Nhà máy thủy điện Coca Codo Sinclair của Ecuador được xây bằng quỹ của Trung Quốc - Ảnh: SCMP |
Thật ra nhận định này được giới phân tích cảnh báo vài lần từ khi ông Trump đắc cử, trong khi xu hướng đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ Latin đã kéo dài hơn một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, các cột mốc gần đây đã khẳng định xu hướng gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Mỹ Latin.
Nhiều nước nghiêng về Trung Quốc
Tờ Sputnik của Nga điểm lại những thông điệp mà Trung Quốc gửi đi thời gian qua. Chẳng hạn ngay sau khi ông Trump đòi áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu Mexico để thay cho phí xây dựng bức tường ngăn người nhập cư ở biên giới, truyền thông Trung Quốc lập tức đưa tin thỏa thuận của Tập đoàn JAC (Trung Quốc) với Mexico sản xuất xe hơi cho thị trường Trung Quốc và những chiếc xe đầu tiên sẽ ra lò ngay trong năm 2017.
Trong khi đó, chính sách bảo vệ việc làm của tân tổng thống Mỹ khiến Mexico hụt mất nhà máy trị giá 1,6 tỉ USD của Ford.
Chỉ vài ngày sau khi ông Trump đắc cử, Bắc Kinh đã ra sách trắng gọi Mỹ Latin và Caribbean là “vùng đất của sức sống và hi vọng” cùng kế hoạch triển khai các cam kết thương mại đầu tư tại đây.
Cùng lúc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên đường đến Mỹ Latin thăm các nước Ecuador, Peru và Chile, trong khi các công ty Trung Quốc công bố hàng loạt thỏa thuận trị giá nhiều tỉ USD tại khu vực này.
Việc ông Trump lên nắm quyền cũng diễn ra đồng thời với giai đoạn kinh tế khu vực Mỹ Latin bước vào năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm và trông chờ sự hỗ trợ từ Washington.
“Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, căng thẳng đã gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Brazil, Argentina và những nước khác trong khu vực có nhiều khác biệt với Mỹ. Họ cũng sợ rằng xu hướng chủ trương bảo hộ của ông Trump có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mình.
Tất cả các nước trên đều đang nhích gần hơn đến Trung Quốc” - chuyên gia cấp cao người Nga Alexander Kharlamenko nói, ám chỉ những chính sách gây căng thẳng của tân tổng thống Mỹ khi đòi áp thuế cao đối với các mặt hàng nhập khẩu của Trung Quốc và xây tường dọc biên giới Mexico, rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Không bỏ lỡ cơ hội
Các chuyên gia Nga và Trung Quốc nhìn thấy cơ hội lớn cho hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latin, trong bối cảnh khu vực đang chuyển mình để rũ bỏ chủ nghĩa bảo hộ và quay lại thị trường tự do.
“Brazil và Argentina, hai nền kinh tế lớn nhất và thứ ba khu vực, đang được dẫn dắt bởi những tổng thống mới ủng hộ thị trường tự do. Đó sẽ là một sai lầm lớn nếu bỏ lỡ cơ hội này” - tờ Telegraph của Anh mới đây cũng cảnh báo đồng minh Mỹ
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nói quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Mỹ Latin là đa chiều, bao gồm đầu tư, thương mại và tài chính. Thị trường Mỹ Latin rất cần đầu tư” - chuyên gia Fan Hesheng thuộc một trung tâm nghiên cứu Mỹ Latin của Trung Quốc cho biết. Bắc Kinh đến nay đã cam kết sẽ tăng thương mại tại “sân sau của Mỹ” lên 500 tỉ USD và đầu tư nước ngoài hơn 250 tỉ USD vào năm 2025.
Trung Quốc đang gửi đến Mỹ một thông điệp mạnh mẽ rằng Bắc Kinh sẽ không đứng ngoài những thay đổi ở Mỹ Latin mà sẽ tận dụng chúng, nhà phân tích chính trị Alexei Martynov đánh giá.
“Không ai trong khu vực kỳ vọng vào các chính sách thật sự tích cực từ ông Trump. Mỹ đã nhường sân cho Trung Quốc đóng vai quan trọng hơn tại khu vực” - chuyên gia về Trung Quốc Margaret Myers cho biết.
Sputnik cũng dẫn lời nhà kinh tế Peru Daniel Carpio nói và tin chắc rằng sau khi Mỹ rút khỏi TPP, nhiều khả năng Mỹ Latin sẽ siết chặt quan hệ với Trung Quốc hơn nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận