Bao giờ AI sẽ lái máy bay chở khách?

NGUYỄN PHƯỚC THẮNG 29/11/2024 06:26 GMT+7

TTCT - Liệu chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận việc bản thân mình hoặc người thân được "bác sĩ AI" phẫu thuật?

Bao giờ AI sẽ lái máy bay chở khách? - Ảnh 1.

Tương lai của tàu bay chở khách không người lái vẫn là một dấu hỏi lớn. Ảnh:aerosociety.com

Liệu chúng ta đã sẵn sàng chấp nhận việc bản thân mình hoặc người thân được "bác sĩ AI" phẫu thuật? Không dễ trả lời câu hỏi này, bởi công việc của một bác sĩ phẫu thuật luôn gắn liền với tính mạng của con người. Với hàng không cũng vậy, chúng ta đã sẵn sàng ngồi trên máy bay với AI trong buồng lái chưa?

Bao giờ AI sẽ lái máy bay chở khách - năm 2030, 2040, 2050 hay một thời điểm nào khác? Còn trở ngại nào để nhân loại tiến tới đích đến cuối cùng này? Tương lai của AI đối với ngành hàng không rất khó đoán biết.

Nhiều ứng dụng "ngoài rìa"

Phim Hollywood thường mô tả các máy bay có thể ngoặt tránh nhau trong đường tơ kẽ tóc nhờ hệ thống tự động cảnh báo va chạm. Trong đời thực, AI cũng đã được sử dụng trong lĩnh vực này, ví dụ như các tiêu chuẩn mới nhất cho Hệ thống tránh va chạm máy bay (ACAS) đã được phát triển triển thông qua AI. Tuy nhiên thành thực mà nói, ứng dụng này vẫn khá khó hiểu và mang tính "chuyên môn" với nhiều người.

AI còn được ứng dụng rộng rãi trong thiết kế và bảo dưỡng tàu bay. Nhờ khả năng phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ và đưa ra dự đoán, hệ thống bảo dưỡng tàu bay bằng AI có thể liên tục theo dõi tình trạng tàu bay và truyền đạt các lỗi hoặc cảnh báo đến con người và cung cấp cho con người sự lựa chọn phương án bảo dưỡng, sửa chữa tốt nhất và nhanh nhất. Với AI, khả năng sẵn sàng để cất cánh của tàu bay có thể tăng lên tới 35%.

AI còn giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2 từ tàu bay bằng cách tối ưu hóa các đường bay, giúp tàu bay giảm thời gian bay đáng kể, từ đó giảm phát thải khí nhà kính ra bầu khí quyển. Kể thêm vài ứng dụng nữa: AI đánh giá tác động về tiếng ồn của tàu bay ảnh hưởng tới người dân sống ở khu vực gần sân bay và cải thiện, cung cấp dự báo thời tiết chuẩn xác hơn cho phi hành đoàn; cảnh báo các mảnh vỡ, các dị vật trên đường băng, cảnh báo các hiện tượng như chim va đập vào tàu bay; tạo ra các hệ thống làm thủ tục tự động, check in tự động, kiểm soát giấy tờ an ninh tự động bằng việc nhận diện sinh trắc học, giúp hành khách thoải mái…

Có thể thấy dù được ứng dụng rất nhiều trong cuộc sống, đối với ngành hàng không dân dụng, AI vẫn chỉ mon men ở ngoài rìa. Giới khoa học công nghệ và ngành hàng không có thể nói là chưa thỏa mãn với những giá trị AI tạo ra cho ngành. Người ta vẫn nghĩ về đích đến cuối cùng: có những chiếc máy bay chở khách do "phi công AI" lái.

Không nhân cách hóa AI

Cho tới nay, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm soạn thảo và đưa ra các quy định về hàng không trên toàn thế giới, vẫn chưa ban hành bất kỳ quy định nào về AI. Nhưng Mỹ và châu Âu đang nghiêm túc xem xét vấn đề này.

Mới hồi tháng 8, Cục Hàng không liên bang Hoa Kỳ (FAA) lần đầu tiên ban hành hướng dẫn về bảo đảm an toàn khi sử dụng AI trong hoạt động hàng không dân dụng, trong đó ghi rõ: "Tránh nhân cách hóa: AI cần được coi là một công cụ, không phải là một thực thể con người, để duy trì trách nhiệm giải trình rõ ràng và tránh hiểu lầm về khả năng của AI".

Tổ chức An toàn hàng không châu Âu (EASA) đi trước cả Mỹ và ICAO rất xa: lộ trình áp dụng AI cho hàng không châu Âu lầu đầu ban hành vào tháng 2-2020, đến tháng 5-2023 có bản cập nhật. Nguyên tắc chung và cơ bản nhất vẫn là AI không phải là con người, ngoài ra còn có các quy định về đạo đức đối với AI.

Bao giờ AI sẽ lái máy bay chở khách? - Ảnh 2.

Lộ trình AI của Cơ quan An toàn hàng không châu Âu

Với ngành hàng không, "tránh nhân cách hóa AI" và phải xem AI như một thuật toán hoặc máy tính, một công cụ chứ không phải như một con người là thông điệp được lặp lại nhiều lần. Cảnh báo này được cả EU và Mỹ đưa ra bởi ngày nay các nhà phát triển và phương tiện truyền thông thường mô tả AI như những con người thực sự. Các trợ lý ảo thường được đặt cho những cái tên trìu mến như Anna, Alexa… Mặc dù điều này có thể đóng vai trò là một công cụ tiếp thị hiệu quả để bán được nhiều hàng, nó lại "có hại" cho việc đảm bảo an toàn luôn được đặt ở mức tuyệt đối cho tàu bay nói riêng và hàng không dân dụng nói chung.

Nhân cách hóa AI tạo ra sự mơ hồ và không rõ ràng trong việc phân công trách nhiệm bảo đảm an toàn. Giả sử vai trò cơ phó được giao cho AI, nếu có vấn đề gì thì bên chịu trách nhiệm không phải là bản thân thuật toán mà là người thiết kế và phát triển ra nó.

Bên cạnh đó, tàu bay là một hệ thống tự động hóa rất phức tạp và phi công sẽ phải nắm rất nhiều quy tắc xử lý, vận hành hệ thống đồng thời cũng có thể gây ra những hành vi không mong muốn. 

Việc nhân cách hóa AI góp phần tạo ra ấn tượng sai lầm rằng AI cũng là một thực thể phải chịu trách nhiệm khi có trục trặc hay sự cố. Phi công sẽ có sự lầm tưởng rằng họ cũng có thể chỉ đạo, lý luận hoặc thương lượng với AI như một con người. Đó là một sai lầm nghiêm trọng.

Ví dụ, khi tin tặc xâm nhập, cơ phó AI có thể bị nắm quyền điều khiển, đột ngột hạ độ cao máy bay và lao thẳng xuống biển khi tàu bay không gặp trục trặc gì. Lúc đó cơ trưởng sẽ không có giải pháp thương lượng nào hết mà ngay lập tức phải ngắt bỏ nó ra khỏi hệ thống, trực tiếp điều khiển tàu bay không cần bất kỳ chỉ đạo, lý luận hoặc thương lượng nào.

Mơ về 2050?

Hàng không châu Âu hiện chia việc sử dụng AI thành ba cấp độ. Cấp độ 1: Hỗ trợ con người ra quyết định. Cấp độ 2: Hợp tác với con người để ra quyết định. Cấp độ 3: Thay thế hoàn toàn con người. 

Theo lộ trình này, vào năm 2050, AI có thể thay thế cho con người để điều khiển máy bay chở khách. Tuy nhiên lộ trình thực hiện điều này sẽ thường xuyên được cập nhật và trao đổi toàn cầu và không loại trừ khả năng được điều chỉnh để phù hợp thực tiễn, thậm chí từ bỏ giấc mơ.

Quay lại chuyện bác sĩ AI và phi công AI. Sai lầm của một bác sĩ có thể chỉ ảnh hưởng tới một bệnh nhân trong khi đó một sơ suất của một phi công, một nhân viên bảo dưỡng kỹ thuật, một phút lơ đãng của kiểm soát viên không lưu hay thậm chí không kéo thắng tay của nhân viên xe tra nạp nhiên liệu cho tàu bay cũng có thể gây ra những tai họa khủng khiếp, đe dọa tính mạng của hàng trăm hành khách.

Chúng ta có dám đặt tính mạng của hàng trăm hành khách vào AI, một hệ thống đang tiếp tục học và hoàn thiện dần? Với giao thông vận tải đường bộ, có các tiêu chí về giảm số vụ tai nạn, giảm số người chết, số người bị thương, song với hàng không dân dụng toàn cầu thì không có các tiêu chí như vậy mà chỉ có bảo đảm an toàn là ưu tiên số 1, dù ở Hoa Kỳ, châu Âu hay bất cứ nơi đâu.

Không ai muốn nghĩ tới hậu quả của một tai nạn hàng không. Bảo đảm an toàn hàng không là bảo đảm cho những giá trị cao quý nhất mà chúng ta sẽ không thể lấy lại được nữa, đó là trí tuệ và con người. Dù cho AI có tiến bộ và phát triển như thế nào vẫn chỉ là một hệ thống đơn thuần để phục vụ cho sự an toàn và phát triển bền vững của con người - những chủ nhân sáng tạo ra nó.

Vì vậy, cho dù hình ảnh phi công AI đã rất quen thuộc trên phim ảnh hay tiểu thuyết khoa học viễn tưởng tới đâu, trên thực tế có lẽ phải hàng chục năm nữa, nhân loại hay ít ra là các kỹ sư công nghệ, các nhà sản xuất tàu bay hay các nhà chức trách hàng không sẽ vẫn không cho phép điều này xảy ra.

Nói cách khác, tương lai của AI trong vài chục năm nữa chắc chắn vẫn chỉ làm công việc ở "hậu trường" chứ chưa thể lên sàn diễn đóng vai "phi công chính" trong bộ phim "hàng không dân dụng".■

(*) Trưởng phòng khoa học, công nghệ và môi trường Cục Hàng không Việt Nam

Một số điểm khác trong nguyên tắc hướng dẫn đảm bảo an toàn AI của FAA:

AI phải được tích hợp vào khuôn khổ an toàn hàng không hiện tại, tận dụng các quy trình và tiêu chuẩn đã được thiết lập để đảm bảo tính nhất quán và độ tin cậy. Mục tiêu chính là đảm bảo an toàn cho AI trong khi khám phá tiềm năng của nó để nâng cao an toàn tổng thể trong ngành hàng không. Phân biệt giữa AI tĩnh (đã học) và AI động (đang học), vì mỗi loại đều đưa ra những thách thức khác nhau về an toàn và vận hành. FAA khuyến khích việc tích hợp AI một cách từ từ, cho phép các phương pháp đảm bảo an toàn phát triển cùng với kinh nghiệm thực tế.

Theo FAA, AI sẽ được tận dụng để cải thiện các quy trình an toàn, từ phát triển hệ thống đến giám sát và thử nghiệm thời gian thực. Nghiên cứu liên tục sẽ tập trung vào việc phát triển và xác minh các phương pháp đảm bảo an toàn AI và khám phá cách AI có thể nâng cao hơn nữa an toàn hàng không. "Các phương pháp đảm bảo an toàn sẽ được điều chỉnh và phát triển riêng biệt cho AI, đảm bảo an toàn cho tất cả các hệ thống AI sử dụng trong ngành hàng không" - văn bản viết.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận