Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam (tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) gia công giày Nike trong giờ làm - Ảnh: A LỘC
Ngày 5-1, truyền thông Trung Quốc đại lục và Đài Loan đồng loạt đưa tin Việt Nam đã thay thế Trung Quốc trở thành nhà sản xuất chính của giày thể thao Nike.
Trang Đệ Nhất Tài Kinh (Yicai) của Trung Quốc đăng bài viết với tiêu đề: "Ai đang sản xuất giày Nike: Trong 10 năm, Việt Nam đã thay thế Trung Quốc".
"Nếu người tiêu dùng Trung Quốc chọn một đôi giày thể thao trong các cửa hàng của Nike, rất có thể họ sẽ chọn sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Trước năm 2010, Trung Quốc là nước sản xuất các sản phẩm giày Nike lớn nhất. Nhưng hiện nay, hơn một nửa lượng giày của Nike được sản xuất tại Việt Nam. Tương tự, quốc gia sản xuất chính của Adidas không còn là Trung Quốc.
Thế lực nào đã đẩy Nike và Adidas từ 'Made in China' thành 'Made in Vietnam'? Trung Quốc đã mất gì trong sự xê dịch to lớn của ngành sản xuất này?", Yicai viết.
Trong khi đó, theo Hãng tin CNA của Đài Loan, báo cáo tài chính của Nike cho thấy năm 2021, có đến 51% số giày thể thao của hãng giày nổi tiếng toàn cầu này được sản xuất tại Việt Nam. Còn tỉ lệ sản xuất tại Trung Quốc giảm xuống còn 21%, so với mức 35% vào năm 2006.
"Tại sao Việt Nam trở thành sự lựa chọn tốt nhất cho các ông lớn ngành đồ thể thao? Chính sách ưu đãi thuế và nhân công giá rẻ đã thu hút ngành giày" - trang Yicai của Trung Quốc đưa ra lời giải thích.
Ngay cả Indonesia cũng đã vượt mặt Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất các sản phẩm giày Nike lớn thứ hai vào năm 2020, khi tỉ lệ sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này tăng từ mức 21% lên 26% trong 15 năm qua.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định việc dây chuyền sản xuất giày của Nike và các thương hiệu sản phẩm thể thao quốc tế dần rút khỏi Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực đến ngành sản xuất Trung Quốc. Điều này cũng đồng nghĩa Trung Quốc sẽ mất đi nhiều cơ hội việc làm, những khoản đóng thuế khổng lồ, môi trường cạnh tranh lành mạnh…
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, vào đầu tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp giám đốc phát triển bền vững Noel Kinder của Tập đoàn Nike bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh). Trong cuộc trao đổi, ông Kinder thông báo toàn bộ gần 200 nhà máy cung cấp hàng cho Nike ở các địa phương Việt Nam bị đứt gãy do dịch COVID-19 đã quay lại sản xuất.
Nike cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Dù không sở hữu nhà máy ở Việt Nam nhưng Nike đang làm việc với rất nhiều nhà máy của 200 nhà cung cấp ở Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận