03/09/2019 07:49 GMT+7

Bão, áp thấp xuất hiện dồn dập: Cấm biển, gọi tàu thuyền trú ẩn

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Dải hội tụ nhiệt đới nằm vắt ngang từ lục địa châu Á đến vùng biển Thái Bình Dương, nhiệt độ ở biển ấm, độ ẩm cao khiến các vùng thấp hoạt động mạnh trở thành áp thấp nhiệt đới, bão dồn dập.

Bão, áp thấp xuất hiện dồn dập: Cấm biển, gọi tàu thuyền trú ẩn - Ảnh 1.

Tàu cá của ngư dân nhiều tỉnh thành miền Trung neo đậu ở âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) tránh thời tiết xấu - Ảnh: HỮU KHÁ

Các tỉnh miền Trung đang cấm biển và kêu gọi tàu thuyền khẩn cấp tìm nơi trú ẩn an toàn.

Tối 2-9, áp thấp nhiệt đới ngoài khơi Philippines đã mạnh lên thành bão có tên quốc tế LingLing. Cơn bão này có xu hướng di chuyển về phía bắc lên Đài Loan và Nhật Bản. Do cường độ mạnh nên cơn bão này hút áp thấp nhiệt đới cũ (dự báo mạnh lên thành bão số 5) đi ngược trở ra, hướng về đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Cùng lúc này vùng thấp khác trong Biển Đông đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới lại tác động vào áp thấp nhiệt đới cũ khiến đường đi, diễn biến của các áp thấp nhiệt đới tại Biển Đông trở nên phức tạp, khó lường.

Di chuyển khó đoán

Chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho biết thực chất vùng áp thấp mới hình thành vào sáng 2-9 chính là phần rìa đuôi của áp thấp nhiệt đới cũ đang hoạt động. Cũng theo bà Lan, có nhiều mô hình dự báo về diễn biến của các áp thấp nhiệt đới này nhưng chủ yếu sẽ diễn biến theo hai hướng.

Thứ nhất, áp thấp nhiệt đới cũ sẽ di chuyển đến khu vực biển gần đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) rồi quay ngược trở ra do bị cơn bão LingLing ngoài khơi Philippines kéo ngược ra.

Thứ hai, do sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới mới sẽ giúp áp thấp nhiệt đới cũ thoát khỏi sức hút của cơn bão ngoài khơi Philippines và đi vào đất liền.

Sau khi áp thấp nhiệt đới cũ vào bờ và suy yếu thành vùng thấp, vùng thấp này sẽ nhập vào áp thấp nhiệt đới mới hình thành sáng 2-9 khiến áp thấp nhiệt đới này mạnh lên thành bão và bị cơn bão sắp hình thành ngoài khơi Philippines kéo ngược trở ra. 

Theo bà Lan, điểm bất thường ở đây là việc tương tác của các cơn áp thấp nhiệt đới, bão này sẽ tạo ra hướng di chuyển dị thường như thế nào.

Bão, áp thấp xuất hiện dồn dập: Cấm biển, gọi tàu thuyền trú ẩn - Ảnh 2.

Áp thấp hình thành trên Biển Đông - Nguồn: Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia

Cấm biển, kêu gọi tàu thuyền trú ẩn

Chiều 2-9, đại úy Đồng Thanh Dương - trực ban tác chiến Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ đội biên phòng TP Đà Nẵng - cho biết đến thời điểm này TP Đà Nẵng có khoảng 1.450 tàu đã vào bờ neo đậu. Chỉ còn 41 tàu với 386 lao động đang hoạt động trên biển và hầu hết đã biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng đã có công điện yêu cầu tiếp tục kêu gọi tàu thuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú tránh an toàn, chú ý các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động tại vùng nguy hiểm, đồng thời nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi.

Trong khi đó tại hai tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình chiều 2-9 vẫn còn nhiều tàu thuyền của ngư dân hoạt động trên biển. Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị, đến chiều cùng ngày vẫn còn đến 31 tàu cá của ngư dân chưa vào bờ trú ẩn. Trong số đó có 12 tàu đang hoạt động ở khu vực biển quanh đảo Cồn Cỏ, 19 tàu còn lại đang hoạt động ở vùng biển Đà Nẵng và vùng biển vịnh Bắc Bộ. 

Cùng thời điểm, Quảng Bình vẫn còn 111 tàu cá của ngư dân chưa vào bờ. Trong đó đặc biệt có 88 tàu đang đánh bắt ở vùng biển nguy hiểm từ Quảng Trị đến Phú Yên.

Ông Phan Thanh Hùng - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết đã có công điện gửi các đơn vị trên toàn tỉnh nhằm chuẩn bị phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới "dị thường" trên Biển Đông. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có lệnh cấm biển và kêu gọi toàn bộ tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn trong ngày 2-9.

Theo ông Trần Xuân Nhuệ - trạm trưởng trạm bờ Chi cục Thủy sản Nghệ An: "Mặc dù bão số 4 đã tan, nhưng ngoài khơi vẫn còn sóng gió, bởi vậy Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vẫn đang tiếp tục cấm biển, đặc biệt là một đợt áp thấp mới, có khả năng thành bão, đang hướng vào Biển Đông. 

Các địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ngư dân chưa ra khơi vào thời điểm này, dù bão số 4 đã tan nhưng biển vẫn còn động, rủi ro cao".

Tăng cường dự báo trên biển

Trước tình hình diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, bão, ông Trần Quang Hoài - phó trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - đề nghị cơ quan dự báo quốc gia tăng cường hơn nữa các dự báo và theo dõi diễn biến của hai áp thấp nhiệt đới trong Biển Đông và cơn bão ngoài khơi Philippines.

Ông Hoài yêu cầu các văn phòng thường trực dọc tuyến biển cũng như khu vực Bắc Trung Bộ thường xuyên trực ban, nắm tình hình diễn biến thực tiễn.

Đặc biệt chú ý trên tuyến biển đang diễn biến phức tạp. Do đó đề nghị lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp với kiểm ngư, chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện việc thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm. 

Đồng thời, các đơn vị chức năng phải kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, vận hành các hồ thủy điện nhỏ và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. 

Huy động lực lượng, nhất là lực lượng xung kích tại cơ sở kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng thấp trũng để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Hai áp thấp nhiệt đới và bão cùng xuất hiện là hiếm gặp Hai áp thấp nhiệt đới và bão cùng xuất hiện là hiếm gặp

TTO - Trường hợp xuất hiện đồng thời hai áp thấp nhiệt đới và bão, cùng tương tác với nhau hiếm khi xảy ra. Sự tương tác này khiến diễn biến của các cơn áp thấp nhiệt đới và bão sẽ còn rất phức tạp trong 2-3 ngày tới.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên