06/01/2018 13:31 GMT+7

Báo động khẩn thiết từ những kho phế liệu

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Vụ nổ kho phế liệu ở Bắc Ninh vừa qua như hồi chuông báo động khẩn thiết kêu cầu những giải pháp tích cực, quyết liệt nhằm ngăn chặn bi kịch bom đạn cũ xảy ra từ các cơ quan hữu trách.

Báo động khẩn thiết từ những kho phế liệu - Ảnh 1.

Vỏ đạn la liệt trong sân một ngôi nhà - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Vụ nổ tại vựa buôn phế liệu của ông Nguyễn Văn Tiến ở xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) gây thiệt hại lớn về người và tài sản khiến dư luận bàng hoàng. Nỗi hoang mang càng trùm lên khi còn rất nhiều vựa phế liệu vẫn đang tồn tại trong khu dân cư.

Vật phát nổ là những quả đạn pháo từ thời chiến tranh còn sót lại, được chủ vựa mua từ người rà tìm sắt thép phế liệu ở các nơi. 

Như lời khai của chủ vựa Tiến, số đạn pháo cũ có cả đầu nổ được ông mua từ cuối năm 2016 để tháo gỡ lấy các loại phế liệu bán lại lên đến 5 tấn!

Nguy cơ phát nổ: không sớm thì muộn

Hình ảnh ghi nhận từ hiện trường vụ nổ cho thấy còn lại cả một đống lớn những quả đạn pháo (chưa phát nổ) càng nói lên sự kinh hoàng: nếu thêm một ít trong số quả đạn này cùng phát nổ từ những tác động kích hoạt dây chuyền như vốn hay xảy ra (ở các vụ nổ kho đạn pháo), mức độ tàn phá còn khủng khiếp hơn nữa.

Sức công phá và gây sát thương của chỉ mỗi một quả đạn pháo ai cũng biết là rất lớn. Với việc tích chứa hàng tấn đạn pháo cũ có đầu nổ ở vựa buôn của ông Tiến, trong quá trình tháo mở (để tách lấy các loại phế liệu), những bất trắc xảy ra gây nổ là điều chắc chắn không thể tránh được. 

Bởi vậy, việc xảy ra thảm họa vừa rồi ở vựa chứa có quy mô cực lớn này là điều tất yếu, không sớm thì muộn.

Chỉ chừng dăm ba năm nay đã thấy bi kịch xảy ra gần như có đều ở mọi miền, mà mỗi vụ/quả đạn pháo cũ gây chết ít nhất là 2 người, còn nhiều đến 5-7 người. 

Đơn cử một gia đình ở xã Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam tan tác vì cưa bom bi: vợ chồng cùng hai con chết, hai đứa bị thương, một người bạn cùng cưa đạn cùng chết năm 2004.

Bi kịch chết vì cưa, đập, tháo mở đạn pháo cũ với những người làm "nghề" rà tìm sắt thép phế liệu diễn ra tự phát ở những địa điểm ngoài khu dân cư (đến nay vẫn còn) là điều khó đưa vào vòng quản lý, kiểm soát của ngành chức năng. 

Tuy nhiên, hiện nay các điểm mua phế liệu có đều ở mọi nơi, vẫn có không ít nơi còn mua các loại đạn pháo cũ, các vật liệu nổ cũ gây sát thương từ chiến tranh còn lại không ít thì nhiều. 

Vụ việc ở Bắc Ninh vừa qua như hồi chuông báo động khẩn thiết kêu cầu những giải pháp tích cực, quyết liệt nhằm ngăn chặn bi kịch bom đạn cũ xảy ra từ các cơ quan hữu trách.

Phó thủ tướng thường trực yêu cầu điều tra vụ nổ tại Bắc Ninh

TTO - Văn phòng Chính phủ vừa phát thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về vụ nổ nghiêm trọng xảy ra tại xã Văn Môn, huyện Yên Phong, Bắc Ninh sáng 3-1.

Chính quyền phải có giải pháp mạnh

Những giải pháp ngăn chặn thảm họa này xảy ra đối với các chủ buôn phế liệu không khó khăn. 

Chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng cần vận dụng mạnh mẽ các điều khoản của hình luật để cấm hẳn hoặc hạn chế, điều kiện hóa việc mua các loại đạn pháo, vật liệu nổ cũ thời chiến tranh còn lại, áp dụng những hình phạt, chế tài thích đáng với ai vi phạm. 

Cấm mua, tích chứa các loại đạn dược cũ này cũng nằm trong yêu cầu bảo vệ an ninh - quốc phòng.

Ngành quân sự địa phương cần quản lý chặt chẽ các loại đạn pháo, vật liệu nổ cũ thời chiến tranh, thường xuyên phối hợp với nhiều ngành liên quan kiểm tra các kho chứa phế liệu tại địa phương để kịp phát hiện những chủ buôn vi phạm nhằm có biện pháp xử lý. 

Còn với những người chuyên rà tìm phế liệu, nên chăng tạo cơ chế ngân sách để mua từ họ với giá phải chăng những đạn pháo, vật liệu nổ cũ thời chiến tranh mà họ tìm được.

Lượng bom đạn cũ từ chiến tranh còn lại tiềm ẩn trong lòng đất, bụi bờ vẫn không ít. Người săn tìm sắt thép phế liệu vẫn còn nhiều. 

Chỉ có những giải pháp mạnh từ chính quyền cộng với ý thức bảo vệ sự an toàn cuộc sống cho mình, cho cộng đồng của người dân góp vào mới ngăn ngừa được bi kịch bom đạn, vật liệu nổ cũ thời chiến tranh còn lại. Không thể để sự vụ ở Văn Môn tái diễn.

Luật sư HỨA THỊ THẢO (Đoàn luật sư TP.HCM)

Luật quy định rất chặt

h2 luat su hua thi thao 2(read-only)

Người dân và các cơ sở mua, tàng trữ, bán phế liệu là đầu đạn, bom, súng các loại (là vũ khí) hoặc thuốc nổ, thuốc pháo (vật liệu nổ) vi phạm bị xử phạt hành chính, hình sự tương ứng.

Pháp lệnh số 16 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có quy định nghiêm cấm các hành vi "Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ".

Pháp lệnh cũng buộc các tổ chức, cá nhân (không thuộc đối tượng được trang bị, sử dụng theo quy định của pháp luật mà có từ bất kỳ nguồn nào; phát hiện, thu nhặt được...) phải khai báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho cơ quan quân sự, công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Nếu tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định 167.

Theo đó, xử phạt hành vi sử dụng vũ khí, sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (mức phạt cao nhất đến 40 triệu đồng).

Hành vi không giao nộp vũ khí, vật liệu nổ (mà cất giữ, tàng trữ) bị xử phạt theo điểm g khoản 3 điều 10 nghị định 167, mức phạt cao nhất 4 triệu đồng.

Ngoài ra, tùy mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý trách nhiệm hình sự theo hai tội danh: tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự (điều 304 Bộ luật hình sự 2015) và tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (điều 305 Bộ luật hình sự 2015).

Ông NGUYỄN TIẾN DŨNG (P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM)

Cần dời ra khỏi khu dân cư

h1 nguyen tien dung 2(read-only)

Khu vực nhà tôi ở cũng có không ít cơ sở mua phế liệu tồn tại xen kẽ với dân cư.

Theo tôi, về lâu dài, Nhà nước nên dời các cơ sở mua phế liệu ra xa khu dân cư.

Cũng cần có quy định, siết chặt các điều kiện thiết kế, bố trí thiết bị an toàn, thiết bị phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở mua phế liệu.

Với các cơ sở mua phế liệu tồn tại trong khu dân cư thì chính quyền địa phương cần thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Tôi thấy rất lo lắng khi các vựa phế liệu mua bán, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ gì không ai hay biết, chính quyền cũng không kiểm tra chặt, đến lúc có hậu quả thì quá nhiều người gánh.

ÁI NHÂN ghi

Nổ lớn kho phế liệu ở Bắc Ninh, nhiều căn nhà bị san phẳng

TTO - Vụ nổ xảy ra lúc khoảng 4h10 sáng nay 3-1 tại một kho phế liệu ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh), nguyên nhân ban đầu là do chế xuất vật liệu nổ.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên