23/10/2015 12:02 GMT+7

Báo chí dậy sóng vì giải Hòa bình Khổng tử Trung Quốc

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TTO - Báo chí quốc tế đang xôn xao với việc Trung Quốc trao giải Hòa bình Khổng Tử, “đối trọng” với giải Nobel Hòa bình, cho Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe - Ảnh: Reuters

 

Giải Hòa bình Khổng Tử được công bố một cách lặng lẽ hồi cuối tháng trước. Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, ông Mugabe đã đánh bại hàng loạt ứng cử viên lớn, trong đó có người sáng lập hãng Microsoft Bill Gates và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye.

Nhiều tranh cãi

“Kể từ khi lên nhậm chức tổng thống Zimbabwe vào thập niên 1980, Robert Mugabe đã nỗ lực tái lập trật tự chính trị và kinh tế của đất nước, cải thiện đời sống của người dân Zibabwe” - Thời báo Hoàn Cầu  dẫn tuyên bố của Trung tâm Nghiên cứu hòa bình quốc tế Trung Quốc (CIPRC).

Không rõ ông Mugabe có đến Trung Quốc để nhận giải thưởng trị giá 500.000 NDT, tương đương 78.000 USD, hay không nhưng sự lựa chọn của CIPRC đã khiến báo chí quốc tế dậy sóng. Bởi ông Mugabe bị phương Tây cáo buộc là một nhà độc tài trị vì với bàn tay sắt trong suốt 35 năm qua.

Các tổ chức nhân quyền nhiều lần tố cáo chính quyền Mugabe bắt giữ trái phép và tra tấn thường dân, tàn sát người chống đối. Báo Washington Post dẫn lời chuyên gia Jeffery Smith của tổ chức Nhân quyền Robert F. Kennedy mô tả giải Hòa bình Khổng tử 2015 là “trò lừa đảo”.

Tất nhiên người Trung Quốc có thể phản bác rằng đó chỉ là quan điểm một chiều của phương Tây. Nhưng tình trạng kinh tế tồi tệ của Zimbawbe được chứng minh bằng số liệu cụ thể, và hoàn toàn trái ngược với sự mô tả của CIPRC rằng ông Mugabe “cải thiện đời sống nhân dân”.

Các thống kê cho thấy trong thời kỳ ông Mugabe nắm quyền, tuổi thọ trung bình của người dân Zimbabwe giảm 15 năm xuống còn 40. Khoảng 60% người lao động không có việc làm, phần còn lại kiếm được chưa đầy 1 USD mỗi ngày.

Hệ thống y tế sụp đổ, khoảng 25% người dân nhiễm HIV/AIDS. Từ cuối thập niên 1990, nạn lạm phát khủng khiếp bùng lên ở Zimbabwe. Ở thời kỳ đỉnh cao giữa tháng 11-2008, tỷ lệ lạm phát của đất nước châu Phi này tăng lên đến 79.600.000.000%.

Đến mức mà chính quyền Zimbabwe phải phát hành những đồng tiền mệnh giá từ 10.000.000.000 đôla cho đến 100.000.000.000 đôla. Toàn bộ nhân dân Zimbabwe đều trở thành tỷ phú, nhưng có lúc mỗi tờ tiền với một đống số 0 đó không mua nổi một ổ bánh mì.

Vũ khí đối trọng

CIPRC mô tả giải Hòa bình Khổng Tử là “đối trọng với giải Nobel Hòa bình”, có sứ mệnh quảng bá hòa bình quốc tế theo quan điểm phương Đông.

Trong xã luận đăng trên tờ Thời báo Hoàn Cầu tháng 11-2010, doanh nhân Trung Quốc Liu Zhiqin khẳng định một giải thưởng hòa bình của Trung Quốc sẽ là “vũ khí trong cuộc chiến tư tưởng”.

Kết quả giải Hòa bình Khổng Tử năm 2015 đã phản ánh rõ ràng sự vô nghĩa của nó. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo đối với thế giới về các “đối trọng” mà Trung Quốc lập ra trong thời gian qua.

Diễn đàn Hương Sơn do Hiệp hội khoa học quân sự Trung Quốc (CAMS) tổ chức ở Bắc Kinh mới đây được xem là “đối trọng” với Đối thoại Singri-La ở Singapore.

Tuy nhiên giới học giả quốc tế chỉ trích Diễn đàn Hương Sơn chỉ là cái loa phóng thanh để Bắc Kinh “tuyên bố chủ quyền” ở biển Đông. 

Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với số vốn 100 tỷ USD cũng được Trung Quốc thành lập để làm “đối trọng” với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

AIIB đã thu hút nhiều quốc gia nhưng Mỹ và Nhật tỏ ra rất thận trọng. Ý đồ của Trung Quốc với AIIB là gì? Xét từ “đối trọng” giải Hòa bình Khổng Tử và Diễn đàn Hương Sơn, sự đề phòng của Washington và Tokyo là hoàn toàn có cơ sở. 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên