09/02/2013 08:16 GMT+7

Bánh tét Trà Cuôn

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTXuân - Đi qua ngã ba Trà Cuôn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), xe khách nào cũng dừng lại mua bánh tét, càng gần Tết càng tấp nập.

Người ta mua về làm quà biếu, thậm chí xách tay ra nước ngoài, vì đó là món đặc sản đậm tình quê hương: bánh tét Trà Cuôn.

QRUQrRxV.jpgPhóng to

Vô nhà chị Hai Lý (Mai Hoàng Lý), một trong những chủ lò nổi tiếng vùng này, mới biết rõ vì sao khách hàng “ghiền” ăn đến vậy, cứ đi qua là phải ghé mua.

Nguyên liệu đầu tiên là nếp. Chị Lý cho biết nếp phải là nếp dẻo, chỉ trồng được ở một số vùng đất Trà Vinh, An Giang, Long An. Chị phải đặt hàng chính người trồng mới có, không thể thay thế bằng nếp khác được bởi từ xưa tới nay, cái chất nếp dẻo, thơm đã “thấm” vào tiềm thức của khách rồi. Nếp trước khi gói còn được trộn với nước lá bồ ngót cho có màu xanh, hợp với màu lá chuối gói bánh sẽ làm tôn thêm vẻ đẹp dân dã của đòn bánh.

Trong khi chị Lý trộn nếp thì kế bên, chị Mai Hoàng Loan lo trộn nhân. Hương vị của nhân bánh tét là khâu hết sức quan trọng bởi người dùng có ưa hay không là chỗ đó. Nhân có màu vàng của đậu xanh, nâu của thịt, trắng của mỡ, đỏ của hột vịt muối kết hợp với màu xanh của nếp và lá gói bao bọc bên ngoài làm khoanh bánh tét cắt ra có đủ màu như “bảy sắc cầu vồng”, ngó thấy là thèm liền.

Chị Loan trải lá chuối lên mặt bàn rồi rải đều nếp xanh lên trên, thịt, mỡ, hột vịt, đậu xanh để vô chính giữa. Lá chuối úp lại, cuộn tròn các thứ bên trong rồi dùng dây chuối cột chặt. Mà chỉ xài dây chuối chứ không được cột dây nilông như vài nơi vẫn làm. Cái khâu gói, cột dây này cũng ảnh hưởng rất lớn tới độ chín và dẻo của đòn bánh. Nếu gói lỏng quá bánh sẽ nhão, còn chặt quá bánh sẽ sượng ăn mất ngon. Bánh gói xong đưa vô nồi lớn, nấu trên lò củi hoặc trấu. Lò phải giữ lửa suốt 7-9 giờ mới được lấy ra. Khi chụm lửa cũng phải vừa đủ, không nhỏ quá cũng không “áp” quá ảnh hưởng độ chín của bánh.

Xế chiều, có một lượt bánh chín, chị Lý cắt một đòn cho vô đĩa. Tụi tôi bụng đói cồn cào, thấy bánh tét bốc khói càng cồn cào… bụng đói. Trên đĩa, mấy khoanh bánh tét tròn vo, đủ màu xanh đỏ trắng vàng càng kích thích vị giác. Mùi thơm của nếp, của thịt, mỡ và trứng tỏa ra ngào ngạt. Không kiềm chế được nữa, phải gắp một đũa đưa vô miệng. Úi chà, cái deo dẻo của nếp, cái mằn mặn của hột vịt, cái bùi bùi của đậu xanh và cái beo béo của thịt mỡ làm hương vị bánh tét đậm đà, da diết làm sao.

Vừa hết một miếng bánh, chị Hai Lý lại bưng ra một đĩa tôm khô đỏ tươi cùng mấy củ kiệu trắng ngần. Gắp thêm miếng bánh tét, kẹp vô con tôm khô rồi “lùa” thêm mấy củ kiệu, cái vị ngọt của tôm khô, vị chua nồng của củ kiệu hòa với hương vị bánh tét làm cảm giác càng thêm ngất ngây.

Gió chướng ngoài trời thổi mạnh. Bên con rạch nhỏ, tàu lá dừa nước cọ vào nhau nghe xào xạc. Ngồi thưởng thức hương vị quê nhà mà lòng cứ bâng khuâng nhớ về những cái Tết thời thơ ấu…

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên