Hiệu bánh mì Nguyễn Ngọ nổi tiếng ở Sài Gòn trước năm 1975 - Ảnh tư liệu
"Thành phố ngã ba đường" - nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng nhận định như vậy về Sài Gòn. Nhưng Sài Gòn có thể hơn nữa, có thể là ngã năm ngã bảy giữa những luồng thông thương - giao lưu - hội nhập về tư tưởng, khoa học, công nghệ, văn hóa, ẩm thực… mà bánh mì có thể là một điển hình. Bánh mì đã có hẳn một đời sống liên tục phát triển của riêng nó giữa Sài Gòn.
Bánh mì kẹp thịt từ đâu?
Trong tác phẩm Tuấn - Chàng trai nước Việt, tác giả Nguyễn Vỹ kể về chuyến đi "du học Hà Nội" của Tuấn năm 1926: "Mấy đứa bạn mua cho Tuấn ăn dọc đường: một trái bưởi Huế, một khúc bánh mì và một gói kẹo thèo lèo để ăn với bánh mì.
Ở Huế và cả miền Trung lúc ấy, bánh mì vẫn chưa thông dụng với dân chúng An Nam. Bạn muốn Tuấn có được món ăn đặc biệt trên xe lửa đi Hà Nội đã phải đến nói riêng với anh bồi nhà hàng Morin độc nhất của Pháp ở Huế để mua được khúc bánh mì chánh hiệu…".
Đến năm 1930, khi Tuấn vào Sài Gòn, điểm đầu tiên mà cậu nhận xét là: Sài Gòn có quá nhiều tiệm ăn, tiệm cà phê, xe mì, hàng quà vặt, dân chúng ngồi ăn ngoài đường đông đảo, vui vẻ tự nhiên.
Và những mẩu chuyện về đời sống của bánh mì thì xuất hiện vô số từ rất sớm trong văn học miền Nam.
"Thằng Dân nó liệu còn sớm, mà phần thì từ hồi sớm mai tới bây giờ nó chưa có để vô miệng một món gì nên trong bụng đói muốn lủi.
Bởi vậy, nó thấy mấy chị con gái lối 18, 19 tuổi răng có bịt vàng và đầu đội khăn, tay bưng rổ bánh mì với lạp xưởng chín rồi, đi cà rà lại một bên nó mà hỏi nó có mua hay không, thì nó bèn lấy tiền ra mà mua một ổ bánh mì bốn xu với cặp lạp xưởng một cắc. Chị bán gói chung ổ bánh mì với cặp lạp xưởng vào tờ giấy nhật trình cho nó…" (Cảnh nhà quê, Dật Sĩ Tử, 1931).
"Hai vợ chồng mới đi và chuyện vãn, gần trót giờ mới tới Bến-thành. Minh Châu mua hai ổ bánh mì, một cắc chocolate, lần bước vào Sở-thú nghỉ cẳng. Hai vợ chồng lựa băng ghế thanh vắng dựa mé sông, ngồi xuống, lấy bánh mì, chocolate cắn ăn…" (Nước đời lắm nỗi éo le, Đào Thanh Phước, 1932).
"Xe chưa chạy, vợ chồng tôi vô tiệm uống cà phê. Nhà tôi lại chợ mua bánh mì thịt quay, biểu tôi đi dọc đàng có đói bụng thì lấy ra ăn…" (Thiên thu trường hận, Việt Ái, 1931).
"Về tới chợ mới Bến Thành, Phụng ngó đồng hồ gắn trên đầu chợ thì thấy đã 4 giờ rưỡi. Chàng mua một ổ bánh mì 4 xu với một cắc bạc thịt xá xíu, xin giấy gói lại kín đáo rồi cầm đi qua đại lộ Galliéni mà về nhà" (Người thất chí, Hồ Biểu Chánh, 1938).
"Hồi nãy em có lấy bỏ túi đem theo một hộp paté với hai ổ bánh mình nhỏ đây…" (Ái tình miếu, Hồ Biểu Chánh, 1941).
Vậy đó, món bánh mì Tây đã đi vào cuộc sống thường ngày của những người Việt một cách giòn rụm, ngon lành từ rất sớm. Không cần dao nĩa muỗng thìa, ngồi bàn cắt thịt bẻ bánh như người Pháp, người Sài Gòn chỉ cần mảnh giấy gói cho chiếc bánh mì và nhân ăn kèm tùy ý thích, tùy hầu bao. Còn tiền ăn bánh mì thịt quay, lạp xưởng, xá xíu, patê, chả lụa, khi hết tiền ăn với mẩu đường tán hay hạt muối cũng vẫn ngon lành một ổ bánh mì.
Bánh mì thế là đã từ bàn ăn sang trọng xuống đường phố bình dân, phục vụ những thực khách vừa gặm bánh mì vừa rảo chân cho kịp việc. Nhân bánh mì đã được chính những thực khách tháo vát và luôn vội vã sáng tạo ra cách nhét luôn vào trong ruột như thế...
Bánh mì Huỳnh Hoa ở TP.HCM hiện nay luôn đông khách - Ảnh: TỰ TRUNG
Trăm bánh mì đua nhân
Cho đến những năm 1960, khi Sài Gòn có những tiệm bánh mì nổi tiếng như Hòa Mã ở Cao Thắng, Hương Lan trước cổng Bưu điện, Nguyễn Ngọ ở Trần Hưng Đạo thì bánh mì Sài Gòn đã được định hình là một ổ bánh mì với nhân gồm bơ, patê, thịt nguội, chà bông, đồ chua, hành ớt.
Định hình là để một miếng bánh mì thực khách cắn vào sẽ có vị ngọt bùi tinh bột của bánh, vị béo ngậy của bơ và patê, vị ngọt ngon thơm của thịt nguội có thể là jambon, chả lụa hay gà xé, vị chua trung hòa của củ cải cà rốt ngâm giấm, vị hăng cay của hành ớt…
Tổng hòa của tất cả các vị ấy chỉ trong một miếng ăn sẽ xui người ta cắn thêm miếng nữa, miếng nữa, và cuối cùng hết ổ bánh. Năng lượng dinh dưỡng mang lại đã tương đương một bữa cơm đủ bột, đủ đạm, đủ chất xơ, thế mà giá lại rẻ hơn nhiều.
Mỗi người Sài Gòn khi đó, từ những cô cậu học sinh cho đến sinh viên, công chức, công nhân, người lao động đều có bao nhiêu kỷ niệm gắn với những ổ bánh mì 5 đồng, 10 đồng này.
Bẵng đi một quãng với những ổ bánh mì phải mua bằng hộ khẩu hay thẻ công nhân viên thời khó khăn, từ những thập niên 1980 - 1990, bánh mì trở lại với người Sài Gòn với đủ loại biến tấu ngày càng đa dạng song song với sự hội tụ cư dân khắp các vùng miền và quốc tịch tại đây.
Bánh mì, dù không hề phải chi tiền quảng cáo, đã trở thành món ăn đường phố được nhiều người lựa chọn nhất vì tính tiện lợi, giá bình dân, có thể tìm thấy ở bất kỳ đoạn đường, con hẻm nào, không phải chờ đợi lâu và còn quá đa dạng nữa.
Người Bắc thích chọn bánh mì với patê, giò lụa, jambon, ruốc; người Trung chọn bánh mì với chả bò, chả cá; người Nam ưng bánh mì với heo quay, xíu mại, bì sợi, thịt khìa; người Hoa thích bánh mì phá lấu, xá xíu, vịt quay, bò nướng. Ăn kiểu Tây thì bánh mì với patê, thịt nguội, trứng ốpla, bò bít tết; ăn kiểu Ấn thì bánh mì cari, lagu.
Có người ăn bánh mì với kem, với trái cây… Gu ẩm thực nào cũng dễ dàng tìm được một ổ bánh mì ngon để thỏa mãn vị giác ở Sài Gòn.
Và không chỉ ở Sài Gòn. Những xe bánh mì Sài Gòn đã theo chân người Việt đi khắp thế giới. Giờ đây, nơi đâu có người Việt thì nơi ấy có bánh mì. Được đưa vào từ điển Oxford, giờ đây toàn thế giới đã gọi bánh mì là "banh mi".
Những người nước ngoài đến Việt Nam, đến Sài Gòn không ngại ngần mà háo hức cắn ổ bánh mì ngoài đường phố, và hơn nữa, bình chọn "banh mi" là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Những tiệm bánh mì nổi tiếng của Sài Gòn được đưa vào bản đồ du lịch, trở thành một trong những lý do quyến rũ khách trải nghiệm, và chẳng hiếm cảnh người nước ngoài đứng xếp hàng chờ mua. Bánh mì được đưa vào truyện, vào phim, vào thơ, vào nhạc, vào tranh...
Dẫu lên ngôi như thế nhưng bánh mì vẫn giữ nguyên những đặc trưng từ thuở ban đầu: dễ làm, dễ tìm, nhanh chóng, tiện lợi, bình dân.
Ổ bánh mì đường phố đắt nhất Sài Gòn giá 58.000 đồng vẫn có nhiều người lựa chọn không kém ổ bánh mì 10.000 - 15.000 đồng. Và Sài Gòn còn có rất nhiều những ổ bánh mì 0 đồng cũng nóng giòn, cũng thịt chả, phô mai luôn được dành sẵn cho những người lỡ đói bụng mà lại cạn tiền.
Bánh mì, vì thế, đã trở thành một phần của Sài Gòn, của Việt Nam và luôn chiếm một phần đáng kể trong tình yêu của người Sài Gòn với Sài Gòn.
Một hàng bánh mì ở chợ - Ảnh tư liệu
Nghe vẻ nghe ve nghe vè bánh mì
Quý cô thùy mị thích bánh mì không
Bánh mì chà bông dành cho bà xã
Bánh mì cho cả lớn trẻ người già
Từ anh xây nhà đến anh giám đốc
Người chơi nhạc rock đủ kiểu Tây Ta
Xinh đẹp như hoa thường dùng tay ngắt
Bánh mì loại đắt bán ở nhà hàng
Màu da ươm vàng mùi hương quá tuyệt
Bánh mì thứ thiệt vươn khắp năm châu
Bánh mì từ lâu đã thành văn hóa
Trở thành từ khóa hiện tượng Google…
(Trích lời bài hát Tôi yêu bánh mì Sài Gòn)
Nguyễn Hải Phong
Hiệu bánh mì ở Hà Nội có lẽ được ghi nhận sớm nhất trong một bài viết năm 1885 của A. Bléton khi viết về phố Hàng Khảm (Hàng Khay và Tràng Tiền ngày nay) là phố đầu tiên được trải đá dăm, nơi xuất hiện các cửa hàng của người Âu…
Kỳ tới: Bánh mì Hà Nội - lầu son đến vỉa hè
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận