Phóng to |
Bố mẹ cần quan tâm đến những trạng thái tâm lý của trẻ (Ảnh chỉ để minh họa) - Ảnh: Hồng Vĩnh |
Gần 20% trẻ dưới 16 tuổi có vấn đề sức khỏe tâm thần
TS Ngô Thanh Hồi - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết dự án “Chăm sóc sức khỏe tâm thần học sinh trường học tại Hà Nội” là dự án hợp tác quốc tế giữa Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương với Trường ĐH Melbourne (Úc).
Thực tế những năm gần đây, rất nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần đang nổi lên như stress, lo âu, ám ảnh, trầm cảm, tự sát trong học sinh trường học, vấn đề “hysterya tập thể”, các biểu hiện suy nhược và rối loạn dạng cơ thể...
Theo TS Hồi, trẻ em vô tình bị đẩy vào những tình huống buộc phải tự lập cũng như phải đối mặt với quá nhiều tác động có hại do mặt trái của nền kinh tế thị trường, trong khi các em không có cơ hội trang bị đủ kiến thức cần thiết về tâm lý.
TS Hồi cho biết, trong nhà trường luôn luôn có một tỉ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm lý tâm thần. Theo đó 15,94% em có rối nhiễu về tâm lý trong tổng số học sinh các cấp học, lạm dụng chất gây nghiện đang tăng nhanh chóng, với số thanh thiếu niên. Trong số các ca tự sát, 10% ở độ tuổi 10-17.
Nghiên cứu 21.960 thanh thiếu niên Hà Nội phát hiện 3,7% em có rối loạn hành vi. Khảo sát sức khỏe tâm thần học sinh trường học thành phố Hà Nội bằng công cụ SDQ của Tổ chức Y tế Thế giới chuẩn hóa VN cho thấy trên mẫu nghiên cứu gồm 1.202 học sinh tiểu học và trung học cơ sở trong độ tuổi 10-16 tuổi, tỷ lệ học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần chung là 19,46%. Tỷ lệ này đối với nam, nữ, tiểu học, trung học cơ sở, nội thành, ngoại thành không có gì khác biệt.
Những khó khăn về ứng xử của học sinh trong nghiên cứu của Bệnh viện Mai Hương chiếm 9,23%. Lứa tuổi 10-11 có tỷ lệ 42-46% gặp khó khăn về ứng xử. Đặc biệt có sự chênh lệch rất lớn về khó khăn trong ứng xử giữa học sinh nam (84.60%) và học sinh nữ (15,40%). TS Hồi cũng lưu ý, trong lĩnh vực tâm lý trẻ em, những phân biệt đối xử của ông bà, cha mẹ thậm chí định kiến bất bình đẳng về giới cũng có tác động đến ứng xử của trẻ.
Theo khảo sát của dự án, quận Hai Bà Trưng có tỷ lệ học sinh gặp khó khăn về ứng xử cao nhất với 44,2%, so với các quận còn lại là Hoàng Mai (28,8%), Từ Liêm (26,9%). Điều này cho thấy ảnh hưởng của điều kiện sống, môi trường sống tác động đến hành vi ứng xử của các em.
Bệnh viện Tâm thần Mai Hương sẽ lên kế hoạch trị liệu hàng tháng cho trẻ có chỉ định và gia đình trẻ; tổ chức tập huấn gia đình 6 tháng một lần và các gia đình có cơ hội chia sẻ và học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Các nhà tâm lý và bác sĩ chuyên khoa sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn cho các gia đình có con gặp trục trặc về sức khỏe tâm thần.
Thiếu kiến thức về sức khỏe tâm thần
Các vấn đề liên quan đến phát triển trí tuệ, rối loạn nhân cách hành vi như rối loạn cảm xúc, rối loạn tăng động, rối loạn ứng xử, xung động bạo lực, nghiện rượu và ma túy, rối loạn ăn uống dẫn tới béo phì, đều là các rối loạn báo hiệu sức khỏe tâm thần gặp trục trặc.
TS Hồi cho biết nguyên nhân của các rối loạn trên hầu hết là phức tạp, có những vấn đề y học chưa hiểu biết hết. Theo TS Hồi, có giả thiết có sự bất thường về thể chất đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sinh ra những rối loạn này. Điều trị bằng thuốc và các liệu pháp tâm lý hành vi sẽ giúp giảm bớt bệnh tình.
Những rối loạn cảm xúc như lo âu, trầm cảm làm giảm sút đáng kể sự phát triển và khả năng học của học sinh. Các rối loạn hành vi phá vỡ nghiêm trọng sự phát triển về mặt xã hội và có thể dẫn tới mắc các chứng bệnh tâm thần về lâu dài. Can thiệp sớm, với trọng tâm là giải quyết các xung đột gia đình và những rắc rối trong quan hệ của bố mẹ trẻ, giúp ngăn ngừa hữu hiệu những hậu quả có hại về sau.
Trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50% dân số VN. Tuy nhiên, hiểu biết của người dân về vấn đề chăm sóc sức khỏe tâm thần cho đối tượng này còn nghèo nàn. Thậm chí, trong ngành y tế chỉ một số lượng nhỏ nhân viên làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em. Chính họ cũng thiếu kỹ năng cần thiết để chăm sóc bệnh nhân.
Những biểu hiện về sức khỏe tâm thần Theo TS Hồi, các rối loạn hành vi có đặc trưng về sức khỏe tâm thần là các biểu hiện quá đáng của sự càn quấy và bắt nạt, sự độc ác đối với súc vật và những người khác, sự phá hoại nặng nề tài sản của người khác, hành vi gây cháy, trộm cắp, nói dối nhiều lần, trốn học và bỏ nhà, những cơn giận dữ trầm trọng bất thường, tác phong khiêu khích, bướng bỉnh, không vâng lời trầm trọng và dai dẳng. Các rối loạn tăng động có đặc trưng khởi phát bệnh sớm (5 năm đầu), là sự kết hợp một hành vi hoạt động quá mức với sự kém tập trung chú ý và thiếu kiên trì trong công việc, những đặc điểm trên diễn ra trong nhiều hoàn cảnh như ở nhà, ở trường học hoặc trong bệnh viện kéo dài với thời gian dài. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận