặt vừa đòi thị trường hóa, phải giảm bớt sự độc quyền EVN, nhưng mặt khác lại đòi được bao tiêu, bao cấp và hỗ trợ giá với mức giá cố định, bán ra bao nhiêu phải thu mua hết. Như vậy không thể phát triển được thị trường điện cạnh tranh và thiệt hại cho nền kinh tế sẽ rất cao.
Khi đi vào vận hành cơ chế mới sẽ cần tiếp tục điều chỉnh và hoàn thiện thêm. Vấn đề là cần hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đẩy nhanh lộ trình thực hiện một cách đồng bộ thay vì thực hiện rất chậm trễ như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận