08/07/2022 07:47 GMT+7

Bao giờ cho đến... mùa thi bớt căng thẳng?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Các chuyên gia, nhà giáo dục cho rằng cần sớm hướng tới việc tổ chức các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học một cách nhẹ nhàng hơn.

Bao giờ cho đến... mùa thi bớt căng thẳng? - Ảnh 1.

Bạn Thanh Thùy (phải) và Anh Thư sau khi thi môn ngữ văn tại điểm thi THCS Đống Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn khiến xã hội có cảm giác căng thẳng, khi cả nước dồn sức lo cho một kỳ thi ở tầm quốc gia với hàng loạt phương án chống gian lận khá tốn kém.

Để trường phổ thông công nhận tốt nghiệp THPT

TS Phan Hồng Hải, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT không còn quá mức căng thẳng như 10 năm trước đây, nhưng hiện vẫn còn khá nặng nề, tốn kém... 

Do vậy, trong những năm tới cần hướng đến việc tổ chức thi tốt nghiệp nhẹ nhàng, tiết kiệm hơn nữa bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó việc để trường phổ thông công nhận tốt nghiệp THPT là điều nên tính đến. Khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

"Đã từng có nhiều ý kiến trong các lần góp ý Luật giáo dục kiến nghị nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các trường nhưng không được xem xét. Lý do được đưa ra là cần có một kỳ thi tốt nghiệp chung để đánh giá năng lực học sinh một cách nghiêm túc, công bằng theo chuẩn chung của cả nước. 

Tuy nhiên, thực tế hiện nay rất nhiều trường ĐH xét tuyển bằng học bạ THPT. Điều này cho thấy các trường ĐH tin tưởng vào chất lượng giảng dạy, kết quả đánh giá của các trường THPT. 

Đây là điều hiển nhiên, vì tất cả học sinh đều muốn được lên lớp, thậm chí công nhận tốt nghiệp THPT đều phải trải qua các kỳ kiểm tra, kỳ thi do chính các trường tổ chức đánh giá. 

Vậy nên việc để các trường THPT tự tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT là hoàn toàn phù hợp", ông Hải nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng: "Luật giáo dục có quy định phải thi để công nhận tốt nghiệp THPT nhưng không quy định thi cấp quốc gia hay cấp tỉnh, cấp trường; không quy định thi môn nào, thi mấy môn... mà giao cho cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Giáo dục và đào tạo quyết định".

Căng thẳng là do dính tới tuyển sinh ĐH

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, sở dĩ kỳ thi tốt nghiệp THPT căng thẳng là vì dính tới việc tuyển sinh ĐH (sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển). 

Với tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm rất cao, trên 90% thì mức độ ảnh hưởng của kỳ thi tốt nghiệp THPT không đáng kể. Do vậy việc có thêm kỳ thi tuyển sinh riêng của các trường ĐH sẽ làm giảm tải áp lực của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nếu kỳ thi riêng của các trường ĐH được tổ chức nghiêm túc, độ chính xác cao sẽ giúp giảm tải cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trong việc dùng kết quả để xét tuyển ĐH. Khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ trở về đúng nghĩa của nó vốn dĩ là kỳ thi để xét tốt nghiệp THPT.

Nhiều địa phương đã đề nghị giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho địa phương tự tổ chức nhưng vì sao việc này vẫn chưa thực hiện được? Lý giải về việc này theo ông Nghĩa, kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay có "hai chung" là ngày thi và đề thi thống nhất chung trên cả nước.

"Nếu giao kỳ thi cho địa phương tổ chức thì đề thi là quan trọng nhất. Nếu Bộ Giáo dục và đào tạo đồng ý để các địa phương tự lo khâu đề thi thì họ hoàn toàn có thể tự tổ chức kỳ thi này trong thời gian phù hợp. 

Tuy nhiên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được sử dụng để xét tuyển ĐH, nếu giao về cho các địa phương tự tổ chức với đề thi riêng thì việc đối sánh kết quả thi giữa các địa phương sẽ rất khó. Việc dùng kết quả các kỳ thi tốt nghiệp của nhiều địa phương khác nhau để xét tuyển vào ĐH sẽ không đối sánh được. 

Do vậy dù một số địa phương đề nghị giao việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho địa phương chưa thể thực hiện được. Việc này chỉ có thể thực hiện khi kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ có một mục đích là xét tốt nghiệp THPT", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nghĩa, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đã được dự kiến trước đây nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu vẫn tổ chức kỳ thi trong cùng một thời điểm với cả triệu thí sinh thì các yếu tố về kỹ thuật, đường truyền, thiết bị thì cần phải tính toán kỹ mới có thể thực hiện được.

TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM):

Chỉ nên hướng tới một mục tiêu

Từ năm 2022, Bộ Giáo dục và đào tạo đã khuyến khích trường đại học tự chủ, chủ động liên kết tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, kiểm tra tư duy, tổ chức xét tuyển chung nhằm đáp ứng yêu cầu riêng của từng cơ sở đào tạo.

Đặc biệt với việc ra đời các trung tâm khảo thí chuyên nghiệp của cơ sở giáo dục đại học và trung tâm khảo thí độc lập sẽ tạo điều kiện tốt cho các cơ sở giáo dục đại học.

Làm tốt những việc này sẽ tạo tiền đề cho việc xác định đúng mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là chỉ xét tốt nghiệp và từ đó kỳ thi cũng không còn căng thẳng, áp lực vì mục đích xét tuyển đại học nữa.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM):

Thi trên máy một ngày là xong

Kỳ thi tốt nghiệp THPT mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn rất nặng nề, tốn kém tiền bạc và nhân lực. Hiện nay máy tính và mạng đã được trang bị hầu hết ở các địa phương, đủ sức cho việc tổ chức thi trên máy và nhiều lần trong năm.

Cái chính là cải cách thi cử ở Việt Nam phải bắt đầu từ ngân hàng đề thi đủ lớn. Năm nào cũng làm đề kiểu thủ công như hiện nay có nhiều nguy cơ tiềm ẩn lộ đề. Nếu có ngân hàng đề đủ lớn thì việc thi THPT chỉ diễn ra trong một ngày là xong.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn động viên thí sinh Quảng Trị

nguyen kim son

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn hỏi thăm các thí sinh tại Quảng Trị về đề thi toán chiều 7-7 - Ảnh: QUỐC NAM

Sau buổi thi môn toán tại Quảng Trị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã đến điểm thi Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Đông Hà). Tại đây, bộ trưởng đã hỏi thăm và động viên các thí sinh.

Bộ trưởng "bắt chuyện" với em Nguyễn Thị Thùy Linh (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) - cũng là thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi. Bộ trưởng hỏi về đề thi môn toán, Thùy Linh nói cũng khó, nhưng em làm bài khá ổn. Khoảng 10 thí sinh khác khi được bộ trưởng hỏi cũng chia sẻ đề toán không quá khó, có sự phân hóa, và các em đều làm được bài ở mức tương đối tốt.

Bộ trưởng chúc mừng các em đã hoàn thành 2 môn thi quan trọng và động viên các em thi tốt các môn thi tiếp theo.

Bộ trưởng đánh giá tỉnh Quảng Trị đã rất quan tâm, chu đáo và làm tốt công tác tổ chức kỳ thi. Các điểm thi chấp hành nghiêm quy định, quy chế, học sinh không phát sinh gì đặc biệt.

QUỐC NAM

Những thí sinh đặc biệt trong mùa thi tốt nghiệp Những thí sinh đặc biệt trong mùa thi tốt nghiệp

TTO - Đến trường thi với dây truyền nước trên tay, ngồi một mình một phòng thi vì không may mắc COVID-19, không thể cầm bút phải đọc nhờ người viết thay... Dù hoàn cảnh 'đặc biệt' như thế, các thí sinh ấy vẫn không bỏ cuộc.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên