Chính phủ và Bộ Thông tin - truyền thông đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Theo đó, nếu không ghi rõ họ, tên thật hoặc bút danh của tác giả, nhóm tác giả của tin, bài khi sử dụng để đăng, phát trên báo chí sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.
Hành vi đăng, phát ảnh của các cá nhân đều phải xin phép, nếu không sẽ bị phạt từ 2 triệu đến 6 triệu đồng...
Tuy nhiên khi được hỏi, một số luật sư và người liên quan cho rằng cần phải quy định rõ ràng, chi tiết để không "trói tay" nhà báo.
Phải quy định cụ thể
TS Nguyễn Quang Hòa |
Hiện nay, đa số phóng viên tự đánh giá tính chất, mức độ ảnh hưởng của tin bài để quyết định việc có xin phép cá nhân trước khi đăng tải hình ảnh của họ hay không. Ví dụ như đăng hình sinh viên đang
hiến máu nhân đạo, làm từ thiện, một người thợ đang làm việc, ca sĩ đang biểu diễn thì phóng viên nghĩ đương nhiên không cần xin phép. Tuy nhiên, hiện nay cũng có nhiều cơ quan báo chí vô tình hoặc cố tình đăng tải hình ảnh của công dân mà không xin phép đã làm xáo trộn cuộc sống của họ.
Tôi nghĩ dự thảo cần quy định cụ thể để dễ áp dụng. Theo đó, phải quy định trường hợp nào báo chí được đăng, phát mà không cần xin ý kiến.
Ví dụ hình ảnh ca sĩ đang biểu diễn, đại biểu Quốc hội đang phát biểu, công an đang làm nhiệm vụ... thì không cần xin phép. Riêng những hình ảnh công dân khi đăng tải lên sẽ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thì phải hỏi ý kiến họ trước khi đăng báo.
Còn nếu cứ quy định chung chung như dự thảo sẽ nảy sinh tranh chấp sau này mà tòa án và các cơ quan hành chính giải quyết không xuể.
Không ổn khi bắt xin phép mọi trường hợp
Là người đọc báo thường xuyên và thường viết bài cộng tác với báo chí, tôi thấy dự thảo quy định của Bộ Thông tin - truyền thông giúp các cơ quan báo chí có thể quản lý về tính trung thực, chính xác của tin bài, tránh những thông tin thiếu chính xác, không minh bạch. Việc đưa hình ảnh cá nhân lên báo phải có sự xin phép cũng vậy. Tôi đồng ý là có những hình ảnh khi đăng tải, mang tính tế nhị và riêng tư thì phải được sự đồng ý của nhân vật. Nhưng nếu quy định trong mọi trường hợp báo chí đăng hình ảnh cá nhân đều phải xin phép (nếu không sẽ bị xử phạt) thì sẽ không ổn. Bởi khi tác nghiệp tại các sự kiện nóng hoặc trong một số trường hợp hình ảnh tập thể... thì không thể lúc nào cũng xin phép và được sự đồng ý mới được sử dụng. Việc đề tên tác giả dưới bài viết, theo tôi, nên quy định tác giả có thể để bút danh hoặc họ tên thật. Nhiều người khi viết báo vì nhiều lý do tế nhị hay nội dung tin bài mang tính đấu tranh chống tiêu cực nên họ muốn “ẩn” đi tên tuổi thật của mình có khi vì sự an toàn cho chính họ. |
Sử dụng ảnh cá nhân: phải được đồng ý
Luật sư Hoàng Cao Sang |
Bộ luật dân sự 2015 đã có quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Có lẽ trên tinh thần của Bộ luật dân sự mà dự thảo nghị định đã quy định báo chí nếu đăng hình ảnh của công dân mà chưa xin phép sẽ bị xử phạt.
Tôi ủng hộ quy định này bởi thực tế có nhiều tờ báo đăng tải hình ảnh cá nhân mà không xin phép, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Có trường hợp bị cáo ra tòa dù chưa bị kết tội nhưng vẫn bị báo chí chụp hình đăng báo.
Tuy nhiên, dự thảo nên quy định thêm một số trường hợp báo chí chụp hình đăng tải mà không cần xin ý kiến như hình ảnh tại các buổi hội nghị, các hoạt động mang tính chất đại chúng như văn nghệ, thể thao.
Đừng làm “run tay” nhà báo Theo quan điểm của tôi, không phải “mọi trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân đều phải xin phép”, vì nếu như vậy nhà báo sẽ bị “trói tay” và gặp khó khăn khi tác nghiệp.
Nhà báo nếu sử dụng hình ảnh cá nhân vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc sử dụng hình ảnh từ các hoạt động công cộng thì đương nhiên không cần xin phép. Vì vậy, cần quy định trường hợp nào được phép đăng ảnh cá nhân, trường hợp nào không được phép và nếu đăng thì bị xử phạt tương đối cụ thể, rõ ràng thì mới không làm “run tay” nhà báo, đồng thời cũng tránh các trường hợp người có mặt trong ảnh, vì một lý do nào đó “không thích” lại cố tình gây khó dễ, thậm chí khiếu nại kiện cáo cơ quan báo chí một cách tùy tiện. Pháp luật một số nước cũng đưa ra các hạn chế đối với việc sử dụng hình ảnh của một số đối tượng yếu thế lên các phương tiện thông tin đại chúng nếu không được người đó hoặc người bảo hộ của người đó đồng ý như đối với người khuyết tật, trẻ em, người mất năng lực hành vi... Các quy định này cũng đã được quy định trong Luật trẻ em. Như vậy, nghị định của Chính phủ khi ban hành cần bám sát các quy định của Bộ luật dân sự để đảm bảo quyền về hình ảnh của công dân cũng như quyền tác nghiệp của báo chí. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận