Trong báo cáo, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục khẳng định Công ty Đại Nam đã “phân lô bán nền” trong KCN Sóng Thần 3, làm sai quy định pháp luật và chỉ đạo của tỉnh. UBND tỉnh Bình Dương còn lý giải việc ông Huỳnh Uy Dũng “tố cáo” tỉnh chậm giải quyết theo đề nghị của doanh nghiệp “thực chất là trốn tránh trách nhiệm” đối với những người mà Công ty Đại Nam đã nhận tiền của họ dưới danh nghĩa “góp vốn”. UBND tỉnh Bình Dương cũng cáo buộc chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã “đổ lỗi” cho tỉnh nhằm hợp thức hóa việc làm sai trái của chủ đầu tư.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, mặc dù UBND tỉnh đã có công văn nhắc nhở nhưng việc huy động vốn theo hình thức phân lô bán nền trong KCN Sóng Thần 3 ngày càng diễn ra sôi động, không chỉ người trong tỉnh Bình Dương mà người ngoài tỉnh cũng mua với số lượng lớn, xuất hiện tình trạng mua đi bán lại một cách công khai. Vì vậy, tỉnh Bình Dương đã lập một đoàn kiểm tra gồm đại diện một số sở ngành kiểm tra tình hình thực hiện tại KCN Sóng Thần 3, đồng thời Công an tỉnh cũng vào cuộc điều tra việc mua bán đất đai tại đây. Tới thời điểm kiểm tra (tháng 8-2009), chủ đầu tư KCN Sóng Thần 3 đã chia 32,3ha trong “khu ở” thành 2.630 lô đất và thu được 414,3 tỉ đồng.
Sau khi đoàn liên ngành kết thúc kiểm tra và Công an tỉnh cũng báo cáo, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã họp và kết luận việc huy động vốn tại KCN Sóng Thần 3 thực chất là phân lô bán nền sai quy định. Sau đó ông Lê Thanh Cung, lúc này đang giữ chức phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh, đã ra một quyết định cấm chuyển nhượng đất ở trong KCN Sóng Thần 3 dưới mọi hình thức. Đây chính là quyết định mà ông Huỳnh Uy Dũng đã dùng để “tố cáo” ông Lê Thanh Cung vì cho rằng văn bản này trên cả Luật đất đai và làm ảnh hưởng đến quyền lợi doanh nghiệp và người lao động.
Đối với việc Công ty Đại Nam xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu ở trong KCN Sóng Thần 3 (trong đó xin tách thành dự án khu đô thị hơn 130ha và giảm diện tích KCN), UBND tỉnh Bình Dương cho rằng động thái này của chủ đầu tư là nhằm “hợp thức hóa diện tích khu ở đã phân lô bán nền” và tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp tục kinh doanh bất động sản trái phép. Vì vậy, mặc dù Công ty Đại Nam đã liên tiếp nộp hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết (vào tháng 3-2009, tháng 7-2010 và tháng 6-2012) nhưng UBND tỉnh Bình Dương đã không xem xét kiến nghị này, đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng trả lời cho doanh nghiệp.
Sau đó Sở Xây dựng đã có văn bản trả lời vào tháng 7-2012. Tuy nhiên, việc trả lời của UBND tỉnh Bình Dương và Sở Xây dựng đối với Công ty Đại Nam như vậy có chậm trễ hay không, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bình Dương đã không đề cập vấn đề này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận