Môi trường của Nam Cực có tác động to lớn đến Trái đất, từ khí hậu đến tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống. Do đó các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến những thay đổi ở khu vực này.
Một nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học Úc đã chỉ ra tình trạng đáng báo động: nồng độ oxy ở độ sâu của đại dương Nam Cực đang giảm với tốc độ nhanh hơn nhiều so với dự đoán.
Khi dải băng ở Nam Cực tan chảy dưới tác động của khí hậu ấm lên, quá trình chìm xuống của hàng tấn nước mặn giàu oxy trên mặt đại dương chậm lại. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến một quá trình cực kỳ quan trọng: giúp bổ sung oxy cho đại dương sâu thẳm.
Khi nước mặn đậm đặc chứa oxy chìm xuống, nó trở thành nước đáy Nam Cực (AABW). Nhóm nghiên cứu từ Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) giải thích rằng quá trình này có thể được mô tả là "bơm oxy" vào Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Tiến sĩ Kathy Gunn, người đứng đầu nghiên cứu, cùng với nhóm của mình đã sử dụng một phương pháp mới để đo lường sự lưu thông sâu ở Nam Cực, còn được gọi là Nam Đại Dương.
Họ kết hợp dữ liệu quan sát với mô phỏng mô hình. Bên cạnh các quan sát do tàu thực hiện, họ cũng xem xét các phép đo tốc độ, nhiệt độ và độ mặn của nước từ các thiết bị gắn vào dây neo dưới đáy biển.
“Các quan sát của chúng tôi cho thấy sự lưu thông của đại dương sâu xung quanh Nam Cực đã chậm lại khoảng 30% kể từ những năm 1990", tiến sĩ Kathy Gunn cho biết.
Trong khi mô hình trước đây dự đoán sự lưu thông AABW có thể chậm hơn 40% vào năm 2050, phát hiện mới cho thấy sự suy giảm này đã đến sớm hơn nhiều.
Một trong những hệ quả quan trọng của quá trình này là khiến cho đáy các đại dương trở nên tù đọng.
Ông Matthew England cho biết thêm: “Điều này sẽ tiêu diệt các chất dinh dưỡng trong đại dương sâu thẳm, làm giảm các chất dinh dưỡng có sẵn để hỗ trợ sinh vật biển gần bề mặt đại dương”.
Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng sự suy giảm tổng thể về nồng độ oxy đang làm thay đổi cấu trúc và tính chất hóa học của đại dương sâu thẳm, và điều này có thể có tác động sâu rộng trong những năm tới.
Những phát hiện trên được công bố trên tạp chí Nature Climate Change.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận