Năm 2004, chị L. từ quê nhà Thái Nguyên về Hà Nội học đại học, sau đó ở lại thủ đô học tiếp thạc sĩ. Đến năm 2012, nghĩ cảnh nhà một mẹ một con, chị đưa mẹ già từ Thái Nguyên về Hà Nội sinh sống, rồi chị lấy chồng và sinh 2 con, xây dựng nhà cửa, sinh sống ổn định ở Hà Nội.
"Đến năm 2016, gia đình tôi mới có hộ khẩu Hà Nội, còn trước đấy muốn làm bất kỳ thủ tục gì từ đăng ký kết hôn, khai sinh cho con, mua thẻ bảo hiểm y tế cho mẹ tôi, làm thủ tục bảo hiểm y tế dưới 6 tuổi cho các cháu... đều phải mất công về Thái Nguyên làm, dù mình không sống ở đó đã gần chục năm. Đi về trong ngày thôi nhưng cũng phải nói khó, vì có khi mình về không đúng ngày, đến nơi đã quá giờ..."
Chị L.
Hoàn cảnh chị L. là câu chuyện chung của hàng triệu người VN di cư đang gặp phải ngay trên đất nước mình.
Nhưng chị L. còn may vì Hà Nội và Thái Nguyên cách nhau chỉ chừng 80km. Những người từ Hà Giang di cư vào Tây Nguyên, hay từ Bắc vào Nam sinh sống, ai cũng "thấm" nỗi khổ hộ khẩu. Là công dân đang đóng góp cho miền quê mới, nhưng họ hầu như không được hưởng quyền lợi gì, từ xin học trường công, đi bệnh viện theo tuyến...
Trao đổi với báo chí ngày 17-10, phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Văn Tân cho biết cá nhân ông phản đối hộ khẩu, vì cách quản lý theo hộ khẩu đã tạo ra rào cản lớn đối với người dân. "Một lần tôi hỏi anh lái taxi ở TP.HCM rằng anh sống ở đây lâu chưa, anh nói đã 10 năm nhưng cũng chưa có hộ khẩu" - ông Tân cho hay.
Cách quản lý theo hộ khẩu tưởng chặt nhưng thực tế lại hóa lỏng. Những năm 2013-2014, mỗi năm có đến hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế bị cấp trùng cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, thậm chí có người có đến 3-4 thẻ bảo hiểm y tế.
Ở một thành phố lớn có đến trên 50.000 người bị trùng mã số thuế cá nhân. Nhiều người bị "phạt nguội" vì hành vi vi phạm giao thông nhưng , vì người vi phạm đã chuyển đi nơi khác sống từ rất lâu rồi.
Dự thảo nghị quyết trung ương 6 đang đặt ra một vấn đề rất mới là cho phép người di cư, kể cả di cư đến đô thị tiếp cận dịch vụ giáo dục, y tế công... bình đẳng với người sở tại.
Không công bằng chính là cản trở mấu chốt mà cách quản lý theo hộ khẩu đang làm người dân khó khăn. Nếu mọi người đều nhận được dịch vụ như nhau, dù "hộ khẩu" ở đâu thì những cản trở của hộ khẩu sẽ được bãi bỏ.
Khi chúng tôi hỏi một quan chức có trách nhiệm về định hướng công bằng trong tiếp cận dịch vụ công, bất kể hộ khẩu ở đâu khi nào thực hiện, quan chức này nói không biết, vì còn cần các cơ quan được giao nhiệm vụ nhanh chóng vào cuộc.
Có gì cần vào cuộc nhanh hơn việc xóa bỏ những cản trở đang làm hàng chục triệu người khó khăn, trong khi họ đang cống hiến sức lao động và sáng tạo cho phát triển đất nước và hạnh phúc của mỗi gia đình?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận