28/04/2016 09:29 GMT+7

“Bảo bối” chống bạo lực học đường

KHUÊ NGỌC
KHUÊ NGỌC

TTO - Với cuốn cẩm nang phòng chống bạo lực học đường, đôi bạn Nguyễn Hoàng Xuân Huy - Nguyễn Thị Bích Thảo đã xuất sắc giành giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học của khoa tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2016.

Xuân Huy (trái) và Bích Thảo giới thiệu cẩm nang phòng chống bạo lực học đường - Ảnh: Khuê Ngọc
Xuân Huy (trái) và Bích Thảo giới thiệu cẩm nang phòng chống bạo lực học đường - Ảnh: Khuê Ngọc

Cuốn “bảo bối” này có kích thước nhỏ hơn quyển vở học trò một chút và có nhiều hình ảnh, sơ đồ minh họa khá đặc sắc.

Dày 34 trang, tài liệu này có bảy phần, trong đó tập trung năm phần chính. Mở đầu của phần đầu tiên “Bạn có biết?” là định nghĩa về bạo lực học đường, tiếp theo là những con số minh chứng cho thực trạng đáng lo, rồi là các biểu hiện và hình thức, nguyên nhân của vấn nạn này.

Ở phần 2 có sự xuất hiện của hai nhân vật đáng yêu Múp, Mít trong một lớp học ám ảnh với những hành vi bạo lực học đường. Trước tình hình đó, cẩm nang gợi ý 10 hành động tích cực trong phần 3: nói “không” với hung khí, báo tin cho nhà trường, quản lý cảm xúc, hòa giải, quan tâm bạn bè...

Ở phần 4 có trích dẫn các điều số 12, 70 và 71 trong Bộ luật hình sự về quyền, nghĩa vụ của vị thành niên liên quan đến bạo lực học đường.

Phần 5 của cẩm nang là 10 câu hỏi - đáp về cách nhận biết, địa điểm xảy ra và các biểu hiện của hành vi bắt nạt ở học đường. Ở phần này, ngoài thông tin về hậu quả gây ra bởi bạo lực học đường, cẩm nang còn hướng dẫn những cách hành xử khôn ngoan khi chứng kiến bạo lực học đường, cách xử trí khi bị người khác đối xử bạo lực, cách phòng chống, kỹ năng cấp cứu nạn nhân...

Bắt tay làm từ tháng 9-2015, đến tháng 4-2016 đôi bạn này mới hoàn tất cẩm nang. Chỉ là cuốn tài liệu nhỏ nhưng được chắt lọc từ công trình nghiên cứu khoa học khá công phu. Như các chuyên gia, hai bạn đã tiến hành khảo sát 290 học sinh THCS rồi mày mò xử lý mớ dữ liệu “nhức đầu” nhận được.

Thảo bộc bạch: “Ở thời điểm đó, tôi mới trải qua mười mấy tiết học đầu tiên của học phần xử lý số liệu thống kê nên làm rất chật vật, có lúc bí quá phải nhờ thầy cô mở lối ra. Coi như học đến đâu hành đến đó, vậy mà học được nhiều thứ lắm”.

Khác với các nhóm còn lại, vì chỉ có hai bạn làm việc với nhau nên mỗi khi tranh luận họ phải “lụy” đến người thứ ba làm “trọng tài”. Chưa hết, trong quá trình thực hiện đề tài, đôi bạn còn bị hiệu trưởng hai trường THCS từ chối hỗ trợ khảo sát mà theo hai bạn “có lẽ nhà trường quá nhạy cảm với vấn nạn này”.

Một số học sinh nghịch ngợm còn viết giấy nhắn gửi đại loại như “coi bộ anh, chị rảnh lắm hay sao mà làm chuyện tào lao”. Vậy mà đến khi cầm cuốn cẩm nang thử nghiệm trong tay, nhiều học sinh thích quá nên xin giữ luôn, một số trường cũng vậy.

“Thật là sướng khi thành quả bọn mình đổ mồ hôi lại được học sinh, nhà trường đón nhận một cách trân trọng như thế. Bọn mình sẽ hiệu đính lại cuốn tài liệu cho súc tích hơn, hấp dẫn hơn và mong rằng đứa con tinh thần của bọn mình sẽ được các trường phổ biến cho thật nhiều học sinh để các em có thêm kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất nhằm tự bảo vệ bản thân trước vấn nạn bạo lực học đường” - Huy cho biết.

Ngoài thái độ bức xúc trước thực trạng bạo lực học đường trong những năm gần đây, lý do thôi thúc Xuân Huy chọn đề tài này chính là vì bạn đã từng chứng kiến những trận đánh nhau của học trò có sự “bảo kê” của các tay anh chị khi còn học ở quê nhà. “Bọn họ ném đá vèo vèo như mưa thiên thạch” - Huy kể.

Còn hơn thế, Thảo từng là nạn nhân của bạo lực học đường suốt ba năm thời THPT. Thảo tâm sự: “Do hồi đó tôi sống hơi thu mình và có suy nghĩ hơi khác nên bị một số bạn trong lớp liên tục nói xấu, tẩy chay, trêu tức, la mắng oan... mà mãi đến gần đây mới thôi bị ám ảnh”. Do đó, khi được “đàn anh” Xuân Huy rủ làm chung đề tài, Thảo gật liền.

KHUÊ NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên