Ngoài các thành phần có khả năng gây nguy hiểm cho con người như chì và cadmium, các tấm pin mặt trời còn sử dụng nhiều loại vật liệu khác như thủy tinh, nhôm và silicon. Chúng có thể gây ra mối đe dọa cho môi trường nếu không được xử lý đúng cách và vứt vào bãi chôn lấp, theo trang Oil Price.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều quốc gia và khu vực đã đưa ra luật và tiêu chuẩn liên quan đến việc thải bỏ các tấm pin mặt trời một cách thích hợp.
Ví dụ, Chỉ thị về chất thải điện và điện tử (WEEE) của Liên minh châu Âu đưa ra các hướng dẫn chính xác về việc thu thập, xử lý, tái chế và thu hồi các tấm pin mặt trời.
Trong khi đó, Đạo luật Phục hồi và Bảo tồn tài nguyên Mỹ (RCRA) quy định việc xử lý và tiêu hủy nhiều chất thải nguy hại, trong đó có một số loại tấm pin mặt trời.
Tuy nhiên bất chấp những luật và quy định này, dữ liệu chỉ ra rằng chưa đến 10% số tấm pin đã ngừng hoạt động ở Mỹ được tái chế.
Tương tự như vậy, tỉ lệ tái chế các tấm pin mặt trời ở Liên minh châu Âu cũng vào khoảng 10%, mặc dù luật pháp EU quy định các nhà sản xuất tấm pin mặt trời phải thu hồi tối thiểu 80% khối lượng của mỗi tấm pin.
Tệ hơn nữa, các nỗ lực tái chế tấm pin mặt trời vẫn còn ở giai đoạn đầu và có thể không tiến triển đủ nhanh để loại bỏ những thiệt hại đã gây ra.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), thế giới có thể chứa 78 triệu tấn rác chỉ từ các tấm pin mặt trời vào năm 2050.
Dù thế nào đi nữa, điều quan trọng vẫn là đảm bảo các tấm pin mặt trời được tái chế hoặc lưu trữ thích hợp để tránh chúng bị đưa vào bãi chôn lấp và gây hại lâu dài cho môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận