Sản phẩm của Asanzo được bày bán trong các siêu thị điện máy ở TP.HCM - Ảnh: HỮU DUYÊN
Động thái này có được sau loạt bài của báo Tuổi Trẻ phản ánh Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo nhập hàng Trung Quốc nhưng nhập nhằng xuất xứ Việt Nam.
Sở Công thương TP cho biết đã đề nghị Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM báo cáo cụ thể về danh hiệu "Hàng Việt Nam chất lượng cao" do hội cấp cho Công ty Asanzo.
Về tình hình kinh doanh của Asanzo, theo thông tin của sở, tại TP.HCM, sản phẩm của Asanzo được phân phối tại khoảng 143 điểm bán của hệ thống bán lẻ như điện máy Chợ Lớn, Nguyễn Kim, Điện máy xanh... cùng các cửa hàng bán lẻ điện máy truyền thống tập trung tại các khu vực chuyên kinh doanh điện tử như khu vực Nhật Tảo, Hùng Vương.
Ngoài ra, hàng của Asanzo cũng có kênh phân phối khá mạnh trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Sendo, Lazada…
Theo Sở Công thương, Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cấp ngày 20-10-2016; hiện đang sản xuất, kinh doanh các mặt hàng điện gia dụng (smart TV, bếp hồng ngoại, bình đun nước, lò nướng, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn ủi…), điện lạnh (máy lạnh, quạt, quạt làm mát) và điện tử (điện thoại di động).
Sở cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường, các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa của Asanzo.
Trước đó, một số siêu thị điện máy ở TP.HCM cho biết khá bất ngờ trước nguồn gốc xuất xứ thực của các sản phẩm điện máy Asanzo và đã quyết định tạm ngưng kinh doanh sản phẩm trong khi chờ phản hồi từ nhà sản xuất sau loạt bài phản ánh của báo Tuổi Trẻ.
Các nhà bán lẻ đang yêu cầu nhà cung cấp này có giải đáp rõ ràng về nguốc gốc sản phẩm theo đúng quy định pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận