14/01/2022 21:43 GMT+7

Báo cáo của Mỹ bác yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam nói gì?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - "Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982", người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ lập trường của Việt Nam.

Báo cáo của Mỹ bác yêu sách Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam nói gì? - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng - Ảnh: BNG

Ngày 14-1, trả lời câu hỏi của báo chí đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về báo cáo số 150 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 12-1, bà Thu Hằng đã nêu rõ quan điểm của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam "ghi nhận" việc Bộ Ngoại giao Mỹ, mà cụ thể là Văn phòng về các vấn đề đại dương và các vùng cực công bố báo cáo số 150 về yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông.

Báo cáo này nằm trong loạt báo cáo Các ranh giới trên biển nhằm mục đích xem xét các yêu sách hoặc ranh giới biển của các quốc gia ven biển, đánh giá tính nhất quán của chúng với luật pháp quốc tế.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định đối với các tranh chấp ở Biển Đông, Việt Nam đã nhiều lần khẳng định quan điểm nhất quán và rõ ràng của mình, cả trong khuôn khổ song phương cũng như đa phương.

"Việt Nam luôn phản đối và không chấp nhận mọi yêu sách liên quan không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982.

Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa đề nghị các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, có đóng góp tích cực và thực chất nhằm duy trì hòa bình, ổn định, bảo vệ an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tính toàn vẹn của UNCLOS và trật tự dựa trên luật lệ", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chốt vấn đề.

Trong báo cáo số 150, Mỹ sử dụng UNCLOS như cơ sở pháp lý để bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc trên Biển Đông.

Báo cáo nhấn mạnh yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với cái gọi là Nam Hải chư đảo (trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam) là trái với luật quốc tế.

Đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc đơn phương tự vẽ ở Hoàng Sa và dự định áp dụng ở Trường Sa cũng bất hợp pháp, không theo đúng các quy định của UNCLOS.

Phía Mỹ cũng nhấn mạnh vai trò của UNCLOS tại Biển Đông, nhắc lại Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước đã bác bỏ yêu sách quyền lịch sử của Trung Quốc vào năm 2016.

"Ảnh hưởng tổng thể của các yêu sách hàng hải này là việc Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền hoặc một số loại đặc quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông một cách bất hợp pháp.

Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong UNCLOS.

Vì lý do này, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách này của Trung Quốc nhằm ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới", phía Mỹ nhấn mạnh.

Mỹ công phá các điểm yếu pháp lý của Trung Quốc Mỹ công phá các điểm yếu pháp lý của Trung Quốc

TTO - Báo cáo số 150 của Cục Đại dương - môi trường - các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định rõ yêu sách chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trên toàn bộ Biển Đông là phi pháp.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên