Gần khu chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương), hầu như ai cũng biết tiệm bánh mì của bà Nguyễn Thị Ba.
Bà Ba năm nay 65 tuổi, lưng đã còng. Tuy việc di chuyển không còn nhanh nhẹn, nhưng những thao tác với bánh mì của bà vẫn còn thoăn thoắt.
Mỗi lần nhắc đến tiệm của bà, vị khách quen nào cũng liên tưởng đến một hàng dài người đang đợi. Dần dà, người mua gọi tiệm là bánh mì chờ đợi.
Bí quyết để khách phải tốn công với bánh mì chờ đợi
Tiệm bánh mì chờ đợi này từ lâu gắn liền với nhiều thế hệ của người Bình Dương và cả cuộc đời của bà Ba. Trước khi bà ra đời, mẹ của bà, là bà Trần Thị Út, đã bán món bánh mì này.
Thời ấy, bánh mì hết sức gần gũi với đời thường, người này học người kia mà làm. Bà Út cũng học hỏi cách làm từ những ổ bánh mì mà bà ăn, sau đó tự lần mò ra công thức.
15 tuổi, bà Ba đã bắt đầu phụ mẹ bán buôn. Vừa phụ, bà vừa học từ mẹ cách chế biến, nêm nếm. Sau này, bà Út bị tai biến, không thể bán nữa thì bà Ba nối tiếp mẹ để duy trì hương vị này.
Hỏi về việc chuẩn bị nguyên liệu bán trong một ngày, bà Ba tâm sự bà phải làm từ 4h sáng. Các món trong bánh mì như hành phi, tóp mỡ, pate, đậu phộng, thịt, xíu mại… đều do một tay bà làm.
Đối với nem và chả, bà lấy mối ruột từ hồi của mẹ.
"Chỗ đó tôi lấy từ hồi ông bà, rồi tới đời cha mẹ của người bán bây giờ chứ không mua chỗ khác.
Ngày nào đem chả nóng thì tôi mới lấy, bán hết trong ngày chứ không bỏ tủ lạnh" - bà Ba nói.
Công đoạn cực nhất và cũng nhiều tâm huyết nhất trong món ăn chính là chế biến pate và xíu mại.
Bà cho biết trong pate chủ yếu là gan, mỡ, hành, tỏi và bột được xay nhuyễn. Nghe có vẻ dễ, nhưng pate của bà mang một mùi thơm và béo đến lạ.
Bà Ba còn mỉm cười "than phiền": "Pate với xíu mại cái nào làm cũng cực. Xíu mại làm xong, ngồi vò rồi vắt gần chết, vắt mà mỏi tay luôn".
Pate quét đều, tóp mỡ chiên giòn và nước sốt béo, thơm khó cưỡng
Điều lôi kéo để thực khách tình nguyện chờ đợi không chỉ là vị ngon của ổ bánh mì, đó còn là những cái "độc lạ" mà ít chỗ nào có được.
Bánh mì của bà Ba là sự kết hợp của thịt, pate, bơ, chả, đậu phộng, hành phi, nem, tóp mỡ chiên giòn, nước sốt…
Đối với pate, bà Ba không quét một lớp dày vào ruột bánh, bà chỉ cho trước một lớp mỏng, sau đó tiếp tục xen kẽ từng lớp với đồ ăn.
Vì thế, khách không cảm nhận pate quá đậm, nhưng hương thơm sẽ nhẹ nhàng mà phủ đều cả ổ, tưởng như đó là mùi hương có trong từng thành phần mà ăn đến đâu liền nhận thấy đến đó.
Tóp mỡ chiên giòn chung với hành phi và đậu phộng cũng là một trải nghiệm thú vị cho người ăn. Cứ ngỡ sự kết hợp của hai thành phần này trong bánh mì sẽ khiến thực khách cảm thấy khô khan, nhưng chúng lại giòn giòn, hòa quyện một cách khó tả.
Sau khi cho đầy đủ đồ ăn vào, bà Ba tỉ mỉ, cẩn thận chan nước sốt. Nước chính là nước dừa mua về luộc với thịt, nêm nếm và chế biến chung với xíu mại, nên rất béo và thơm.
Bà cho biết đây là công đoạn mà mình phải chiều ý khách. "Ai ăn mặn thì tôi chan mạnh tay, còn không thì xịt một đường thôi, chứ không người ta không ăn được" - bà chia sẻ.
Cuối cùng là đặt bánh mì được nhận đầy đủ thức ăn lên lò nướng. Khi được trở đều tay, lớp bột ngoài sẽ có độ giòn giòn, thức ăn bên trong cũng nóng nhẹ. Trải nghiệm ấy càng đặc biệt hơn khi ăn trong tiết trời mưa lạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận